Chuyện gì đã xảy ra trong thảm kịch Itaewon?

Bảo Trâm 31/10/2022 11:16

Trang Yonhap cho biết, Hàn Quốc đang cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi “chuyện gì đã khiến sự kiện Halloween tại Itaewon biến thành thảm họa tồi tệ bậc nhất ở nước này, cướp đi 153 sinh mạng”.

Hiện trường hỗn loạn tại Iteawon

Theo Yonhap, đây là sự kiện Halloween đầu tiên ở Seoul trong ba năm sau khi Hàn Quốc dỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế phòng dịch Covid-19. Theo ước tính, có khoảng 100.000 người đã đổ xô tới khu vực này. Hàng chục quán bar và nhà hàng chật kín những người mặc trang phục Halloween.

Tối ngày 29/10, cơ quan chức năng ban đầu nhận được hàng chục tin báo ở khu vực Itaewon về những người bị khó thở. Báo cáo đầu tiên xuất hiện vào khoảng 22h15.

Hiện trường sự việc

Các quan chức cho biết đám đông bắt đầu xô đẩy về phía trước trong con hẻm dốc có chiều rộng khoảng 4 m gần khách sạn Hamilton, điểm tổ chức tiệc tùng ở Seoul.

Một số báo cáo truyền thông địa phương trước đó nói nhiều người tìm đến một quán bar sau khi có thông tin về một người nổi tiếng xuất hiện.

Seon Yeo Jeong, một YouTuber người Hàn Quốc, đã nhớ lại cảnh tượng mọi người la hét. Cô mô tả bản thân bị lắc qua lắc lại như thể trong “trò kéo co” trước khi bị siết chặt cả trước lẫn sau.

“Nếu bạn tôi không ôm và giúp tôi, tôi nghĩ mình sẽ ngất đi và ngã xuống đất”, cô kể.

Đêm thứ 7 hào hứng với Kim Seo Jeong (17 tuổi) đã biến thành lễ Halloween chết chóc khi cô nằm trong số hàng nghìn người mắc kẹt trong con hẻm nhỏ.

Hiện trường vụ việc

“Những người phía sau tôi ngã xuống như domino. Có những người bên dưới lẫn trên đầu tôi. Tôi khó thở. Chúng tôi la hét và kêu cứu, nhưng tiếng nhạc quá lớn, lấn át cả tiếng la hét của chúng tôi”, học sinh này nói.

“Mọi người liên tục đẩy xuống một con hẻm dốc, kết quả là nhiều người la hét và ngã xuống giống như domino. Tôi tưởng mình cũng sẽ bị đè chết khi mọi người tiếp tục xô đẩy mà không nhận ra đã có người ngã xuống khi bắt đầu vụ giẫm đạp”, Yonhap dẫn lời một nhân chứng giấu tên khác.

Một phụ nữ ở độ tuổi 20, họ Park, cho biết vụ giẫm đạp bắt đầu khi mọi người đổ tới con phố nhỏ trong khoảng thời gian ngắn. “Một người thấp bé như tôi thậm chí không thể thở được”, cô Park nói. “Tôi sống sót nhờ đứng ở bên lề con hẻm. Những người ở giữa (đám đông) phải chịu đựng nhiều nhất”.

Ulas Cetinkaya, 36 tuổi, nhân viên tại một cửa hàng bán thịt nướng đối diện với con hẻm nơi xảy ra vụ giẫm đạp mô tả: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến đám đông lớn như vậy trong đời, ngoại trừ có thể là tại cuộc biểu tình”.

Trong khi đó, một số người đổ lỗi cho các chủ quán bar và câu lạc bộ gần đó. “Thương vong nghiêm trọng hơn khi mọi người cố gắng thoát thân bằng cách đến những cửa hàng gần đó, nhưng họ bị đuổi ra đường vì đã hết giờ làm việc”, Yonhap dẫn lời một người sống sót nói.

Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người kẹt chật cứng trong con hẻm và không thể di chuyển, trong khi cảnh sát và cứu hộ tìm cách kéo họ ra ngoài. Một người phụ nữ cho hay con gái cô đã mắc kẹt hơn một giờ.

Theo giáo sư G. Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), các vụ giẫm đạp như thảm họa tại Itaewon lần này có thể xảy ra khi quá nhiều người bị nhồi vào một không gian kín.

Nếu có một tác nhân kích thích – như tình trạng xô đẩy hay ai đó vấp ngã – khiến cả đám đông ngã xuống, “hiệu ứng domino” sẽ xảy ra.

“Cả đám đông cùng ngã xuống một lúc”, giáo sư Still nhận định với Washington Post. “Nếu đang ở trong một không gian kín, họ không thể đứng dậy nữa”.

Con hẻm nhỏ chật kín người, nơi xảy ra thảm kịch Itaewon

Bên cạnh đó, khi nhiều người cùng bỏ chạy, một vụ giẫm đạp cũng có thể xảy ra. Dù vậy, đây không phải điều đã diễn ra tại Itaewon, ông Still cho biết.

Trong một bài viết được đăng tải trên Twitter, một người tự nhận có mặt tại hiện trường mô tả đám đông “ngã xuống như những quân domino và kêu gào”.

“Tôi thực sự cảm thấy như bị đè đến chết”, một bài đăng khác chia sẻ. “Tôi đã thở qua một lỗ nhỏ và khóc khi nghĩ mình sắp chết”. Tác giả của bài viết – đứng gần đỉnh của đám đông – cho biết những người ở đó đã kêu “Hãy cứu chúng tôi”, trước khi được những người gần đó kéo lên.

Trong vụ giẫm đạp, áp lực từ cả bên dưới lẫn bên trên khiến các nạn nhân rất khó thở, vì phổi cần không gian để hô hấp. Sau khoảng 6 phút, những người bị mắc kẹt rơi vào tình trạng nghẹt thở – nguyên nhân tử vong chính của các nạn nhân – giáo sư Still nhận định.

Ngoài nghẹt thở, các nạn nhân cũng có thể bị thương ở tay chân, hoặc mất tri giác khi cố gắng thở hay thoát khỏi đám đông. Chỉ sau 30 giây bị chèn ép, lượng máu lên não có thể bị hạn chế, gây ra tình trạng chóng mặt.

Theo giáo sư Still, các vụ giẫm đạp hiếm khi bị gây ra bởi những người mất bình tĩnh, cố gắng thoát khỏi đám đông. Thay vào đó, ông chỉ ra họ chỉ mất bình tĩnh khi bắt đầu ngã xuống.

“Mọi người không chết vì hoảng loạn, họ hoảng loạn vì sắp chết”, ông nói. “Khi mọi người cùng ngã, khi người ta ngã lên nhau, mọi người cố gắng đứng lên, khiến tay chân bị vướng vào với nhau”.

Hiện tượng này từng xảy ra nhiều lần trên thế giới. Chưa đầy một tháng trước, một vụ giẫm đạp ở một sân vận động tại Malang, Indonesia đã khiến hơn 130 người – bao gồm cả trẻ em – thiệt mạng.

Tháng 11/2021, một vụ giẫm đạp khác cũng đã xảy ra tại một đêm nhạc ở Texas (Mỹ), gây ra cái chết của 10 người. Hiện trường thảm kịch có hàng rào thép bao quanh, khiến các nạn nhân bị ép chặt. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng không có lối để điều tiết dòng người.

Bảo Trâm (Theo Yonhap)

Đọc nhiều