419
category
404038

Vận chuyển hàng hóa bằng xe buýt: Thiếu kiểm soát

Đỗ Mạnh 25/06/2020 09:52

Tôi sống ở Hà Nội nhưng hàng tháng hay về thăm quê từ một đến 2 lần. Để bảo đảm an toàn thì phương tiện lựa chọn của tôi cho hành trình về quê đó là xe buýt. Đi xe buýt vào mùa hè nắng nóng như hiện nay thì vừa an toàn vừa mát mẻ lại khỏe người, thuận tiện cho những người già và học sinh sinh viên.

Các xe buýt đi các tuyến ngoại thành hiện nay do được đầu tư tốt, xe mới, sạch sẽ, xe lại có điều hòa, lái phụ xe ăn mặc đồng phục, có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự, ăn nói nhã nhặn, luôn tạo cảm giác thân thiện dễ gần. Đặc biệt hơn là trên các tuyến đi ra các huyện ngoại thành Hà Nội, xe thường chạy rất đúng giờ ở tất cả các trạm đỗ, vì vậy được người dân tin dùng và thích trải nghiệm bằng xe buýt. Điều này còn ý nghĩa hơn đối với những người như chúng tôi, đối tượng được nhà nước ưu ái cho đi xe buýt miễn phí.

Xe buýt thuận lợi là vậy, lịch sự là vậy nhưng chúng tôi vẫn có những điều băn khoăn vì trong hành trình của những tuyến xe buýt, các nhân viên phụ xe thường nhận vận chuyển hàng hóa trên các điểm đỗ. Quy trình nhận và kiểm tra hàng hóa quá đơn giản. Hàng hóa được người gửi mang đến các điểm chờ buýt trên dọc tuyến, hàng hóa được đóng gói rất cẩn thận, phụ xe chỉ việc nhận hàng, tiền phí và đưa cho người gửi số điện thoại nhà xe thế là xong mà không biết hàng hóa là cái gì. Với hình thức giao và nhận hàng với thủ tục đơn giản như vậy là vô cùng thuận lợi với người gửi và người nhận. Lái xe chỉ cần gọi điện cho người nhận, có những trường hợp cũng không cần gọi  bởi sau khi gửi, người gửi sẽ gọi điện thông báo là hàng đã được gửi. Đến điểm đỗ theo địa chỉ ghi trên gói hàng, người nhận sẽ nhanh chóng được phụ xe trao cho gói hàng nguyên đai, nguyên kiện như ban đầu. Nói gì thì nói đây là hình thức gửi hàng nhanh gọn, thuận lợi và sử dụng hữu hiệu tải trọng của xe và tăng thu nhập cho lái xe và phụ xe.

Tuy nhiên, việc gửi hàng thường xuyên như thế này cũng mang đến những nguy cơ rất lớn, khi không có những quy định về kiểm hàng hóa. Hàng hóa do không có phương tiện kiểm tra sẽ dễ để lọt những hàng hóa dễ cháy nổ, những thực phẩm có khả năng lây bệnh. Được biết hiện nay các công ty xe buýt đã có các quy định rất rõ ràng về chủng loại hàng hóa khách hàng được mang lên xe buýt. Tuy nhiên với cách kiểm tra hời hợt như hiện nay, nên có rất nhiều kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng đưa lên xe khách những hàng hóa bất minh về nguồn gốc như hàng cấm, hàng lậu và hàng nguy hiểm dễ cháy nổ. Dưới góc độ pháp lý, tại Khoản 14, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ: Vận chuyển hàng nguy hiểm dễ cháy nổ là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Trong thời gian gần đây hiện tượng xe khách bốc cháy dọc đường không phải là ít, các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra để tìm ra nguyên nhân, nhưng khi chưa có kết quả điều tra người dân có quyền nghi ngờ là nguyên nhân cháy có thể xuất phát từ những hàng hóa kí gửi. Vì vậy để bảo đảm an toàn cho hành khách tham gia giao thông, thiết nghĩ nhà nước cần sớm có quy định về kiểm tra hàng hóa kí gửi.

Những quy định này cần  được phải có hướng dẫn cụ thể hơn, chẳng hạn như quy định khi nhận hành lý của hành khách, phải xác minh người gửi lẫn người nhận. Thậm chí, phải kiểm tra cả số CMND của người gửi để có thể truy trách nhiệm khi hàng hóa đó có vấn đề. Ngoài ra, có thể tăng thẩm quyền của doanh nghiệp vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát các loại hàng đưa lên xe tương tự như trách nhiệm kiểm soát ở sân bay.

Trường hợp các doanh nghiệp vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe vô tình hoặc vì lợi nhuận mà nhận vận chuyển các hàng hóa, vật dụng nguy hại gây cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Những người vi phạm có thể phải chịu mức phạt  hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài việc xử lý hành chính, nếu tiếp tục vi phạm hoặc vi phạm với số lượng lớn, các đối tượng trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu đó.

Đặc biệt có tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù đến chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng. Như vậy, hàng hóa gửi trên xe khách thuộc trách nhiệm chính của lái xe, nhân viên phục vụ xe. Những đối tượng trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm vận chuyển các loại hàng hóa cấm, hoặc hàng hóa cháy nổ gây nguy hiểm cho hành khách. Cơ quan điều tra sẽ phối hợp với chủ xe để điều tra về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Việc lái xe và phụ xe nhận vận chuyển hàng hóa ở các tuyến ngoại thành gây nên một tâm lý lo ngại cho khách hàng là mình phải đi trên những chiếc xe không an toàn. Mặc dù đã có thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định rõ  lái xe, phụ xe khi nhận hàng hóa theo các tuyến ô tô cố định (người gửi hàng không đi theo xe) “không được nhận chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống”.

Trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng được quy định tại Khoản 3 Điều 24: “Không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống”. Tuy nhiên trên thực tế việc kiểm soát hành lý của hành khách gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với hành lý xách tay. Bởi doanh nghiệp vận tải, lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe không có thẩm quyền và kiến thức để kiểm tra, phát hiện hàng hóa và cũng chưa có quy định nào bắt buộc kiểm tra, soi chiếu hành lý, hàng hóa của hành khách mang theo tại bến xe trước khi hành khách lên xe. Nếu như việc mang hành lý xách tay hay ký gửi hàng hóa của hành khách khi đi máy bay được các hãng hàng không và đơn vị quản lý cảng kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt thì đối với xe khách hầu như chưa được thực hiện bởi vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn chi tiết.

Đối với những hành khách cố tình mang theo những vật cấm theo quy định, nhà xe có quyền từ chối vận chuyển và kịp thời báo cho các cơ quan chức năng biết để xử lý theo pháp luật. Những trường hợp hàng hóa gây cháy nổ ngoài lái xe và phụ xe phải chịu trách nhiệm thì người gửi hàng phải chịu trách nhiệm đề bồi thường những thiệt hại do cháy nổ mang lại. Những trường hợp nặng gây chết người còn phải bị truy tố trước pháp luật.

Trong một xã hội phát triển, mạng lưới giao thông ngày càng đa dạng với nhiều hình thức vận chuyển trong đó vận chuyển bằng xe buýt được coi  phương tiện vận chuyển chủ yếu.  Vì vậy để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hành khách di chuyển bằng xe buýt, xe khách liên tỉnh, thiết nghĩ nhà nước nên có những quy định chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra hàng hóa kí gửi theo xe (không người đi kèm).

Đỗ Mạnh

(Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm riêng của tác giả) 

Tags :
Đọc nhiều