Chuyên gia Australia: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Giáo sư Carl Thayer khẳng định hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trong những ngày qua, hoạt động trái phép của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang khiến dư luận bất bình. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia khẳng định hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Australia, giáo sư Carl Thayer cho biết, ông cảm thấy vô cùng khó hiểu trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ năm 2014 đến nay thì Trung Quốc lại đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xuống khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định, hoạt động của các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam: “Rõ ràng là khu vực mà nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam có quyền tài phán đối với vùng biển này. Vì vậy, bất kỳ phương tiện nào hoạt động ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp”.
Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam có đầy đủ quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và thềm lục địa Việt Nam. Chính vì vậy, hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam được pháp luật quốc tế công nhận.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, hành động này chứng tỏ Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế: “Vụ việc xảy ra lần này đã củng cố thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc không tuân phủ các quy định quốc tế. Nước này muốn hoạt động theo cách của riêng họ và họ cũng diễn giải pháp luật theo cách của riêng mình”.
Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, trong vụ việc này, mặc dù Trung Quốc cố tình vi phạm luật pháp quốc tế nhưng đáng tiếc là cộng đồng quốc tế không có cơ chế nào để buộc Trung Quốc chấm dứt hành động vi phạm ngoài việc gây sức ép bằng các tuyên bố. Trên thực tế, Mỹ đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc và gọi đây là hành động “bắt nạt” đồng thời yêu cầu Trung Quốc cần phải chấm dứt các hành động này.
Trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN đang thảo luận về Bộ ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), giáo sư Carl Thayer cho rằng, hành động của Trung Quốc đã “khiến các nước Đông Nam Á lo ngại làm sao để có thể đàm phán với Trung Quốc nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã sử dụng nhiều cách để yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành động bất hợp pháp tại vùng biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer nhận định, “Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước khác trong việc tuần tra, chia sẻ thông tin cũng như tập huấn cách ứng phó với tình huống tương tự”. Không chỉ dừng lại ở đó, “trong trường hợp luật pháp quốc tế tiếp tục bị vi phạm, giáo sư Carl Thayer cho rằng, Việt Nam cũng cần tính đến việc sử dụng công cụ pháp lý như cách mà Philippines đã làm” nhằm giải quyết vấn đề.
(Theo VOV)