148628
topics
584106

Chuyên gia giải thích việc TPHCM truy vết biến chủng Omicron

20/01/2022 15:04

Các chuyên gia bay tỏ quan ngại nếu số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cùng một lúc, khả năng dẫn đến tỷ lệ tử vong cũng tăng theo, trường hợp xấu nhất là lịch sử đợt dịch lần thứ 4 tại TPHCM sẽ lặp lại.

Ngành Y tế  thành phố đang khẩn trương triển khai công tác truy vết các trường hợp tiếp xúc sau khi phát hiện 3 ca nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, có những ý kiến bày tỏ quan ngại nếu tốc độ lây lan nhanh sẽ khiến công tác truy vết không còn phù hợp.

Còn nhớ với ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên được phát hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) vào tháng 5.2021, sau đó liên tiếp các ổ dịch lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố xuất hiện, công tác khoanh vùng, dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng mở rộng hơn, đồng nghĩa với việc nhân lực y tế làm việc ngày đêm không hết việc. Dù vậy sau đó, vẫn không thể ngăn chặn triệt để đợt dịch bùng phát vào giai đoạn từ 5 đến tháng 9 vừa qua.

Lấy mẫu, truy vết tại TPHCM. Ảnh: Huyên Nguyễn
Lấy mẫu, truy vết tại TPHCM trong đợt dịch năm 2021. Ảnh: Huyên Nguyễn

Ở biến chủng Omicron hiện nay, theo nghiên cứu của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) công bố ngày 16.12, so với biến thể Delta, biến thể Omicron tự nhân bản nhanh hơn 70 lần trong đường hô hấp, dẫn đến khả năng dễ lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người nhanh theo cấp số nhân.

Đứng trước sự lây lan được cho là siêu tốc của biến chủng Omicron, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TPHCM cho rằng, công tác truy vết của thành phố hiện nay chỉ hợp lý trong giai đoạn số ca mắc biến chủng Omicron còn thấp.

“TPHCM đang chấp nhận “sống chung với lũ”, mở cửa kinh tế, mở chuyến bay thương mại, du lịch. Vì thế, số ca Omicron mắc ít thì cố gắng truy vết, nhưng chỉ sợ tới một thời điểm nào đó sẽ không làm nổi. Nếu số lượng mắc biến chủng Omicron tăng cao thì không nên đưa người nhiễm biến chủng Omicron vào khu cách ly nữa mà nên để họ tự cách ly tại nhà, theo dõi sát sao, tránh làm hệ thống y tế quá tải, lo lắng cho bệnh nhân”, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TPHCM cho rằng: “Khả năng lây lan của biến chủng mới này rất cao. Đơn cử như trường hợp nhóm 6 người trong chuỗi liên quan đến 3 ca mắc Omicron mới phát hiện, chỉ đi ăn tối đã có 3 người mắc Omicron, mặc dù những người này đã tiêm chủng đầy đủ. Vì thế, trong giai đoạn này, chúng ta có khả năng truy vết trọng điểm thì nên làm, nhưng đến giai đoạn nếu số ca tăng không kiểm soát được, thì cần xem xét lại để tránh lãng phí nguồn nhân lực”.

Các bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) theo dõi, cách ly, điều trị

Các chuyên gia cũng bay tỏ quan ngại nếu số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cùng một lúc, khả năng dẫn đến tỷ lệ tử vong cũng tăng theo, trường hợp xấu nhất là lịch sử đợt dịch lần thứ 4 tại TPHCM sẽ lặp lại.

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc nói thêm: “Nếu người dân lơ là, chủ quan phòng chống dịch thì khả năng Tết Nguyên đán sẽ tăng số ca mắc COVID-19. Nguyên tắc của bệnh này là sẽ có 20% ca mắc bị nặng và nhập viện thì trong đó chiếm khoảng 1-2% tử vong, đó là quy luật của COVID-19. Bây giờ chúng ta đã chích ngừa vaccine COVID-19 thì có khả năng chuyển nặng bớt đi. Nhưng không thể nào 0%, chính vì vậy số bệnh nhân càng đông thì nhập viện càng nhiều”.

Tuy nhiên, người dân cần bình tĩnh trước biến chủng Omicron. Việc cần làm lúc này là tuân thủ biện pháp 5K phòng dịch nghiêm ngặt.

“Ngành y tế cần sẵn sàng tâm thế sau Tết Nguyên đán số ca mắc COVID-19 tăng. Vì vậy, việc triển khai bán thuốc điều trị COVID-19 tại các nhà thuốc hoặc Trạm Y tế dưới sự quản lý của Nhà nước cần nhanh chóng triển khai. Đồng thời, thay vì ưu tiên thuốc cho những người lớn tuổi, có bệnh nền và có triệu chứng được uống, thì nên cho cả những bệnh nhân không có triệu chứng được sử dụng mục tiêu giảm tải lượng virus trong cơ thể, giảm tỷ lệ lây nhiễm cho người khác. Mỗi một phường, xã nên có một trạm cung cấp oxy để người dân cần là có, tránh đến bệnh viện đông cùng lúc gây quá tải, điều này ở Nhật Bản làm rất tốt, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong thấp”, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc nói thêm.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều