280
topics
596238

Chuyên gia VinaCapital: Lạm phát sẽ không tăng trên 4%

15/03/2022 11:31

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital dự báo mức lạm phát tại Việt Nam sẽ không tăng trên 4% trong một thời gian dài.

Ảnh minh họa

PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital xoay quanh câu chuyện áp lực lạm phát tại Việt Nam hiện nay.

Với diễn biến leo thang của giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là cú sốc giá năng lượng hiện nay, thế giới và Việt Nam đang đối mặt với áp lực lạm phát. Bà nhận định thế nào về áp lực này tại Việt Nam? Và đánh giá gì khi số liệu CPI Việt Nam công bố thời gian quan vẫn rất khả quan trong mục tiêu kiểm soát dưới 4%?

Như chúng ta đã biết, giá dầu toàn cầu đã tăng khoảng 15% kể từ thời điểm Nga tấn công Ukraine (mức tăng ở đỉnh là 35% nhưng sau đó đã hạ), cùng với sự tăng giá của phân bón trước và trong khi chiến sự xảy ra. Chỉ riêng các yếu tố này đã có thể làm tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tăng thêm 1-2 điểm phần trăm.

Hiện tại, xăng chiếm khoảng 3,5% trong rổ tính CPI của Việt Nam, và phân bón chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất lúa gạo, như vậy có nghĩa là phân bón cũng chiếm khoảng 3% trong rổ tính CPI của Việt Nam. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là 1,4% vào cuối tháng 2 – vì vậy kịch bản mà chúng tôi dự báo có khả năng xảy ra là mức lạm phát của nước ta có khả năng lên tới 4% trong những tháng tới. Tuy vậy, hiện tại VinaCapital nhận định mức lạm phát tại Việt Nam sẽ không tăng trên 4% trong một thời gian dài.

Nếu những giai đoạn trước, lạm phát đi cùng với nền kinh tế tăng trưởng nóng và đồng tiền mất giá, thì nay nền kinh tế vừa trải qua “bão” COVID và thu nhập đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bà nói gì về khác biệt này? Liệu có tình huống xảy ra đình lạm, khi mà tăng trưởng kinh tế thấp hơn đà tăng của lạm phát không?

Nền kinh tế nào cũng có hai mặt, “cầu” và “cung”. Mặt “cầu” về cơ bản là người tiêu dùng mua sản phẩm và mặt “cung” là từ phía các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bán cho người tiêu dùng. Lạm phát ở các quốc gia hầu như luôn luôn được gây ra bởi một nền kinh tế phát triển quá nóng, trong đó người tiêu dùng muốn mua sản phẩm quá nhiều đến mức đẩy giá của sản phẩm đó lên.

Tuy nhiên, có một số ít các trường hợp mà lạm phát xảy ra do “cú sốc từ nguồn cung”, trong đó khả năng sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp bị gián đoạn – điều này cũng khiến giá sản phẩm tăng do không có đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ nổi tiếng nhất về “cú sốc từ nguồn cung” gây ra lạm phát là vào những năm 1970, khi giá dầu đột ngột tăng vọt và đã khiến giá tất cả các sản phẩm vọt lên – bởi vì dầu mỏ là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong việc sản xuất ra nhiều loại sản phẩm trong nền kinh tế. Dạng lạm phát này đôi khi còn được gọi là lạm phát “chi phí đẩy”.

Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đang trải qua cả lạm phát do nhu cầu khi các nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại hoàn toàn sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 năm ngoái và lạm phát từ nguồn cung do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu (cũng do COVID-19) và do Nga tấn công Ukraine.

Trong điều kiện lạm phát bình thường, cả tăng trưởng GDP và lạm phát đều tăng cùng nhau, nhưng khi lạm phát do các vấn đề từ phía nguồn cung gây ra, thì nền kinh tế rơi vào một tình huống hiếm gặp được gọi là lạm phát đình trệ hay đình lạm trong đó lạm phát tăng nhưng tăng trưởng GDP lại giảm hoặc trì trệ. Đây là tình hình hiện tại ở Mỹ và châu Âu, nhưng Việt Nam không có khả năng xảy ra lạm phát đình trệ trong năm 2022 vì mặc dù lạm phát có thể sẽ tăng trong năm nay, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được dự báo phục hồi tốt sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vào năm ngoái.

Đặc biệt, VinaCapital vẫn rất tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo. “Trong nguy có cơ” nên các chuyên gia phân tích và đầu tư của VinaCapital luôn theo dõi, bám sát thị trường để không bỏ lỡ những cơ hội nhằm tạo ra kết quả tốt nhất cho các quỹ mở mà chúng tôi đang quản lý, từ đó mang lại lợi nhuận tốt, vượt lạm phát trong dài hạn cho các nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, giá nhiều hàng hóa nguyên vật liệu, logistics tăng cao…, dẫn đến sự thụ động trong kiểm soát và ứng phó với lạm phát không? Liệu chúng ta có được những giải pháp nào ứng phó hiệu quả, theo bà?

Gần đây, Chính phủ đã thông báo giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ở mức 2.000 đồng/lít. Theo chúng tôi ước tính, điều này sẽ giúp CPI giảm khoảng 0,3%. Một cách để Chính phủ có thể giảm lạm phát ở Việt Nam thêm nữa là cắt giảm thuế bán lẻ xăng.

VinaCapital kỳ vọng Chính phủ sẽ cắt giảm hơn nữa thuế môi trường nếu lạm phát ở Việt Nam tăng trên 5% và Chính phủ cũng có thể thực hiện các biện pháp bổ sung nếu điều đó xảy ra – bao gồm siết tăng trưởng tín dụng và khuyến khích các ngân hàng trong nước tăng lãi suất. Tuy vậy, VinaCapital cho rằng các biện pháp này chưa thực sự cần thiết trong năm nay.

Liệu lạm phát tăng lên có làm giảm thiểu đi hiệu quả và giá trị của gói hỗ trợ nền kinh tế 350 nghìn tỷ đồng? Chúng ta đã vào cuộc hỗ trợ quá muộn để rồi giá trị của nó bị bào mòn bớt bởi lạm phát không?

VinaCapital không kỳ vọng Chính phủ sẽ thay đổi kế hoạch kích thích tài khóa hay kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vì giá vật liệu xây dựng tăng. Chính phủ Việt Nam có nguồn tài chính dồi dào nên có thể dễ dàng chi trả những chi phí cao hơn đó. VinaCapital thấy sự quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm của Chính phủ thể hiện qua các cuộc thị sát của Thủ tướng và Phó thủ tướng từ đầu năm và điều này đặc biệt tốt cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn, bởi sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư FDI chọn đầu tư vào Việt Nam khi hạ tầng của chúng ta được cải thiện mạnh mẽ.

Xin cảm ơn bà!

Minh Tuấn

Đọc nhiều