128027
category
484913

Chuyện ít biết về “lần đầu tiên” của xe tăng Việt Nam

15/03/2021 10:10

Sau gần 10 năm thành lập, bộ đội tăng thiết giáp lần đầu tiên xuất trận tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đó là trận Làng Vây trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Cứ điểm Làng Vây nằm ở tây bắc tỉnh Quảng Trị, trên địa hình rừng núi hiểm trở, cách khu phi quân sự phía nam khoảng 35km, cách sông Sê Pôn khoảng 1,5km và nằm trên trục đường 9 từ Đông Hà đi Lao Bảo sang đất bạn Lào.
Làng Vây là cụm cứ điểm phòng ngự, của một tiểu đoàn biệt kích thám báo do cố vấn Mỹ chỉ huy. Căn cứ Làng Vây được bảo vệ bằng 6 lớp rào kẽm gai kiên cố. Lực lượng địch, nếu kể cả bọn tàn quân ở Tà Mây bỏ chạy về trong trận đánh trước, có tổng quân số lên tới 1.000 tên.
Lực lượng ta tham gia trận Làng Vây, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Sư đoàn 304, gồm: Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101D được tăng cường đại đội đặc công Quân khu 4, đại đội đặc công Sư đoàn 325C… Lực lượng xe tăng gồm hai đại đội 3 và 9 của Tiểu đoàn xe tăng 198 (Trung đoàn 203 Thiết giáp), tất cả có 16 xe tăng lội nước PT-76.
Trước trận đánh Làng Vây, ngày 23/1/1968, quân ta từng sử dụng 11 xe tăng yểm trợ cho Trung đoàn bộ binh 24, thuộc Sư đoàn 304 tấn công Huội San, mà mục tiêu chủ yếu là cứ điểm Tà Mây, nhưng do điều kiện địa hình phức tạp và tình trạng kỹ thuật của xe, chỉ có 2 trong số 11 xe của Đại đội 3 đột phá được vào trung tâm cứ điểm Tà Mây.
Đúng 17 giờ ngày 6/2/1968, trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu. Trong tiếng súng nổ của pháo binh Trung đoàn 45 bắn chế áp địch, xe tăng ta vượt sông Sê Pôn và vượt ngầm Bi Hiên tiến vào tuyến triển khai, dùng hỏa lực tiêu diệt các lô cốt tiền duyên, yểm hộ cho bộ binh mở cửa.
Pháo binh Mỹ ở Tà Cơn và bọn địch trong căn cứ Làng Vây bắn mạnh ra cả hai hướng tây và nam. Máy bay địch cũng ào tới đánh phá và thả pháo hiệu sáng rực cả một vùng.
23 giờ 15 phút, pháo ta bắn dồn dập đợt 2. Trên hướng nam, phân đội mở đường dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 3, tiến lên dùng bộc phá phá rào mở đường vào căn cứ địch. Lúc 23 giờ 25 phút, cửa mở thông, hiệu lệnh xung phong phát ra, đại đội 9 bộ binh phối hợp với xe tăng 573 và 565 tiến vào đánh khu vực đầu cầu.
Địch phản ứng quyết liệt. Đại đội 9 bị thương vong một số, hai xe tăng 573 và 565 đều bị trúng đạn, song chiến sĩ ta vẫn anh dũng tiếp tục nổ súng diệt lô cốt hỏa điểm địch, yểm hộ đắc lực cho bộ binh phát triển. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 3 cùng bộ đội đặc công, xe tăng dồn dập vượt sông qua cửa mở đánh sâu vào căn cứ.
Các mũi tiến công của ta nhịp nhàng ăn khớp. Tiếng nổ của bộc phá, lựu đạn, đạn pháo, tiếng gầm rú của xe tăng rung chuyển cả một vùng núi tây nam thung lũng Khe Sanh làm cho địch hoang mang lo sợ, hết sức bất ngờ. Sự xuất hiện của xe tăng ta trên chiến trường càng làm cho địch hoảng hốt.
Trận đánh kéo dài từ 23 giờ 30 phút ngày 6/2 đến 3 giờ sáng ngày 7/2/1968, được xe tăng trực tiếp chi viện, các chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101D và bộ đội đặc công liên tục đột phá thắng lợi, tiêu diệt gọn các đại đội biệt kích 101 và 104; đánh vào trung tâm diệt sở chỉ huy địch.
Cũng thời gian đó, trên hướng tây, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 cùng xe tăng đã mở cửa thắng lợi đánh vào các điểm cao 230, 320, diệt gọn các đai đội biệt kích 102, 103, sau đó tiến vào hiệp đồng với Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101 tiêu diệt sở chỉ huy địch ở trung tâm căn cứ.
Đến 3 giờ sáng ngày 7/2/1968, căn cứ Làng Vây về cơ bản bị tiêu diệt, còn khoảng 30 tên địch rút xuống hầm ngầm, đến 10 giờ sáng cùng ngày, ta phá sập hầm và bắt gọn. Trận tiến công căn cứ Làng Vây bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng thắng lợi giòn giã. Nguồn ảnh: TL.

Thái Hòa

Đọc nhiều