Chuyên gia nước ngoài: “Hãy tin vào Việt Nam như cách họ làm chấn động địa cầu với trận Điện Biên Phủ”
Việt Nam sẽ chiến thắng Covid-19, nền kinh tế sẽ bật dậy mạnh mẽ. Hãy tin vào sự kiên cường và đoàn kết, điều mà dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ nhiều lần trong lịch sử, từ trận Bạch Đằng đến Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Đại dịch Covid-19 không làm lung lay vị thế một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới của Việt Nam. Giới chuyên gia kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ định vị ở tầm cao mới so với trước khủng hoảng Covid-19.
Việt Nam tác động đến tiêu dùng ở Mỹ ra sao?
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cùng giới phân tích Australia &New Zealand Banking Group Ltd. nhận định dịch bệnh không làm lu mờ đi sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò ‘công xưởng sản xuất’ của thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Adam Sitkoff cho biết, dịch Covid-19 đang làm gián đoạn vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như có tác động đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế gần 100 triệu dân.
Lãnh đạo AmCham nêu rõ, làn sóng xu hướng các doanh nghiệp đa quốc gia dịch chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm đa dạng chuỗi cung ứng vẫn đang rất mạnh mẽ, cho đến khi biến thể Delta xuất hiện làm cản trở quá trình này.
Ông Adam Sitkoff thậm chí còn bình luận với Bloomberg rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam ở khắp ngành nghề khác nhau đều buộc phải ngừng hoạt động.
Đồng thời, nếu các nhà máy, cơ sở sản xuất không bị buộc đóng cửa thì hoạt động của các doanh nghiệp FDI Hoa Kỳ cũng bị ngưng trệ nhiều. Những ảnh hưởng nêu trên sẽ được nhìn nhận rõ hơn vào mùa mua sắm cao điểm sắp tới đây.
Giám đốc AmCham cho rằng, nếu mọi người muốn mua sắm cho kỳ nghỉ lễ cuối năm thì nên đặt hàng ngay từ bây giờ.
“Với tình hình hiện tại, nguồn cung hàng hoá và nhiều thành phẩm khác sẽ thiếu hụt thời gian ngắn tới đây”, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) lưu ý.
Ông Sitkoff thừa nhận, những tháng qua, người lao động đã gặp rất nhiều thách thức. Ngoài việc ngưng sản xuất, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với một loạt chi phí cao phát sinh trong bối cảnh điều kiện duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo AmCham, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phải trả gấp 3 lần chi phí thông thường cho mỗi công nhân nhằm duy trì một nửa số nhân lực làm việc. Từ đó, có thể thấy được những chi phí khổng lồ mà chuỗi cung ứng đang phải hứng chịu.
Điều này còn chưa tính đến chi phí cao liên quan khủng hoảng vận tải biển ngày càng diễn biến phức tạp, giá cước vận tải bị đẩy lên cao kỷ lục.
Tuy nhiên, về triển vọng dài hạn, chuyên gia cho rằng, kể cả khi chuỗi cung ứng đang bị ngưng trệ, nền kinh tế buộc phải đóng cửa vì dịch Covid-19, thì Việt Nam vẫn không đánh mất vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tác động lớn đến tiêu dùng ở Mỹ.
“Việt Nam đã vươn mình thoát khỏi giai đoạn vô cùng khó khăn cách đây nhiều thập kỷ. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đặc biệt là năm 2020, quốc gia Đông Nam Á này đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á”, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh.
Covid-19 không làm lung lay vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam
Bàn về làn sóng chuyển dịch sản xuất khi doanh nghiệp đa quốc gia quyết định rời khỏi Trung Quốc, đồng thời, Việt Nam nổi lên là một trong những lựa chọn thay thế hàng đầu, Giám đốc AmCham Adam Sitkoff nêu rõ, Việt Nam đã tận dụng được nhiều cơ hội từ xu hướng này, nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung cũng như nguy cơ từ dịch bệnh.
Đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội kỳ vọng Việt Nam sẽ còn đón nhận nhiều doanh nghiệp hơn nữa.
Tuy nhiên Covid-19 cũng như tỷ lệ tiêm chủng dưới 4% trở thành cản lực. Hơn nữa, rất khó để giới đầu tư đưa ra quyết định đầu tư qua các nền tảng online như Zoom. Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng không phải là điều đơn giản.
“Bản thân làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, và chưa từng thấy ai cười tươi và thông báo rằng họ phải chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình sang nơi khác cả”, đại diện AmCham chỉ ra thực tế.
Do đó, theo ông Adam Sitkoff, việc Trung Quốc sẽ mất đi vị thế công xưởng thế giới “chỉ sau một đêm” dường như là điều không thể xảy ra.
“Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế từ chuỗi cung ứng, hay các khoản đầu tư đổ vào”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông Adam Sitkoff, đây là giai đoạn thực sự thử thách với mọi người. Cá nhân ông chưa bao giờ nhìn thấy sự gián đoạn như vậy trong thương mại quốc tế. Thậm chí, doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì đặt các container qua đường biển bởi rõ ràng, chi phí rẻ hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Những điều này chưa từng có trong tiền lệ.
Chuyên gia lý giải, ở Việt Nam, các hãng hàng không đã phải dừng chở khách và thay vào đó, họ chuyển các thùng hàng đi khắp nơi trên thế giới. Điều đáng nói là không chỉ ở Việt Nam, những khu vực khác cũng làm tương tự.
Bổ sung thêm, chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng chip với phạm vi toàn cầu là điều mọi người thấy rõ nhất.
“Hay đơn giản như doanh nghiệp bạn đang sản xuất một chiếc quần jeans thôi, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể nhập được khoá kéo? Đó là tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp phải gánh chịu”, chuyên gia dẫn chứng.
Người đứng đầu AmCham cho rằng, hiện nay, những gì doanh nghiệp đang cố gắng làm chỉ là đảm bảo việc đóng cửa và các đứt gãy do Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng ở mức tối thiểu đến hoạt động kinh doanh của mình.
“Xét tổng thể, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến giữ cho thương mại quốc tế hoạt động đối với các mặt hàng bao gồm may mặc, chip và ô tô”, chuyên gia kết luận.
Nhóm chuyên gia phân tích tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. Cũng có chung nhận định rằng, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn rất thuận lợi.
“Đại dịch không làm thay đổi sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất (của thế giới), nhà phân tích Dhiraj Nim cùng Khoon Goh nêu trong báo cáo.
Giới chuyên gia cũng tin tưởng rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để hỗ trợ chính sách phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.
Hiệu ứng “lò xo nén”
Nhiều chuyên gia nước ngoài đang hết sức kỳ vọng vào một Việt Nam sẽ chuyển mình vươn lên sau đại dịch, dù những thách thức mà Covid-19 đặt ra là rất lớn với nền kinh tế đất nước.
Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã và đang tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Dù vậy, nhìn toàn cảnh, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có những gam màu sáng.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2021 của Việt Nam ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 8,91% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 34,3% về vốn đăng ký.
Tăng trưởng tín dụng cũng tạo niềm tin tích cực. Theo đó, tính đến ngày 21/6, tăng trưởng tín dụng đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, bất chấp Covid-19, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài vẫn được triển khai tích cực, với 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng tăng trưởng ấn tượng. Tính chung sáu tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ 2020.
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ với TG&VN cho hay, những chính sách nới lỏng tối đa về tiền tệ và tài khóa trong năm 2020 đã phát huy tác dụng trong các tháng đầu năm nay.
Theo chuyên gia, chính sách thúc đẩy đầu tư công, các biện pháp hỗ trợ tài chính, sự bật dậy của hiệu ứng ‘lò xo nén’ về tiêu dùng và đầu tư của người dân đã góp phần làm tăng tổng cầu.
“Chưa kể, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực tài chính và thị trường bất động sản. Tất cả những điều này đã đem lại kết quả tăng trưởng kinh tế rất mạnh trong quý I, II/2021”, PGS. Bảo nhấn mạnh.
Việt Nam đang gặp thách thức lớn
Dù vậy, theo ông Bảo, tình trạng giãn cách xã hội đang được mở rộng ra nhiều địa phương, nhất là ở các trung tâm kinh tế lớn, khu vực sản xuất công nghiệp và “thủ phủ” của chuỗi cung ứng. Điều này thu hẹp đi đáng kể các hoạt động của nền kinh tế.
Thời gian giãn cách kéo dài bào mòn sức chịu đựng của doanh nghiệp, và làm tăng thêm các bất ổn vĩ mô. Do đó, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của Chính phủ đang đứng trước thách thức rất lớn trong nửa sau năm 2021.
Địa phương chịu tác động nặng nề nhất đợt dịch lần này là TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế chiếm khoảng 20% quy mô kinh tế của Việt Nam và đóng góp 1/3 cho ngân sách quốc gia.
Trong năm 2020, đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa được xem là 3 trụ cột của nền kinh tế. Tuy vậy, theo PGS. Bảo, các nguồn lực này hiện đang rất yếu.
Theo báo cáo của Chính phủ, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công rất chậm trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong nửa đầu nay, mới chỉ có gần 30% vốn đầu tư công được giải ngân theo kế hoạch, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu không đạt các mục tiêu đề ra và cán cân thương mại đang có xu hướng nhập siêu. Trong khi đó, các thị trường thế giới đang trên đà hồi phục mạnh.
Tình hình hiện nay cho thấy, Việt Nam đang gặp khó khi tình hình sản xuất trong nước đang chịu nhiều hạn chế do dịch bệnh.
Đại dịch cũng làm suy yếu tiêu dùng nội địa và đầu tư của khu vực tư nhân. Giãn cách xã hội mở rộng trên nhiều địa phương chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu dùng và đầu tư trong thời gian tới.
Từ Bạch Đằng đến Điện Biên Phủ: “Hãy tin ở Việt Nam”Theo báo cáo quý II/2021 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phát hành giữa tháng 7/2021, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) giảm gần 30 điểm so với 73,9 điểm trong quý I/2021 xuống còn 45,8 điểm.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany đánh giá, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây đã khiến triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên bi quan hơn.
Có khoảng 19% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng, nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý III/2021. Con số này đã giảm đi rất nhiều so với mức 61% trong quý I/2021.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp châu Âu vẫn tự tin về các kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam.
“Hơn một nửa (56%) doanh nghiệp dự đoán, tình hình sẽ được cải thiện hoặc ổn định trong quý III/2021. Khoảng 80% doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và đầu tư. Điều này cho thấy, bất chấp những thách thức ngắn hạn, doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn tại Việt Nam”, ông Alain Cany cho biết.
Theo GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng mà Covid-19 gây ra vào năm ngoái vẫn tiếp diễn cho đến hiện tại, và các biện pháp được áp dụng để phòng chống dịch bệnh đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu.
Dù vậy, trong năm 2020, Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng này với mức tăng kinh tế đáng nể 2,91%. Các quyết sách kinh tế của Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
Theo GS.TS Andreas Stoffers, các số liệu kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 không quá tệ. Tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ lạm phát hiện đang tăng ồ ạt. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam mới chỉ ở mức 1,46% – vẫn trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 lây lan nhanh là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong những tháng cuối năm.
Mặc dù vậy, GS.TS Andreas Stoffers vẫn tin tưởng, Việt Nam sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng như đã từng vượt qua vào năm 2020.
“Điều này một mặt là nhờ sự kiên cường và đoàn kết đáng kể của người Việt Nam – điều mà quốc gia này đã chứng tỏ nhiều lần trong lịch sử, như trận thủy chiến lừng danh năm 1287 ở sông Bạch Đằng hay chiến thắng năm 1954 ở Điện Biên Phủ”, chuyên gia đặc biệt lưu ý.
Ngoài ra, chính sách kinh tế mở của đất nước bao như, sự hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), số hóa nền kinh tế, tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng cũng góp phần giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia cho rằng, việc thực hiện một chính sách cân bằng giữa sức khỏe người dân và ‘sức khoẻ’ nền kinh tế của đất nước là điều Việt Nam cần lưu ý.
“Bản thân tôi lạc quan, kỳ vọng và mong đợi Việt Nam sẽ định vị lại mình ở một tầm cao mới so với trước khủng hoảng”, chuyên gia nhấn mạnh.
Minh Ngọc