148628
topics
582916

Chuyên gia: ‘Sáng tạo’ kiểu khóa cổng người cách ly là sai, cần bỏ ngay

15/01/2022 06:57

Việc xã ở Thanh Hóa khóa trái cổng nhà người vừa về quê đón Tết phải cách ly là sai, cần bỏ ngay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Một gia đình từ “vùng xanh” của tỉnh Bình Dương về quê ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) để thực hiện cách ly đủ 7 ngày đón Tết, song cánh cổng nhà riêng của họ bị cán bộ xã thay ổ khóa mới. Cán bộ cầm chìa khóa, gia đình cần gì thì gọi.

Trước cổng nhà cũng dán thêm tấm biển cảnh báo “Gia đình có người từ vùng dịch trở về, đang được cách ly y tế tại nhà.

Cửa khóa trái ở một gia đình tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Lê Dương

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), xã không thể làm như vậy, phải thực hiện theo đúng Quy định 4800 của Bộ Y tế đã nói khi nào phải cách ly, khi nào xét nghiệm.

“Họ đi từ Bình Dương về, cũng không phải vùng cấp độ 4 nên không thể làm như vậy.

Giả sử có phải cách ly thật mà họ vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn không ai quy định phải khóa cổng. Không phải cứ khóa mới bảo đảm an toàn được. Xã làm như vậy là sai, cần phải bỏ ngay”, ông Phu nói.

Không “ngăn sông cấm chợ”

Trước đó, lo sợ người về quê ăn Tết có thể làm tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, nhiều địa phương đã đưa ra những quy định mới có phần khắt khe hơn.

Dẫn chứng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) có thư ngỏ gửi các tầng lớp nhân dân trong địa bàn và người đang làm việc tại tỉnh ngoài, nước ngoài… về việc tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Người dân làm ăn xa trở về quê tại thôn Tra Thôn, xã Thiệu Phú, bị khóa trái cửa trong thời gian cách ly tại nhà. Ảnh: D.L.

Cũng ở Thanh Hoá, huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết.

Tỉnh Quảng Nam cũng vận động người thân ở nơi có dịch không về quê ăn Tết… Điều này gây “bão” trong dư luận.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, khi chúng ta đã chấp nhận “không Zero”, đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc Covid-19 có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro.

“Chúng ta không “ngăn sông cấm chợ” vì tỷ lệ bao phủ vắc xin đã cao”, ông Phu nhấn mạnh.

Theo ông Phu, tinh thần hiện nay là quản lý rủi ro, không cấm đoán như ngày xưa nữa, làm sao đánh giá nguy cơ nhỏ nhất cấp xã phường, đảm bảo việc phòng chống dịch. Đánh giá nguy cơ không đúng thì dẫn tới đưa ra cấp độ dịch không đúng, hoặc không đến nơi thì không phòng chống được dịch, thái quá thì lại ảnh hưởng đến xã hội, an sinh của người dân.

Vì thế, ông cho rằng, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới làm kinh tế cũng như an sinh xã hội.

Ngoài ra, việc địa phương vận động hay ra quy định làm khó người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho hay, việc cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về thì Bộ Y tế đã có quy định cụ thể. Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

“Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn”, ông Phu nhấn mạnh.

Ông Phu cũng lưu ý, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy, trong thời gian về quê ăn Tết, người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh. Mọi người phải thực hiện tốt 5K mọi chỗ, mọi nơi, xem bản thân mình có an toàn để về quê hay không, được đi lại hay không, lựa chọn phương tiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với đám đông, đi nhiều nơi không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập… vừa ăn Tết vui vẻ, an toàn dịch bệnh.

Chiều 14-1, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Anh – chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa – khẳng định quan điểm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện không chỉ đạo địa phương nào khóa cổng của gia đình có người đi làm ăn xa về cách ly y tế tại nhà.

“Có thể một số cán bộ xã, tổ giám sát COVID-19 cộng đồng ở thôn Tra Thôn đã máy móc, lo xa nên vận động người dân để khóa cổng các gia đình có người đi làm ăn xa về cách ly tại nhà. Đây là việc làm gây ý kiến trái chiều, có phần gây phản cảm nên ngay chiều 14-1, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Thiệu Phú mở cửa cổng ngay cho các gia đình bị khóa cổng trước đó.

Huyện Thiệu Hóa luôn chào đón người dân đi làm ăn xa trở về quê đón Tết. Huyện khuyến cáo bà con về quê đến ngay trạm y tế xã khai báo y tế, test nhanh để phòng chống COVID-19.

Sau khi cách ly tại nhà 5 ngày, người dân nên đến trạm y tế xã để test nhanh một lần nữa cho yên tâm. Người nào dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được điều trị theo phác đồ của ngành y tế, người nào âm tính sẽ sinh hoạt bình thường.

Toàn bộ kinh phí test nhanh người dân không phải chi trả, mà do UBND xã cung cấp. Hiện nay, mỗi xã đã chuẩn bị được trên dưới 1.000 kit test nhanh để phục vụ người dân về quê đón Tết”, ông Nguyễn Thế Anh cho biết thêm.

Hương Quỳnh

Tags :
Đọc nhiều