Tiến sĩ ĐH Fulbright nói về cách chọn vị trí Thủ tướng nắm giữ trọng trách kinh tế của Việt Nam
Trên Facebook cá nhân, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du là giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright đã có bài viết nói về cách chọn người nắm giữ trọng trách kinh tế của Việt Nam. Dưới đây, là nguyên văn bài viết của ông:
Tuần này, Quốc hội Việt Nam bắt đầu nhóm họp để bầu ra các vị trí đứng đầu nhà nước. Nếu theo đúng những thông tin không chính thức thì Thủ tướng sẽ là một người miền Bắc. Tính từ khi có vị trí này thì đây là lần thứ hai do một người miền Bắc nắm giữ (sau ông Đỗ Mười nắm giữ 3 năm 48 ngày). Điều này đã tạo ra quan niệm Thủ tướng nên là người miền Nam. Tuy nhiên, nếp nghĩ này không phản ánh đúng thực tế những gì xảy ra.
Giai đoạn 1975-1995 là thời kỳ đỉnh cao về sự năng động và sáng tạo của TPHCM và thập niên 1990 là thời kỳ tạo ra các nền tảng cho hiện tượng Bình Dương. Những người đóng vai trò chủ chốt của hai địa phương này trong giai đoạn nêu trên đã được chọn ra trung ương và trở thành lãnh đạo cao cấp của quốc gia. Tất cả đều hoặc thể hiện xuất sắc hoặc chí ít cũng tròn vai của mình, nhất là các trọng trách kinh tế.
Điều đáng ngạc nhiên là cho dù hết sức thành công trong hơn hai thập niên qua, nhưng Bình Dương không có lãnh đạo nào nổi trội và được cất nhắc để giữ trọng trách ở Trung ương như người đặt nền móng đầu tiên.
Tính từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong hai thập niên qua, sau Đà Nẵng mà người tạo ra hiện tượng đó cũng đã được trọng dụng, Quảng Nam có thể xem là thành công nhất gắn với Trường Hải và Chu Lai. Kết quả, ông chủ của Trường Hải trở thành tỷ phú người miền Nam duy nhất cho đến thời điểm này và lãnh đạo có vai trò quyết định với sự thành công của Quảng Nam đã trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ sắp kết thúc với kết quả điều hành rất tốt.
Hai thập niên qua, thành tích kinh tế của cả TPHCM và Hà Nội, hai đô thị lớn và quan trọng nhất cả nước là rất bình thường. Điều này là một nguyên nhân làm cho Việt Nam đã không thể tốt hơn như kết quả đã đạt được. Do vậy, không ai trong số lãnh đạo cao cấp của hai địa phương này được cất nhắc vào các trọng trách kinh tế.
Trong hơn một thập niên qua, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng đã phát huy được các lợi thế và trở thành các ngôi sao hay hiện tượng. Từ vĩ tuyến 17 trở vào không có địa phương nào cả (các địa phương quanh vùng TPHCM, nhất là Bình Dương chỉ là tiếp nối từ trước đó).
Từ những thông tin nêu trên có thể rút ra được một số vấn đề:
Thứ nhất, việc chọn lãnh đạo từ các địa phương thành công về mặt kinh tế để giữ các trọng trách kinh tế quốc gia đã mang lại những kết quả tích cực cho Việt Nam.
Thứ hai, các lãnh đạo địa phương có thể tạo ra cơ hội giữ các trọng trách về mặt kinh tế quốc gia cho mình bằng cách đưa địa phương mình thành các hiện tượng thành công.
Thứ ba, trong ba thập niên qua Thủ tướng luôn là người đã từng là lãnh đạo cao cấp (bí thư hoặc/và chủ tịch) cấp tỉnh. 3/4 người thuộc các địa phương có kết quả phát triển kinh tế nổi trội chứ không phải yếu tố vùng miền. Các kết quả kinh tế của ba người trên trong thời kỳ làm thủ tướng là rất ấn tượng.
Cuối cùng, với những gì đang xảy ra và nếu các tiêu chí trên được giữ thì khả năng Thủ tướng của nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ là một người đã lãnh đạo một địa phương ở miền Bắc cao hơn một địa phương miền Nam rất nhiều.
TS. Huỳnh Thế Du
TS. Huỳnh Thế Du là giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của ông gồm: Kinh tế đô thị, Phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính ngân hàng. Ông đã từng làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 1996-2005. Ông thường xuyên tham gia các thảo luận chính sách ở Việt Nam. Ông có các bài báo được đăng trên các tạp chí danh tiếng quốc tế. Ông Du đã học các ngành xây dựng dân dụng, quản trị kinh doanh, kinh tế học ứng dụng và chính sách công, kinh tế phát triển, và quản lý công ở bậc đại học và cao học.
Ông nhận bằng thạc sĩ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sĩ tại Trường Kiến Trúc Harvard năm 2013.