148628
topics
582795

Chuyên gia: Nếu nghi ngờ có triệu chứng bệnh nên cân nhắc không về quê

14/01/2022 16:20

Theo PGS Phu cho biết những người không may đang trong nhóm nghi ngờ nhiễm nCoV, có triệu chứng của bệnh không nên về quê ở thời điểm này.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh năm 2022 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Người dân Hà Tĩnh từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch

Lịch nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 bắt đầu từ 31/1 (29 tháng Chạp năm Tân Sửu) đến hết ngày 4/2 (tức mùng 4 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Như vậy, người dân Việt Nam chỉ còn cách Tết Nguyên đán hơn 2 tuần. Đây cũng là thời điểm người lao động lên kế hoạch trở về quê nghỉ Tết.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động đông người không cần thiết khi trở về quê trong dịp Tết sắp tới.

Tránh tụ tập, ăn uống đông người trong dịp Tết

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định nguy cơ lây lan virus trong thời gian Tết Nguyên đán là rất cao.

“Chúng ta đều biết SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan trong quá trình người dân tiếp xúc gần, giao lưu, đi lại, gặp gỡ. Trong khi đó, dịp lễ, Tết lại là thời điểm các hoạt động ăn uống, liên hoan diễn ra dày đặc, người dân từ nhiều nơi trở về quê. Do đó, nguy cơ lây lan virus không chỉ dừng ở một địa phương nhất định mà còn giữa các tỉnh, thành phố với nhau”, PGS Phu nhận định.

quy dinh phong dich covid-19 dip tet nguyen dan anh 1
Không khí Tết Nguyên đán cận kề dọc chợ hoa Quảng An (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh.

Tuy nhiên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng dịch có bùng lên hay không còn phụ thuộc vào mức độ quyết liệt trong việc đáp ứng của địa phương trước tình hình dịch cũng như sự tự giác của người dân.

Ông lấy ví dụ: “Nếu vẫn để xảy ra tình trạng tụ tập đông người trong dịp lễ, Tết, vẫn tổ chức các buổi liên hoan, lễ hội, tình hình sẽ rất khác khi chúng ta kiểm soát chặt chẽ những hoạt động này”.

PGS Phu cũng nhấn mạnh người dân phải chú ý phòng, chống dịch, tránh tư tưởng vì đã tiêm vaccine mà chủ quan, lơ là, buông trôi, thả lỏng.

Người dân khi về quê ăn Tết cần tuyệt đối tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc đám đông, giảm tần suất đi lại khi không cần thiết, không tổ chức các hoạt động tập thể hay ăn uống linh đình. Kế hoạch thăm hỏi không quá cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán cũng nên cắt bỏ.

Nhóm nghi ngờ, có triệu chứng bệnh nên cân nhắc không về quê

Liên quan quy định của các địa phương đối với người dân trở về, PGS Trần Đắc Phu cho rằng Nghị quyết 128 của Chính phủ đã định hướng rất rõ việc nới lỏng tất cả hoạt động, kể cả đi lại cũng như thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát rủi ro.

Do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm định hướng này, tránh “mỗi nơi một kiểu” và làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế cũng như an sinh xã hội. Việc nhiều tỉnh, thành phố đưa ra các quy định có phần khó hiểu cho người dân về quê trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tạo ra một tiền lệ không hay và dư luận không tốt.

quy dinh phong dich covid-19 dip tet nguyen dan anh 2
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.

“Khi đã quyết định không còn ‘Zero Covid-19’ nữa, đồng thời tổ chức tiêm chủng vaccine rộng rãi, chúng ta sẽ phải chấp nhận thực tế số ca mắc Covid-19 có thể tăng cao. Từ đây, những quy định mang tính ‘ngăn sống cấm chợ’ không còn phù hợp”, vị chuyên gia này nói.

Về vấn đề cách ly, xét nghiệm, ông Phu cho biết Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, các địa phương không cần chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.

Mặt khác, chúng ta chỉ yêu cầu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe tại nhà đối với các trường hợp đến từ địa phương cấp độ 4, vùng phong tỏa. Với người về từ địa phương cấp độ 3, việc xét nghiệm chỉ áp dụng ở người có dấu hiệu nghi ngờ như ho, sốt, khó thở hoặc trường hợp có chỉ định điều tra dịch tễ.

Ông nói: “Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm là không cần thiết, tốn kém và còn mang đến tâm lý chủ quan trong phòng bệnh. Thời điểm hiện tại, chúng ta chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn với SARS-CoV-2. Do đó, cần chú tâm vào việc quản lý rủi ro thay vì đặt nặng quy định cấm đoán, gây ách tắc như trước”.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, một trong những mục đích của Nghị quyết 128 cũng chính là tránh tình trạng các địa phương có quy định khác nhau. Từ đây, ông nhấn mạnh các tỉnh, thành phố cần làm đúng quy định của Trung ương.

Tuy nhiên, PGS Phu cũng lưu ý những người không may đang trong nhóm nghi ngờ nhiễm nCoV, có triệu chứng của bệnh không nên về quê ở thời điểm này. Ngoài ra, người dân phải chú ý đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển, đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng.

“Bên cạnh tránh để bản thân bị nhiễm, chúng ta cũng cần chú ý phòng lây bệnh cho người cao tuổi, có bệnh nền hay đối tượng chưa được tiêm vaccine trong gia đình”, PGS Phu nhấn mạnh.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều