148628
topics
566549

Chuyên gia: “Khó hiểu với quy định mới của Hà Nội”

17/11/2021 14:25

Chuyên gia cho rằng với việc tỷ lệ tiêm vaccine của Hà Nội mũi 2 đang khá cao (80%), việc ép người từ vùng dịch cấp 3, cấp 4 đã được xét nghiệm và tiêm chủng đầy đủ cách ly là rất khó hiểu, quy định mà Hà Nội đặt ra thêm là thừa thãi.

Trong công điện mới nhất của Chủ tịch UBND Hà Nội về việc điều chỉnh một số quy trình tiếp nhận, cách ly F1 và người về từ vùng dịch, TP đặt ra thêm một số yêu cầu riêng đối với người về từ các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Cụ thể, người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh từ những địa phương trên phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày thay vì tự theo dõi sức khỏe như hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc xét nghiệm được thực hiện 2 lần vào ngày đầu tiên và thứ 7. Người chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 phải cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong một tuần tiếp theo.

“Khó hiểu với quy định mới của Hà Nội”

Quy định mới của Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ. Văn bản được ban hành lúc 18h30 ngày 16/11 và áp dụng từ ngày 17/11. Người dân có chưa đầy 6 giờ để “thích ứng” với quy định mới.

Trao đổi với PV, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho rằng người dân đã rất mong chờ sự cởi mở, rõ ràng trong các quy định mới của Hà Nội khi cả nước bước vào chiến dịch thích ứng an toàn với dịch bệnh. Nhưng trong văn bản tối qua, TP đang khiến người dân bối rối hơn.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, chính sách cách ly, tiếp nhận người từ các địa phương đã được Chính phủ, Bộ Y tế ra văn bản quy định, hướng dẫn rất chi tiết. Người về từ vùng dịch cấp 3, 4 được tiêm chủng đủ chỉ tự theo dõi sức khỏe. Theo bà Thu Anh, quy định mà Hà Nội đặt ra thêm là thừa thãi.

Ha Noi cach ly 7 ngay nguoi tu TP.HCM anh 1
Nhiều người dân bối rối, vội vã thay đổi kế hoạch trước quy định cách ly mới của Hà Nội. Ảnh chụp một người làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng.

“Người dân trước khi lên máy bay đã phải có xét nghiệm âm tính. Vậy khi về Hà Nội, họ lại phải xét nghiệm thêm một lần nữa rồi cách ly tại nhà 7 ngày là không cần thiết. Kết quả xét nghiệm trước khi lên máy bay không có giá trị hay sao mà Hà Nội lại yêu cầu xét nghiệm lại?”, bà Thu Anh đặt vấn đề.

Theo bà Thu Anh, với việc tỷ lệ tiêm vaccine của Hà Nội mũi 2 đang khá cao (80%), việc ép người từ vùng dịch cấp 3, cấp 4 đã được xét nghiệm và tiêm chủng đầy đủ cách ly là rất khó hiểu. Chính phủ đã thống nhất chủ trương sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt. Việc một địa phương đặt ra thêm các tiêu chí, điều kiện là rất bất cập.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh việc TP đẩy mạnh việc bao phủ vaccine nhằm có thể nới lỏng thêm các biện pháp phòng dịch. Độ phủ vaccine tạo điều kiện cho người dân đi lại, trở về trạng thái bình thường mới, phục hồi quan hệ sản xuất, kinh doanh. Nếu tiếp tục giữ như “Zero Covid-19” thì vô tình làm giảm đi lợi thế của việc bao phủ vaccine.

Cần thay đổi cách tiếp cận

Nói thêm với PV, bác sĩ Thu Anh cho rằng với việc từ bỏ quan điểm “Zero Covid-19”, Hà Nội phải chấp nhận luôn có F0 trong cộng đồng và nguồn bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, điều quan trọng là thay vì ngăn chặn, hạn chế di chuyển của người dân, TP cần chuyển hướng sang các biện pháp lâu dài hơn như vaccine, 5K, thay đổi thói quen tụ tập, tập trung đông người trong phòng kín…

“Đến giai đoạn này của dịch bệnh, TP không thể tiếp tục quản lý bằng các thiết chế hành chính, thay vào đó là sự tự giác, ý thức của người dân, cộng với vaccine và cơ sở khoa học thì mới có thể chống dịch một cách bền vững”, bà Thu Anh nói.

Đánh giá kết quả chống dịch của Hà Nội cho đến thời điểm này là vô cùng thành công, song, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock khẳng định đến lúc TP cần có những cách tiếp cận mới, đảm bảo đồng đều, phù hợp với chiến lược chống dịch chung của các địa phương trên cả nước.

Ha Noi cach ly 7 ngay nguoi tu TP.HCM anh 2
Một hành khách đáp chuyến bay xuống sân bay Nội Bài từ TP.HCM hồi tháng 10. Ảnh: Việt Linh.

Đồng tình với việc với một địa bàn đặc thù như thủ đô, Hà Nội cần có những chính sách riêng để khống chế dịch bệnh nhưng PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội) cho rằng TP cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các biện pháp.

“Kiểm soát là cần thiết nhưng TP phải chú ý kiểm soát thế nào để phù hợp với tình hình thực tế và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Biện pháp đưa ra cần đúng mức, chặt chẽ nhưng không nên vượt quá quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế”, bà An nói.

TS Nguyễn Thu Anh

Theo nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, mục tiêu kép là vừa chống dịch nhưng đồng thời cố gắng không để chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông bị đứt gãy. “Sống chung an toàn với dịch tức là vừa phòng, chống nhưng vẫn phải hồi phục được sản xuất. Các doanh nghiệp mà không được phục hồi, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân tiếp tục bị đình trệ, mất giảm thu nhập thì ảnh hưởng ngay đến công tác chống dịch sau này”, bà An lo ngại.

PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị Hà Nội phân cấp, phân quyền mạnh hơn, rõ ràng hơn cho từng địa phương. Các địa phương nên được tự chủ và chịu trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn mình quản lý, nhất là khi TP áp dụng lộ trình mở cửa.

Tính đến tối 16/11, tổng số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 6.481 ca. Trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.346 ca.

UBND TP đã cho phép hầu hết hoạt động kinh doanh, dịch vụ trở lại, tuy nhiên kèm theo điều kiện về giãn cách, khai báo y tế và cơ sở ăn, uống phải đóng cửa trước 21h. Một số dịch vụ, hoạt động vẫn phải tạm dừng là bar, karaoke, massage, vũ trường và học tập trực tiếp tại trường của học sinh.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều