Chuyện hoàn tiền cho hành khách mua vé từ chuyến bay giải cứu

Công Luân 14/07/2023 12:21

Đại án “chuyến bay giải cứu” đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh việc yêu cầu xét xử nghiêm minh những người ăn trên xương máu nhân dân lúc nguy khốn nhất thì cũng có rất nhiều thắc mắc về việc hoàn lại tiền cho những người phải mua vé cao từ hàng tỉ đồng đồng khắc phục vụ án được thu hồi.

Hành khách trên chuyến bay giải cứu

Trong vụ án này, cơ quan điều tra khởi tố về nhiều tội danh, trong đó có tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra không kết luận rằng công dân về nước có hành vi đưa hối lộ. Căn cứ vào khoản 1, điều 8 của BLHS thì khách thể của hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, nhà nước. Còn những công dân đi “chuyến bay giải cứu” là nạn nhân nhưng không thể được xác định là bị hại trong vụ án. Chính vì thế, chỉ xử lý được ở khía cạnh mối quan hệ giữa công dân với các đơn vị dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ đưa công dân về nước. Và điều này được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại. Nên việc đền bù tiền sẽ không được xử lý ở vụ án này mà sẽ ở một vụ án dân sự khác (nếu các khách hàng khởi kiện).

Có ý kiến cho rằng việc mua bán vé là sự thỏa thuận giữa hai bên và khách hàng tự nguyện mua nên đây là quan hệ dân sự bình thường “thuận mua, vừa bán”. Tuy nhiên, dù biết giá giữa người mua vé và hãng bay hoặc các công ty tổ chức cho việc di chuyển này là sự thỏa thuận của đôi bên do người mua vé tự nguyện, nhưng xét bản chất sâu xa thì họ đang ở vào tình trạng không có chọn lựa ngoài việc phải bắt buộc mua. Đây là hoàn cảnh đặc biệt mà một bên không thể làm khác và bên kia thì lợi dụng hoàn cảnh đó để trục lợi nên hàng khách mua vé được quyền khởi kiện các đơn vị tổ chức bán vé để lấy lại phần đã trả vượt quá quy định.

Cái khó ở đây là việc xác định giữa “giá bình thường” và “giá khác thường”. Biết rằng người bán vé đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá nhưng giá vé máy bay không có giá “chuẩn” và không có cơ quan nào giám định được. Đó là chưa nói, trong điều kiện dịch bệnh, “cấu thành” của giá vé có thể rất khác so với giá vé trong điều kiện bình thường. Nếu có thì phải là các cơ quan chuyên biệt của Nhà nước vào cuộc để xác định giá vốn cho các chuyến bay, có tính đến các chi phí đặc biệt theo quy định của pháp luật lao động về phục vụ trong công việc độc hại, nguy hiểm (đối với tiếp viên, phi công) cũng như các khoản chi trả cho phía nước ngoài (nếu có) cũng như các dịch vụ trong điều kiện dịch bệnh ở Việt Nam. Từ đó, các cơ quan này mới tính toán được giá vốn để có cơ sở so sánh với giá bán nhằm xác định được khoản bất thường không được phép thụ hưởng của đơn vị tổ chức.

Vì thế, người dân có quyền khởi kiện để đòi lại phần chênh lệch nhưng e rằng không dễ dàng bởi việc thu thập chứng cứ và chứng minh thiệt hại phải trên cơ sở quy định pháp luật chứ không thể là cảm tính suy diễn.

Công Luân

Đọc nhiều