148628
topics
552746
Chuyên gia khuyến cáo sai lầm khiến nCoV lây lan khi dùng khẩu trang ở nơi làm việc
24/09/2021 11:33

Thói quen sử dụng khẩu trang chống bụi, nhiều người đi đường đeo khẩu trang rất cẩn thận nhưng khi ngồi cùng nhiều người, chẳng hạn trong cuộc họp hay phòng làm việc chung, lại bỏ khẩu trang để nói chuyện, trao đổi cho thoải mái là kẽ hở trong thực hiện quy định 5K, tạo cơ hội để virus lây lan, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. 

Da Nang chuyen trang thai phong dich tu dau thang 10 hinh anh
Khẩu trang vẫn là biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng hiệu quả. Ảnh minh họa

Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, N.L. (27 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu đi đến công ty thay vì làm việc online. Trước khi ra khỏi nhà, chị chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, dùng mặt nạ chắn giọt bắn, mang theo nước rửa tay, …

Tuy nhiên, khi tới nơi làm việc, như thói quen, N.L. bỏ khẩu trang, trò chuyện vui vẻ với các đồng nghiệp sau hơn một tháng không gặp. “Không chỉ tôi, hầu hết mọi người đều có thói quen không đeo khẩu trang ở công ty. Số rất nhỏ vẫn đeo khẩu trang nhưng là khi bị cảm cúm, sổ mũi…”, chị L. cho hay.

B.T.H. (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết tại nơi chị làm việc cũng xảy ra tình trạng tương tự. “Đến cửa công ty, chúng tôi được yêu cầu đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn đầy đủ. Tuy nhiên, khi ngồi vào bàn làm việc, chúng tôi thường bỏ khẩu trang để dễ trao đổi. Tới khi trở về nhà, mọi người lại đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh”, chị H. chia sẻ.

Kịch bản lý tưởng cho sự lây lan của virus

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ở các nước Đông Bắc Á, thói quen đeo khẩu trang đã có từ lâu, trước cả khi Covid-19 xuất hiện. Khi thấy đeo khẩu trang, ta hiểu rằng họ đang bị ốm, có vấn đề về hô hấp. Khi Covid-19 xuất hiện, các nước này đi tiên phong trong việc đề ra quy định cụ thể về đeo khẩu trang để phòng tránh nhiễm virus, cũng như bệnh viêm đường hô hấp khác.

Mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ lây truyền nCoV. Đó là những nơi không gian hẹp, kín, tập trung đông người như trên toa tàu, xe khách, trong cuộc họp, phòng làm việc chung, ở các khu mua bán, cửa hàng tiện lợi…

Khẩu trang y tế được đề nghị sử dụng kể cả khi đã tiêm vaccine đầy đủ. Văn hoá khẩu trang dường như đã ăn sâu trong nếp sống của người dân ở các khu vực này.

“Ở Việt Nam, người dân cũng sử dụng khẩu trang một cách rộng rãi để phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, có một thực tế là do ảnh hưởng của thói quen sử dụng khẩu trang chống bụi, nhiều người đi đường đeo khẩu trang rất cẩn thận nhưng khi ngồi cùng nhiều người, chẳng hạn trong cuộc họp hay phòng làm việc chung, lại bỏ khẩu trang để nói chuyện, trao đổi cho thoải mái. Thậm chí, đến giờ ăn trưa, giờ nghỉ, nhiều người vẫn giữ thói quen ăn uống cùng nhau cho ‘tình cảm'”, bác sĩ Thái chia sẻ.

Khong deo khau trang o noi lam viec anh 1
Các không gian công cộng trong nhà kín như văn phòng, trường học, xưởng sản xuất…, là điều kiện lý tưởng để lây lan virus.

Ông nhấn mạnh đây là kẽ hở trong việc thực hiện yêu cầu 5K. Người dân đã vi phạm vào 2/5 yêu cầu là đeo khẩu trang thường xuyên và giữ khoảng cách. Những kẽ hở này sẽ là cơ hội để virus lây lan, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, cho biết các không gian công cộng trong nhà kín như văn phòng, trường học, xưởng sản xuất…, là điều kiện lý tưởng để lây lan virus. Những không gian này thường nhỏ, kém thông gió, sử dụng chung hệ thống điều hòa, nhiều người lưu lại trong thời gian lâu nên có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 rất cao.

Đặc biệt, với biến chủng lây lan nhanh như Delta, việc ở cùng trong không gian kín, nhiều người càng tạo cơ hội thuận lợi cho sự lây nhiễm nếu có F0.

“Hành động không đeo khẩu trang tại nơi làm việc khiến việc bạn cố gắng sử dụng chúng khi ở ngoài đường trở nên vô nghĩa. Đa số người dân di chuyển bằng xe máy, khả năng lây nhiễm khi đi lại rất thấp nếu đeo khẩu trang và không tụ tập nói chuyện”, TS Vũ cho hay.

Khẩu trang là biện pháp cách ly cá nhân di động

Theo các chuyên gia, khi quay lại trạng thái bình thường mới, khẩu trang vẫn là vật rất cần thiết để tránh lây nhiễm. Chúng vẫn là biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng hiệu quả, ngay cả khi người dân đã được tiêm vaccine Covid-19. Đeo khẩu trang giống như một biện pháp cách ly cá nhân di động.

“SARS-CoV chủ yếu lây lan trong không gian kín. Vì vậy, các cơ quan cần quản lý chặt chẽ việc đeo khẩu trang. Ví dụ nơi tôi làm việc, nhân viên được yêu cầu đeo khẩu trang trong văn phòng, luôn có bảo vệ ‘đi tuần’ vài lần/ngày để kiểm tra. Ngoài ra, trước khi vào làm việc, họ sẽ kiểm tra nhiệt độ, hỏi một loạt về vấn đề sức khỏe, dịch tễ, sau đó phát thẻ màu đeo tay. Mỗi ngày sẽ được phát một màu khác nhau. Bên cạnh đó, những người làm việc cùng văn phòng thường xuyên nhắc nhở nhau thực hiện”, TS Vũ chia sẻ.

Ông Vũ nhấn mạnh sự quản lý của các cơ quan kết hợp ý thức con người là rất quan trọng. Không phải lúc nào bạn cũng có thể giữ khoảng cách với những người khác ở nơi công cộng. Tại văn phòng, xưởng sản xuất, trường học…, nên lưu thông không khi bằng cách mở cửa sổ, lắp quạt thông gió.

Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần chủ động giãn cách, hạn chế tiếp xúc để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

TP.HCM nhan them hon 666.000 lieu vaccine AstraZeneca va Pfizer hinh anh
Ngừi dân được tiêm ngừa Covid-19.

Không chỉ đeo khẩu trang thường xuyên, sử dụng đúng cách cũng là điểm quan trọng các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lưu ý. Khẩu trang chỉ phát huy tác dụng khi bạn đeo đúng cách, chúng vừa khít với vòm mũi và che kín miệng. Khi khẩu trang lỏng, không khít mặt, việc đeo chúng hoàn toàn không có tác dụng. Vì vậy, bạn không nên tháo khẩu trang ra để gọi điện hay sờ tay lên bề mặt của chúng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho rằng Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn nhưng không được người dân thực hiện nghiêm túc. Ông đưa ra giải pháp là những người đứng đầu cộng đồng, tổ chức, đơn vị phải làm gương. Các đơn vị, tổ chức cần tích cực giám sát, kiểm tra, nhắc nhở nhân viên thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chế tài xử phạt rõ ràng với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

“Việc mua một chiếc khẩu trang sử dụng đi ra đường, ở nơi làm việc sẽ rẻ hơn rất nhiều so với để bị xử phạt. Quan trọng hơn là góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh”, bác sĩ Thái nói.

Ngày 6/2, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1053 về việc ban hành Hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng. Hướng dẫn quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Theo đó, việc đeo khẩu trang áp dụng đối với các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người bao gồm tất cả nơi có không gian kín như trụ sở làm việc; khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn; cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn; có sự giao tiếp gần dưới 2 mét,…

Phương Anh

Đọc nhiều