128036
category
383276

Chuyên gia tội phạm học: Phải chỉ mặt kẻ bảo kê, chống lưng cho Đường ‘Nhuệ’

13/04/2020 06:35

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng cần phải chỉ mặt, đặt tên những kẻ “chống lưng” cho Đường “Nhuệ”, dù người đó đương chức hay nghỉ hưu.

Trả lời phỏng vấn PV về việc trùm xã hội đen Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) bị bắt tạm giam và khởi tố với tội danh Cố ý gây thương tích, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an – nhận định rằng vụ bắt giữ này sẽ giúp phanh phui những ai đang “chống lưng” cho Đường “Nhuệ”.

Trung tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học Bộ Công an.

– Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học, vụ án Đường “Nhuệ” đã bộc lộ điều gì, thưa ông?

Trước hết, tôi đánh giá rất cao việc Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Thái Bình kiên quyết và kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam cặp vợ chồng Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn – những thủ phạm trong vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra ngày 30/3 tại số nhà 366 đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình.

Việc khởi tố, bắt giam những kẻ này về tội danh nói trên là có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình chính trị địa phương và mong mỏi của người dân từ bấy lâu nay.

Mấy ngày nay, qua nắm tình hình dư luận tại chỗ, tôi được biết đông đảo người dân Thái Bình rất phấn khởi, ủng hộ và tin tưởng vào quyết tâm trấn áp tội phạm của Ban lãnh đạo mới Công an tỉnh Thái Bình.

Điều đó giống như sự kỳ vọng của dân Đồng Nai đối với ngành công an tỉnh này, sau những cuộc ra quân tấn công các đường dây, hang ổ tội phạm gần đây.

Nói điều này để thấy vụ án Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn có thể không dừng lại ở phạm vi một vụ án Cố ý gây thương tích đơn thuần.

Vì ngay sau khi nhóm này bị bắt giữ, có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội và báo chí phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật của họ xảy ra trong những năm qua tại Thái Bình nhưng chưa được phát hiện, điều tra làm rõ.

– Vụ án Đường “Nhuệ” có bóng dáng ổ nhóm hoạt động kiểu xã hội đen không, thưa ông?

Qua những thông tin vừa rồi, có thể hình dung đây là ổ nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, lộng hành, công khai.

Dư luận và báo chí phản ánh ổ nhóm này từng thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm như hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… và đặc biệt là những sai phạm về đấu giá đất đai.

Một số người “hiểu chuyện” tại Thái Bình kể với tôi về những thủ đoạn mua đấu giá đất “bách phát, bách trúng” của Công ty Bất động sản Đường Dương; chẳng hạn như sử dụng lực lượng côn đồ, giang hồ xã hội đen để chèn ép, hăm doạ, buộc các nhà thầu khác phải “bán sới” khỏi cuộc đấu giá đất.

Nhân sự việc lần này, vụ hành hung gây thương tích đối với bà Đinh Thị Lý xảy ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình sáng 18/11/2014, bị tạm đình chỉ điều tra vào năm 2015, cũng được báo chí “xới xáo” lại…

– Liệu có thế lực bảo kê cho vợ chồng Đường – Dương, để chúng lũng loạn trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian dài như vậy?

Trong hoạt động điều tra hình sự, từng có những đại án được bắt đầu, khai thông từ những vụ việc nhỏ. Tôi tin rằng hành động trấn áp ổ nhóm tội phạm này sẽ là bước “đột phá khẩu” để Công an tỉnh Thái Bình điều tra mở rộng, làm rõ hàng loạt vấn đề khác có liên quan.

Dân địa phương, nạn nhân trong các vụ việc trước đây cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để mở rộng điều tra vụ án, với mục tiêu không chỉ làm rõ từng sai phạm của ổ nhóm này, mà lớn hơn là phải “chỉ mặt, đặt tên” những người dù đương chức hay đã nghỉ hưu có liên quan, như từng chia chác lợi ích, cấu kết, chống lưng, bảo kê… cho chúng hoạt động ngang nhiên trong những năm qua.

Bởi vì pháp luật không có vùng cấm, những hành vi tiếp tay cho tội phạm, nếu có, cần phải bị nghiêm trị.

Chuyên gia tội phạm học: Phải chỉ mặt kẻ bảo kê, chống lưng cho Đường 'Nhuệ' - 3
Vợ chồng Đường – Dương.

 – Vụ án Đường “Nhuệ” có điểm nào tương đồng với một số băng nhóm tội phạm khét tiếng núp bóng doanh nghiệp từng bị triệt phá trước đây, thưa ông?

Chúng ta hãy nhớ lại các băng nhóm tội phạm như Dương Văn Khánh ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”) ở Bắc Ninh… Trước khi bị triệt phá, các ổ nhóm này đều rất nổi tiếng về hoạt động từ thiện, nhân đạo, mạnh tay tài trợ cho các cuộc quyên góp ủng hộ vì cộng đồng.

Từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra hình sự, trực tiếp đấu tranh khám phá nhiều ổ nhóm tội phạm, tôi nhận thấy tình trạng các tổ chức tội phạm hoạt động dưới vỏ bọc công ty, doanh nghiệp hợp pháp đang rất phổ biến.

Trong quá trình hoạt động, nhằm tạo dựng mối quan hệ với cán bộ tại các cơ quan quản lý nhà nước để thuận lợi trong công việc làm ăn, hay để che giấu hoạt động phạm tội trong thế giới ngầm, chúng cần những “bộ mặt sạch sẽ”.

Khi đó, không gì dễ dàng hơn là tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Cùng với công nghệ “lăng xê” của truyền thông, báo chí hay sự ca ngợi của những người được hưởng lợi, một mặt chúng vừa thể hiện mình là người có trách nhiệm với xã hội, nhanh chóng tạo được thiện cảm, lòng tin với cộng đồng, mặt khác lại khuếch trương thanh thế, mở ra nhiều quan hệ mới để hỗ trợ công việc của mình.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, cần hết sức cảnh giác với hoạt động của “maphia” – dùng tiền bằng các cách khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp) để kết thân với giới chính trị, làm ăn ở tầm chính sách.

Đối với ổ nhóm tội phạm vừa bị bắt tại Thái Bình, từ những thông tin được dư luận và báo chí phanh phui trong mấy ngày qua, có lẽ cần nhìn nhận, đánh giá lại động cơ thực sự của những hoạt động từ thiện đó.

– Ông cho rằng hoạt động từ thiện mà vợ chồng Đường – Dương từng “khoe” trên truyền thông chỉ là vỏ bọc để phạm tội?

Người lương thiện, “hằng sản, hằng tâm”, thực sự sống có trách nhiệm với xã hội, với cái tâm yêu thương con người, yêu thương cuộc sống, mong muốn đóng góp sức mình vì một xã hội tốt đẹp hơn… chắc chắn sẽ không kiếm ăn dựa trên sự cướp đoạt trắng trợn tài sản, hay dùng bạo lực uy hiếp, gây thiệt hại đến đồng bào mình.

Vì lẽ đó, tôi nhận định rằng, những thứ mà ổ nhóm tội phạm tại Thái Bình từng làm nhân danh vì cộng đồng là hoạt động tạo bình phong, vỏ bọc nhằm che chắn cho hành vi phạm tội trong thế giới ngầm.

Điều cần rút ra là có những hiện tượng không phản ánh đúng bản chất sự việc. Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng khi có đủ thông tin và nắm rõ động cơ thúc đẩy việc thực hiện hành vi của chủ thể. Sự tỉnh táo của xã hội, nhất là giới truyền thông, là điều cần có để không “mắc lỡm” những kẻ mưu sâu kế hiểm trong thế giới tội phạm.

– Xin cảm ơn ông!

(Theo VTC)

Đọc nhiều