8
category
321354

Chuyên gia môi trường: Công nghệ của Nhật Bản không thể làm hồi sinh sông Tô Lịch

20/08/2019 09:52

Theo các chuyên gia, công nghệ Nano-Bioreactor không có ý nghĩa trong việc làm hồi sinh sông Tô Lịch, mà cần đồng bộ nhiều giải pháp có tính tổng thể, triệt để.

Tháng 5/2019, chương trình thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản chính thức khởi động. Dự án được kỳ vọng sẽ cải thiện được môi trường, giảm ô nhiễm tại sông Tô Lịch.

Ngày 8/8 vừa qua, cố vấn kỹ thuật Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản, TS Kubo Jun tắm, ngụp lặn tại khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor để chứng minh hiệu quả của việc thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, trả lời PV, các chuyên gia môi trường cho rằng, để làm hồi sinh sông Tô Lịch, không thể chỉ trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ. Điều quan trọng là phải giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Nói về thử ngiệm công nghệ Nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch, các chuyên gia hoan nghênh những nỗ lực của Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), cho rằng điều này là rất tốt, rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả của giải pháp mà Công ty JVE đang thử nghiệm cần được kiểm chứng, chờ kết quả công bố chính thức.

Chuyen gia moi truong: Cong nghe Nano-bioreactor cua Nhat Ban khong the lam hoi sinh song To Lich hinh anh 1
Theo PGS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, để hồi sinh sông Tô Lịch đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể.

Theo GS.TS Đặng Đình Kim (nguyên Phó Viện trưởng Viện công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), trước hết cần ghi nhận ý tốt của phía Nhật Bản và hoan nghênh họ đưa công nghệ tiên tiến vào thử nghiệm trên sông Tô Lịch.

“Tôi đã làm việc nhiều với đối tác Nhật Bản, thấy rằng họ làm việc rất nghiêm túc, công nghệ của họ rất tốt. Tuy nhiên, để đánh giá công nghệ mà họ đang thử nghiệm ở sông Tô Lịch thì cần có sự kiểm chứng trên thực tế, phải chờ kết quả công bố mới biết được hiệu quả đến đâu”, GS, TS Đặng Đình Kim nói.

Đồng quan điểm, GS.TS Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) cũng cho rằng, bản thân ông chưa được quan sát trực tiếp nhưng qua thông tin báo chí thì bước đầu công nghệ này đã cho thấy những tín hiệu tích cực.

Chuyên gia Lê Huy Bá cũng đánh giá cao tinh thần của phía Nhật Bản, cho rằng người Nhật đã nhiệt tình để thử nghiệm công nghệ của họ trên sông Tô Lịch. Điều này được thể hiện qua quyết tâm làm đến cùng sau sự việc bơm nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, làm ảnh hưởng đến việc thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor của họ.

“Sau sự việc đấy, họ vẫn quyết tâm làm đến cùng, đây là điều rất hoan nghênh. Tinh thần nghiên cứu của người Nhật là làm đến nơi đến chốn. Theo tôi, những ai có ý tưởng cạnh tranh không lành mạnh thì nên loại trừ. Tôi nghĩ, giải pháp này mở ra một hướng mới để nghiên cứu, làm sạch nước không chỉ sông Tô Lịch”, ông Lê Huy Bá cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đức Hạ (Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường – Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, phương pháp làm sạch nguồn nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor do Công ty JVE thực hiện không có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch hiện nay.

“Phương pháp làm sạch nguồn nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor không có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch hiện nay.

Đây là phương pháp xử lý tại những khu vực nước tù và không phát sinh nguồn thải vào thường xuyên. Còn đối với những dòng sông nước thải chảy vào liên tục, hoặc dòng sông động thì hiệu quả chưa thể đánh giá được”, ông Trần Đức Hạ nói.

GS.TS Đặng Đình Kim cũng cho rằng, hiệu quả công nghệ Nano-Bioreactor còn phải chờ công bố, song nếu chỉ sử dụng mỗi công nghệ này để mong làm sạch sông Tô Lịch thì không làm nổi.

Bên cạnh đó, chuyên gia môi trường Đặng Đình Kim cũng gợi mở hướng sử dụng công nghệ này đê xử lý nước ô nhiễm ở những ao, hồ tù. Theo ông Kim, công nghệ Nano-Bioreactor nếu thử nghiệm thành công thì cũng sẽ khó để xử lý làm sạch trên sông Tô Lịch, tốt nhất thực hiện xử lý ô nhiễm ao, hồ tù.

“Theo đánh giá của chuyên gia Nhật, công nghệ Nano-Bioreactor ngoài việc làm sạch nước thì điểm mạnh công nghệ này là làm tiêu tan bùn. Trong khi đó, Hồ Tây đang có kế hoạch nạo vét, thải ra cả hơn 1 triệu m3 bùn. Khối lượng bùn này chưa biết xử lý thế nào?”, GS.TS Đặng Đình Kim nói.

Giải thích vì sao chuyên gia Nhật Bản tắm được tại khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, chuyên gia môi trường Trần Đức Hạ cho rằng đây là điều dễ hiểu, không có gì đáng ngạc nhiên.

“Chuyên gia Nhật tắm được là vì sau 2 tháng cho máy vào sục bọt khí công nghệ Nano-Bioreactor làm cho chất ô nhiễm bị oxi hóa, khoáng hóa, bùn hữu cơ được xử lý. Công đoạn xử lý nước qua 4 ô ngăn,  việc tắm ở ngăn nước sạch cuối cùng trong 4 ngăn này là điểu dễ hiểu, nước không còn ô nhiễm như ban đầu. Sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor để xử lý trong một ô nước đã khoanh vùng thì nước sạch là không có gì đáng ngạc nhiên”, PGS.TS Trần Đức Hạ phân tích.

Bên cạnh đó, các chuyên gia môi trường cho rằng đề xuất làm sạch sông Tô Lịch bằng cách bổ cập nước từ sông Hồng vào không phải là giải pháp triệt để, đây chỉ là giải pháp mang tính thời điểm, không xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch.

Theo GS.TS Lê Huy Bá, việc bơm nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch chỉ là biện pháp tình thế. Bản chất đây là hình thức pha loãng nước trong khi tổng thải lượng không thay đổi. Theo các nhà môi trường học, nguyên lý pha loãng là không được phép bởi vì không xử lý triệt để tận gốc vấn đề.

“Theo các nhà môi trường học triệt để thì phải xử lý làm sạch nước ô nhiễm tại chỗ. Hình thức pha loãng nước bằng cách bổ cập nước sông Hồng vào cho sông Tô Lịch sẽ chuyển ô nhiễm từ cục bộ sang đại trà hơn, không phải là cứu cánh cần thiết cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Hệ thống bùn lắng trên sông Tô Lịch rất nhiều. dòng nước bơm vào liệu có đủ mạnh và đủ nhiều để pha loãng không?”, GS.TS Lê Huy Bá nêu điểm bất cập.

Còn GS.TS Đặng Đình Kim thì khẳng định, bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp tạm thời, không phải giải pháp triệt để vì sử dụng biện pháp này sẽ đẩy ô nhiễm từ vùng này sang vùng khác, chuyển ô nhiễm từ chỗ nọ sang chỗ kia.

Giải pháp này có tác dụng tức thời, làm cho sông Tô Lịch bớt hôi, ô nhiễm, nước sông vào xanh đẹp và người dân sống quanh sông có cảm quan tốt. Thế nhưng, toàn bộ ô nhiễm vẫn nguyên vẹn, không xử lý căn cơ gốc rễ của vấn đề ô nhiễm.

Về việc xử lý lượng bùn đọng của sông Tô Lịch, ông Trần Đức Hạ cho biết đây là việc không khó để xử lý. Trước đây TP Hà Nội từng có thời điểm nạo vét rất tích cực và hiện nay, công ty Thoát nước Hà Nội vẫn đang cho nạo vét hàng ngày.

Một khi TP thực hiện giải pháp xây kênh thu gom nước thải riêng, không để thải ra sông Tô Lịch thì dần dần không có bùn thải lắng đọng nữa. Kết hợp các giải pháp khác nhau sẽ giúp sông Tô Lịch tăng cường quá trình tự làm sạch, từng bước trả lại hệ sinh thái tự nhiên cho con sông này.

Trên cơ sở phân tích tính khả thi từng giải pháp, các chuyên gia đểu khẳng định rằng, để làm sống lại sông Tô Lịch đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể, có tính căn cơ và tận gốc. Đó là việc gom nước thải để xử lý, tạo dòng chảy cho sông và tăng cường quá trình tự làm sạch của sông.

“Làm sống lại sông Tô Lịch thì đỏi hỏi phải có giải pháp tận gốc. Trước hết, phải thu gom rác thải xử lý xong rồi mới trả lại sông Tô Lịch.

Tiếp đó, tạo dòng chảy cho sông bằng việc bổ cập nước sạch vào. Bản chất từ xa xưa, sông Tô Lịch nối sông Hồng, do đó lấy nước sông Hồng bổ cập sông Tô Lịch để tạo dòng chảy. Sông mà không có dòng chảy như sông Tô Lịch hiện nay được coi là sông chết.

Đồng thời, tăng cường quá trình tự làm sạch lòng sông như trồng tảo để làm giàu oxy thảm thực vật, vòi phun nước… Thực hiện đồng bộ ba giai pháp trên thì mới có thể trả lại hệ sinh thái đúng nghĩa cho sông Tô Lịch”, chuyên gia môi trường Trần Đức Hạ phân tích.

Kông Anh/ VTC News

Đọc nhiều