Chuyện khó tin trong các gói thầu thiết bị y tế chống dịch ở Thái Bình
Biên bản nghiệm thu, bàn giao máy điện tim xuất xứ Nhật Bản nhưng thực tế là Trung Quốc; nhà thầu kê khai thông tin không có thực; một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xoá…
Theo kết luận thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua trang thiết bị y tế, hoá chất, vật tư tiêu hao trong phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Thái Bình , gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi (Gói thầu số 01) có đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, giá trúng thầu trên 19,3 tỷ đồng nhưng giá trị hợp đồng được ký kết là gần 18 tỷ đồng.
Gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Gói thầu số 05), đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, giá trúng thầu 6,48 tỷ đồng nhưng giá trị hợp đồng điều chỉnh xuống còn 5,832 tỷ đồng (!?).
Gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện (Gói thầu số 09), đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê, giá trúng thầu 20,66 tỷ đồng; giá hợp đồng được ký kết gần 18,6 tỷ đồng.
3 gói thầu tư vấn thẩm định hồ sơ yêu cầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu có đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư TMT, giá trị hợp đồng được ký là 47,5 triệu đồng.
Đối với các gói thầu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư, kết luận thanh tra cho biết: Gói thầu mua sắm thuốc, hoá chất, sinh phẩm và trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19 do Công ty cổ phần y tế và đầu tư thương mại Sao Nam trúng thầu, giá trị hợp đồng còn lại (sau khi chấm dứt hoạt động) là 4,24 tỷ đồng.
Công ty TNHH Hưng Mỹ trúng thầu gói mua sắm vật tư y tế, với giá trị được ký gần 200 triệu đồng. Công ty cổ phần y tế và đầu tư thương mại Sao Nam trúng thầu gói mua sắm hoá chất và sinh phẩm, giá trị hợp đồng được ký kết gần 249 triệu đồng.
Từ “xuất xứ Nhật Bản” trở thành… “xuất xứ Malaysia”
Kết quả thanh tra phát hiện, trong hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, máy truyền dịch có cùng hãng, năm sản xuất và model là TE-LF600 không đúng với danh mục dự toán đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt.
Hồ sơ đề xuất của công ty này có vi phạm: Nhà thầu kê khai thông tin không có thực; 4 nhân lực thực hiện gói thầu không phải nhân sự của công ty như trong hồ sơ đề xuất, không đúng với yêu cầu kê khai trung thực của hồ sơ yêu cầu. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của công ty năm 2016 thể hiện số liệu so sánh là số liệu trên báo cáo tài chính năm 2014 của công ty (!).
Tại gói thầu số 05 do Sở Y tế Thái Bình làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra phát hiện hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc có nhiều vi phạm: Số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 trong hồ sơ đề xuất của đơn vị không trùng khớp với số liệu trên bảng kê năng lực tài chính của nhà thầu. Tại thời điểm nộp hồ sơ đề xuất, số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 không đúng với số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 quyết toán gửi cơ quan thuế; không có bản dịch tiếng Việt tài liệu kỹ thuật trong hồ sơ đề xuất theo yêu cầu; một số thông tin kỹ thuật không đúng với catalogue kèm theo hồ sơ đề xuất…
Kết luận thanh tra phát hiện hợp đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá và đầu tư bưu điện tại gói thầu số 09 có mặt hàng máy truyền dịch model Top-2300, hãng sản xuất Top/Nhật Bản, xuất xứ Nhật Bản. Tuy nhiên trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu trúng thầu máy truyền dịch có model là Top 2300, hãng sản xuất Meditop/Malaysia, xuất xứ Malaysia.
Chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xoá
Tháng 6/2020, đoàn thanh tra kiểm tra thực tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải, Bệnh viện đa khoa huyện Kiến Xương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình (đối với việc lắp đặt, bàn giao hệ thống máy xét nghiệm thuộc gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư).
Theo báo cáo của chủ đầu tư thời điểm này, các trang thiết bị đã được lắp đặt, vận hành; thuốc, hoá chất, vật tư tiêu hao đã tiếp nhận theo hợp đồng. Tuy nhiên chưa có đầy đủ giấy tờ uỷ quyền bán hàng. Các tờ khai hải quan trang thiết bị nhập khẩu là các bản photo đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu, không thể hiện một số thông tin trên tờ khai như giá trị hàng hoá nhập khẩu nguyên tệ (USD, JYP,…), tỷ giá ngoại tệ, giá trị tính thuế VNĐ, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,…
“Một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xoá giá trị như các loại Comercial Invoice (hoá đơn thương mại) không có giá trị tính trên đơn vị (price/unit) và tổng giá trị (Total amount)”- kết luận cho hay.
Riêng tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi do Sở Y tế Thái Bình làm chủ đầu tư, hợp đồng với nhà thầu, biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản giữa Sở Y tế, Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Công ty TNHH Tư vấn xây dựng 3Dmax thì mặt hàng máy điện tim 3 kênh model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản. Kiểm tra thực tế máy đã bàn giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình phát hiện máy điện tim 3 kênh có xuất xứ Trung Quốc (!)
Đáng chú ý, kết luận thanh tra phát hiện đơn vị bàn giao một số trang thiết bị y tế không phải là nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam).
Đơn cử, Biên bản bàn giao về 7 máy thở xâm nhập chức năng cao là giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, Công ty cổ phần y tế và thương mại Sao Nam và Công ty cổ phần Vietmedical; Biên bản bàn giao thiết bị 01 máy chụp X-Quang tại giường tự động kèm Casset là giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Công ty cổ phần đầu tư thiết bị y tế An Việt; Biên bản bàn giao bàn giao ngày 1/4/2020 giữa Công ty cổ phần y tế và đầu tư thương mại Sao Nam, Công ty cổ phần Vietmedical và Bệnh viện Nhi Thái Bình về 7 máy thở trẻ em,…
Thế Kha/DT