420
category
589984

Chuyên gia quân sự hiến kế đẩy lùi chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc

Bảo Trâm 15/02/2022 13:51

Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã có bài viết trích dẫn phân tích của 2 chuyên gia quân sự: Giáo sư Michael Heazle (thuộc trường Đại học Griffith) và chuyên gia Cameron Smith nói về một số đánh giá và giải pháp đáng chú ý nhằm tăng cường thực thi pháp luật hàng hải ở Biển Đông.

Trong bài viết, Giáo sư Michael Heazle cho rằng, kể từ tháng 7/2016, khi Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trật tự hàng hải quốc tế ở Đông Á rõ ràng vẫn đang gặp khó khăn.

Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được công nhận của hầu hết các quốc gia ven Biển Đông.

Giáo sư Michael Heazle khẳng định, trật tự hàng hải của khu vực theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là trọng tâm của trật tự dựa trên luật lệ mà Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia có cùng chí hướng khác đã xác định là yếu tố chủ chốt của an ninh và thịnh vượng của khu vực. Tuy nhiên, các chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra. Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt luật hàng hải của mình, thúc đẩy các quốc gia khác nỗ lực hơn trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích của tất cả các nước ven Biển Đông được quy định bởi UNCLOS.

Trước các hành vi hung hăng của Bắc Kinh, các quốc gia ven biển bắt đầu phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác nhiều hơn trong việc thực thi pháp luật hàng hải. Năm 2014, chính phủ hai nước Indonesia và Philippines đã đạt thỏa thuận về EEZ chồng lấn ở Biển Celebes.
Về việc Trung Quốc triển khai các tàu dân quân tham gia đánh bắt hải sản khiến nước này bị nghi ngờ tiến hành đánh bắt cá bất hợp pháp, Giáo sư Michael Heazle cho rằng, việc đề cập vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát ở Biển Đông có thể là cơ hội để các quốc gia ở Biển Đông cùng nhau dựa trên UNCLOS để đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền phi pháp và chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.

Giáo sư Michael Heazle nhận định, nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ cũng có vai trò trong việc hỗ trợ các quốc gia ở Biển Đông trong việc nâng cao năng lực pháp lý, đề cao vai trò của UNCLOS, đồng thời buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự leo thang quân sự nào tại Biển Đông. Nhóm Bộ tứ có thể gián tiếp đẩy lùi chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc, đồng thời giúp các quốc gia ven biển quản lý tốt hơn mối đe dọa an ninh trên biển.

Riêng ông Cameron Smith lại cho rằng, Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều hoạt động “vùng xám” ở Biển Đông nhằm làm suy yếu quản trị quốc tế và cấu trúc liên minh của Mỹ trong khu vực. Điều cần thiết là các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và khu vực phải đối đầu với sự quyết đoán của Trung Quốc.

Các cuộc xâm nhập khu vực Đá Ba Đầu hồi đầu năm 2021 cho thấy Bắc Kinh gia tăng chiến thuật “vùng xám”.

Đội tàu của Trung Quốc dàn hàng ở Biển Đông. (Nguồn: CNN)

Hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được Lầu Năm Góc gọi là dân quân biển thuộc Các lực lương vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAFMM), dường như đang gia tăng và cho thấy một Trung Quốc quyết đoán hơn trong lĩnh vực hàng hải.

Theo chuyên gia Smith, điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích của Australia và Mỹ, cũng như chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực quanh Biển Đông.

Trung Quốc sử dụng PAFMM để khẳng định các tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này thông qua chiến thuật “vùng xám”, một dạng xung đột tìm cách duy trì hạn chế leo thang hoặc các ngưỡng ranh giới đỏ cơ bản để tránh xung đột theo cách thông thường.

Nhà nghiên cứu tại AIIA gợi ý, có một cách mà Mỹ và các đối tác trong khu vực có thể đẩy lùi các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc là thông qua việc xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia, được đào tạo để thực thi quản trị hàng hải quốc tế ở Biển Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển có thể cung cấp khả năng ứng phó đầu tiên và bảo đảm tính hợp pháp trong thực thi pháp luật.

Đồng thời, các quốc gia cũng nên thúc đẩy các hành động đa phương trong việc duy trì quản trị hàng hải ở Biển Đông.

Việc xây dựng khả năng răn đe mạnh mẽ hơn trong khu vực không chỉ đòi hỏi một cách tiếp cận sáng tạo mà còn cần sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm đẩy lùi chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.

Bảo Trâm (Theo AIIA & ASPI)

Đọc nhiều