Trong bối cảnh tình hình thế giới đang chứng kiến một trong những biến động lớn lao nhất của thế kỷ 21 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và những động thái từ cộng đồng quốc tế. Những lo ngại về ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với nền hòa bình, ổn định cũng như nền kinh tế thế giới khiến người dân các nước lo lắng, trong đó có Việt Nam.
Cánh Cò đã có cuộc trao đổi với ông Andrew Korybko, chuyên gia phân tích chính trị thế giới, để thảo luận về những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Nga với các đối tác nói chung và mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt-Nga nói chung.
Chuyên gia Andrew Korybko: Các quốc gia không bỏ phiếu thuận tại cuộc họp mới đây của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ được đánh giá là các đối tác ưu tiên của Nga trong giai đoạn mới của một cuộc Chiến tranh lạnh Mới giữa Nga và phương Tây. Myanmar là một ngoại lệ, bởi họ đã bỏ phiếu thuận lên án Nga. Tuy nhiên, Myanmar có thể đã bị sức ép từ bên ngoài, cũng như không loại trừ khả năng đó là một kế sách nhằm xoa dịu áp lực từ dư luận mà họ đang gánh chịu trong những năm qua. Dù vậy, mối quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ giữa hai nước vẫn tiếp tục được duy trì và cũng sẽ không thay đổi bất chấp lá phiếu của Myanmar.
Nga sẽ buộc phải đẩy nhanh công cuộc tái định hướng chính sách chiến lược đối với các nước bên ngoài phương Tây. Tiến trình này vốn đã được Nga khởi động từ năm 2014 kể từ sau loạt trừng phạt của phương Tây do cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập vùng Crimea.
Nhưng theo tôi, có thể đảm bảo rằng Nga sẽ không trở nên quá phụ thuộc vào một đối tác cụ thể nào, chẳng hạn như Trung Quốc. Đó là lý do Nga sẽ tích cực cộng tác nhiều mặt với một loạt các quốc gia bên ngoài khối phương Tây. Ví dụ như Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò đối trọng chiến lược trong các mối quan hệ của Nga.
Iran và Pakistan phục vụ cho những mục đích hoàn toàn khác trong chiến lược của Nga. Iran là một quốc gia sản xuất năng lượng quan trọng với tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết do các lệnh trừng phạt đơn phương từ phương Tây. Trong khi đó, Pakistan là đối tác chủ chốt của Nga trong việc kiểm soát các mối đe dọa an ninh từ khủng hoảng tại Afghanistan như khủng bố, dòng người di cư quy mô lớn và khủng hoảng nhân đạo. Venezuela cũng có thể được xem là một đối tác chiến lược quan trọng tương tự Iran, chủ yếu do nguồn dự trữ năng lượng dồi dào và cũng bị đẩy khỏi thị trường do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Andrew Korybko: Việc Nga sẽ chú trọng đến các đối tác nói trên không có nghĩa là các quốc gia khác như Việt Nam, Triều Tiên, Myanmar và Syria trở nên kém quan trọng. Việt Nam luôn là cầu nối của Nga tại Đông Nam Á và là đối tác chiến lược toàn diện được tin cậy, có mối quan hệ ngoại giao hàng chục năm. Việt Nam sẽ giúp Nga duy trì vai trò của mình trong các hoạt động địa lý kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi giao thoa nhiều hoạt động mang tính toàn cầu.
Trong khi đó, Triều Tiên vẫn tiếp tục mang lại cơ hội duy trì ảnh hưởng ngoại giao với Nhật Bản và Hàn Quốc bởi các vấn đề hạt nhân vẫn chưa được giải quyết.
Đối với Myanmar, các biến cố chính trị trong những năm qua khiến nước này trở nên cực kỳ cô lập. Nhưng cũng chính điều đó đã khiến chính quyền sở tại hướng về Nga như một đối trọng thân thiện, không thù địch và tránh việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo một nghĩa nào đó, vai trò của Nga trong quan hệ Myanmar – Trung Quốc khá giống với vai trò của Ấn Độ trong quan hệ Nga – Trung Quốc.
Andrew Korybko: Nga vẫn đang xác định vai trò cụ thể của từng đối tác, nhưng chúng ta có thể dự đoán rằng mỗi nước sẽ bổ khuyết cho nhau bằng cách này hay cách khác.
Đối với Việt Nam, các bạn vẫn là cầu nối của Nga tại Đông Nam Á và quan hệ giữa hai đối tác chiến lược lịch sử luôn được duy trì. Không một quốc gia nào có thể thay thế được vị trí này của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Moskva hồi tháng 12/2021 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo hai nước đã ký kết hiệp ước tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược. Đây sẽ là nền tảng cho mối quan hệ song phương trong một thập kỷ tới. Nhưng trong khoảng 1 đến 2 năm tới, có thể sẽ không có nhiều tiến triển lớn do nỗ lực cô lập từ phương Tây và tác động ngắn hạn tới năng lực kinh tế và tài chính của Nga.
Tuy vậy, không có lý do để nghi ngờ rằng mọi thứ sẽ dần trở lại như cũ, đặc biệt là khi hai bên đều có ý chí hướng đến mục tiêu chung. Nga là đối tác cung cấp trang thiết bị quân sự hàng đầu để Việt Nam đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia. Trong khi đó, Hà Nội cũng rất được Moskva coi trọng trong vai trò cầu nối trong khu vực. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam khác với Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng Nga chắc chắn sẽ tìm được cách để kết hợp đối tác địa-chiến lược vào mục tiêu Đại Á-Âu của mình.
Andrew Korybko: Hồi đầu tháng 12/2021, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin, hai nước đã ký kết hiệp ước tái khẳng định quan hệ chiến lược. Trong đó, tuy không chính thức nhưng cũng gợi ý khá rõ ràng rằng hai nước có ý định thành lập một Phong trào Không liên kết mới (Neo-NAM) nhằm tạo ra một trục ảnh hưởng thứ ba, trong bối cảnh cục diện thế giới đang được định hình bởi sự cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Hiện nay, Nga đã mở ra cánh cửa vào Trung Á cho Ấn Độ với mục đích giúp New Dehli sớm đảm bảo rằng khu vực trên không trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai. Nhưng tất nhiên, Nga-Ấn đang tiếp cận khu vực bằng thái độ cận thân thiện và không thù địch để mang lại lợi ích cho các bên và tránh gây thiệt hại đến các đối tác khác trong nhóm BRICS và SCO. Khu vực Trung Á chính là nơi thử nghiệm đầu tiên của Phong trào không liên kết mới.
Lý do là vì các quốc gia trong khu vực này vốn đã rất thân thiết với Nga, nên cái nhìn của họ về Ấn Độ cũng rất tích cực nhờ di sản từ thời Xô viết. Đối tác chung của hai nước là Iran cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ tiếp cận khu vực về kinh tế, thông qua nhánh tây của Hành lang vận tải Bắc – Nam (North-South Transport Corridor hay NSTC).
Đông Nam Á thì lại khác biệt về mọi mặt, bởi đây là một khu vực hoàn toàn rộng mở. Hầu hết các nước Đông Nam Á đều có mối quan hệ tốt với các đối tác ngoài khu vực như Mỹ và Ấn Độ, hoạt động địa lý kinh tế tại đây cũng rất sôi nổi. Thật sự mà nói, hầu hết các thành viên nói riêng và cả khối nói chung vốn đã cân bằng mối quan hệ với các cường quốc rồi. Nhưng hiện tại họ cũng đang chịu áp lực “chọn bên” theo sau những diễn biến vừa qua.
Một số nước sẽ trở nên nhạy cảm hơn trước việc Mỹ và Trung Quốc nhìn nhận quan hệ của họ với bên kia như thế nào. Họ sẽ phải cân nhắc khả năng một bên tỏ ra lo ngại với ý định mở rộng hợp tác với phía bên kia trong một số lĩnh vực, như quân sự và công nghệ. Các nước có thể chọn một phương thức thực dụng nhằm ngăn chặn sớm lo ngại này là dựa vào các bên thứ ba trung lập như Ấn Độ để đạt được thứ mình muốn mà không lo sợ mất lòng bên này hay bên kia.
Kết quả từ sự kết hợp Nga-Ấn như tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ giữa các thành viên Đông Nam Á. Chỉ cần nhắc đến đồng minh phòng thủ lâu năm của Mỹ là Phillipines thì chúng ta cũng sẽ thấy, họ vừa ký kết hợp đồng mua tên lửa BrahMos trị giá 350 triệu USD vào cuối tháng 1/2021. Điều quan trọng là Washington không hề đe dọa trừng phạt Philippines bằng đạo luật CAATSA (đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt) như họ đã làm khi Ấn Độ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Không ai biết lý do tại sao, nhưng có thể đoán rằng đó là vì BrahMos là sản phẩm chung của Nga-Ấn chứ không phải là của riêng Nga. Nếu Mỹ tiếp tục xu hướng từ chối trừng phạt như vừa qua, đây có thể là nền tảng cho những hợp tác sản xuất giữa Đông Nam Á và Nga. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem những gì sẽ xảy ra tiếp theo với cục diện toàn cầu từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Nhìn chung, các nước Đông Nam Á cần tránh lâm vào tình cảnh phải “chọn bên”, thay vào đó là vận dụng một bên thứ ba trung lập nhằm cân bằng mối quan hệ đa phương mà vẫn đảm bảo sự tự chủ về mặt chiến lược. Có thể kể đến như Neo-NAM để với viễn cảnh dễ hình dung nhất là các sản phẩm hợp tác sản xuất như BrahMos, nhưng cũng còn nhiều khả năng khác.
Andrew Korybko: Thay đổi lớn không nhất thiết phải xảy ra bởi hai bên đều có chung ý chí mở rộng quan hệ hợp tác nhưng tất nhiên là một số bên sẽ không thích điều này. Ngay cả một đối tác lớn của Mỹ như Ấn Độ cũng bị đe dọa trừng phạt và đến tận bây giờ, Ấn Độ vẫn chưa được miễn trừ khỏi CAATSA. Cũng rất có khả năng là điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra, bởi đến nay Mỹ vẫn tỏ ra rất mơ hồ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ ra lạc quan với lý do Ấn Độ cần các sản phẩm của Nga để tăng cường năng lực phòng thủ tại biên giới. Một điểm đáng chú ý nữa là Ấn Độ không thể dịch chuyển triệt để từ khí tài Liên Xô, Nga sang các trang bị do phương Tây sản xuất. Nó đơn giản là hoàn toàn bất khả thi và đây cũng là 2 điểm chung giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Những sản phẩm kết hợp sản xuất như tên lửa BrahMos có thể sẽ là cách giải quyết để tránh sự đe dọa trừng phạt mà các chính khách diều hâu Mỹ sẽ đề xuất. Phương án này nên được ba quốc gia – Việt Nam, Nga và Ấn Độ – xem xét một cách thực sự nghiêm túc. Bởi bất kỳ hình thái hợp tác ba bên nào cũng đều mang lại những lợi ích chung, dù là về quân sự hay lĩnh vực khác. Bất kể đó là gì, thì một điều chắc chắn là quan hệ Việt – Nga sẽ tiếp tục được củng cố.
Andrew Korybko: Nước Nga có một đặc điểm độc nhất vô nhị, đó là nhiều đối tác của họ là các đối thủ cạnh tranh của nhau. Có thể kể đến là Armenia-Azerbaijan, Ấn-Trung, Ấn Độ-Pakistan, Iran-Israel, Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, cũng những bất đồng còn tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng có một điều luôn chắc chắn là không có quan hệ nào của Nga với một bên mang mục đích gây thiệt hại cho bên kia, kể cả hợp tác quân sự.
Nga vẫn tiếp tục bán khí tài quân sự cho cả hai nước với ý định duy trì cân bằng giữa các bên. Tất cả đều nhằm can gián việc sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp và theo đuổi các biện pháp ngoại giao.
Điều này giải thích rằng Nga sẽ không ưu tiên một bên nào hơn bên nào. Đó không phải là phỏng đoán chủ quan, mà là thực tế ngoại giao được ghi chép rõ ràng. Hiệp ước tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga đầu tháng 12/2021 đã trích dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) tổng cộng đến 3 lần, dù trước đó Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2015. Một số ý kiến cho rằng Nga sẽ chẳng bao giờ nhắc đến UNCLOS do tính nhạy cảm với Trung Quốc, nhưng văn bản này đã khẳng định tính trung lập của Nga.
Điều này có nghĩa Việt Nam không có gì phải lo lắng về khả năng bị đối xử như “đối tác phụ” hay lợi ích của mình bị “hy sinh” như nhiều người đồn đoán. Điện Kremlin đã khẳng định rằng họ theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, hướng đến cân bằng lợi ích giữa các quốc gia theo một cách không gây thiệt hại cho bên nào. Nga có thể dễ dàng đứng về phía Trung Quốc, nhưng họ đã không làm thế để tránh phương hại đến Việt Nam.
Nói vậy, nhưng một cái nhìn nhạy cảm về hoạt động cân bằng lợi ích của Nga trong khu vực Á-Âu chắc chắn sẽ khiến các bên thứ ba với dụng ý không thân thiện biến đổi chính sách theo hướng thù địch để phục vụ mục đích chia-để-trị. Trong bối cảnh cụ thể hiện tại, cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc nên cảnh giác cao độ với các ý định thiếu thiện chí và không để bị lôi kéo rằng Nga đang “theo bên này chống bên kia”. Moskva có thể có cách tiếp cận khác biệt, nhưng ý chí của họ là cộng tác một cách công bằng với các nước và sẽ không ủng hộ bất kỳ bên nào để chống bên kia.
Thực hiện: Nguyên Khánh
Đồ họa: M.N