8
category
462109

Chuyên gia nói gì về dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD thành ‘phế liệu’?

02/01/2021 15:07

Trước thông tin dự dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD ở Quảng Bình thành “phế liệu” đã được đăng tải, TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá, điện hoá cho rằng đây là sự lãng phí rất lớn. Theo TS Khải, nguyên nhân hỏng hóc do lắp đặt cẩu thả, người vận hành không hề hiểu về điện…

Theo TS Khải, dự án cấp điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới của tỉnh Quảng Bình, có những khu vực mới đưa vào 2 tháng đã không sử dụng được xuất phát từ việc người dân không được hướng dẫn, không biết sử dụng. Nhiều người dân khi nói chuyện không biết hệ thống điện có công suất tiêu thụ, hiệu điện thế, không biết cách đấu điện.

Thứ hai, qua hình ảnh có thể thấy cách lắp đặt hệ thống pin mặt trời bị sai. Từ hình ảnh được Tiền Phong đăng tải có thể thấy, bóng nắng của người đứng bên cạnh hệ thống điện mặt trời mới dài được 1/3 nhưng pin mặt trời đã bị che quá 3/4. Như thế có thể thấy những người thiết kế, lắp ráp cẩu thả, không có kiến thức vật lý, không có kỹ thuật lắp ráp điện mặt trời.

Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải giới thiệu về pin mặt trời được ông lắp tại gia đình.

“Ngày 3/10/2019, tôi từng đi hướng dẫn người dân lắp bóng đèn led vào hệ thống điện mặt trời. Địa phương họ cử những phụ nữ 50 tuổi đến học, không biết Ampe, Vôn là gì? Những kiến thức cơ bản không biết, không thể có kỹ năng làm việc, có khả năng sử dụng sau này”, TS Khải cho biết.

Theo TS Khải, hệ thông điện mặt trời hỏng hóc còn xuất phát từ vị trí lắp đặt không an toàn, sấp bóng, góc nghiêng, hướng sai, ắc quy đặt không đúng chỗ, các điểm đấu nối cẩu thả gây chập cháy, lắp đèn không phù hợp công suất. Đặc biệt, hệ thống điện mặt trời không được bảo trì, duy tu, vị trí đặt ẩm thấp, tối tăm.

TS Khải cho biết thêm, nguyên nhân sâu xa là người dân không có ý thức bảo vệ, vì không mất tiền mua. Nếu hệ thống điện mặt trời có dấu hiệu hỏng hóc, người dân phải mạnh dạn phản ánh với bộ phận quản lý, nếu cán bộ quản lý không xử lý được, phải mời các nhà chuyên môn. Hệ thống điện hỏng không phải mời người bán đến xử lý, không thể đổ lỗi cho nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Vì dự án có thời hạn, có thời gian bảo hành.

Theo TS Khải, đối với Dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD ở Quảng Bình cơ quan chức năng cần tìm hiểu tổng thể các nguyên nhân gây ra những hậu quả xấu. Thêm nữa lựa chọn đối tượng hoặc hướng dẫn thanh niên (đặc biệt là thanh niên tình nguyện, học sinh, sinh viên) sử dụng, bảo dưỡng, thay thế hệ thống điện mặt trời và thay thế mẫu. Trong đó, cần cụ thể những gì cần thay thế, sửa chữa. “Người sử dụng phải hiểu hệ thống điện mặt trời để sử dụng cho tốt. Tôi sẵn sàng bỏ tiền ra vào Quảng Bình, sửa chữa cho họ, làm mẫu một hệ thống”, TS Khải nói.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá

Trước đó, Tiền Phong nêu, từ năm 2012, dự án Điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình được triển khai qua hiệp định vay vốn ODA của chính phủ Hàn Quốc khoảng 12 triệu USD, Việt Nam đối ứng 1,7 triệu USD. Đây được xem là dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi. Cách đây 5 năm, Tiền Phong có loạt bài cảnh báo Dự án cấp điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới của tỉnh Quảng Bình có nguy cơ thành phế liệu. Hiện tại, cảnh báo đó đang dần thành hiện thực, khi mà đa số các điểm cấp điện vừa mới đưa vào sử dụng đã hỏng hóc, mất điện triền miên.

(Theo TPO)

Đọc nhiều