Chuyến công du ‘đánh chặn’ Trung Quốc
Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang công du 4 nước Ấn Độ, Maldives, Sri Lanka và Indonesia dường như nhằm củng cố mạng lưới ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.
Hôm nay (27.10), tiếp tục chương trình làm việc tại Ấn Độ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có cuộc đối thoại chiến lược 2+2 với 2 người đồng cấp Ấn Độ là Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Rajnath Singh.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc đối thoại nằm trong chương trình công du của Ngoại trưởng Pompeo đến 4 nước Ấn Độ, Maldives, Sri Lanka và Indonesia từ ngày 25 – 30.10.
Tăng cường hợp tác với Ấn Độ và Indonesia
Trả lời PV ngày 26.10, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) chỉ ra có nhiều động cơ để ngoại trưởng Mỹ công du đến 4 quốc gia trên.
“Với Ấn Độ, chuyến đi và cuộc đối thoại là nhằm nhấn mạnh các giá trị chung và tầm quan trọng của việc thể chế hóa “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ – Ấn Độ – Nhật – Úc”, ông Nagy nhận định và cho rằng các cam kết của Washington với New Delhi về vấn đề biên giới Ấn Độ – Trung Quốc cũng là phần thảo luận quan trọng trong chuyến công du. Vừa qua, tờ The Indian Express dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích: “Trung Quốc đã điều động lực lượng khoảng 60.000 binh sĩ nhằm vào Ấn Độ”. Qua đó, ông cho biết Washington cần tăng cường hợp tác với New Delhi để đối phó.
Thực tế, Mỹ gần đây không ngừng tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ. Ngày 25.9, máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ đã đáp xuống quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Trước đó, ở vùng biển Ả Rập, tàu chiến INS Talwar của Ấn Độ đã được tiếp nhiên liệu bởi tàu hậu cần của hải quân Mỹ. Cả hai sự kiện đều cho thấy các thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự mà các bên ký kết đã đi vào thực tế.
Thời gian qua, tàu sân bay của Mỹ có nhiều hoạt động ở Ấn Độ Dương để thể hiện sự ủng hộ đối với Ấn Độ. Sắp tới, Mỹ cùng Ấn Độ và 2 thành viên còn lại của “bộ tứ kim cương” tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar.
Bên cạnh đó, PGS Nagy cho rằng: “Indonesia là quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN, quan trọng về vị trí và cả kinh tế lẫn ngoại giao”. Nên theo ông Nagy, Mỹ có thể thông qua Indonesia để tranh thủ tăng cường quan hệ với ASEAN, trong bối cảnh Washington cần một đường lối cứng rắn trước Bắc Kinh.
Thời gian qua, Mỹ liên tục thắt chặt mạng lưới đối tác trải dài từ nam Thái Bình Dương đến khu vực cửa ngõ vào vùng Ả Rập ở Ấn Độ Dương. Cuối tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã công du đến đảo quốc Palau, trước khi có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản ở đảo Guam.
Những năm gần đây, quan hệ giữa Mỹ với Indonesia cũng được tăng cường đáng kể, đặc biệt là thông qua các thỏa thuận mua bán vũ khí. Cuối năm ngoái, Indonesia công bố kế hoạch mua 2 phi đội chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, để hướng đến kế hoạch sở hữu 4 phi đội F-16. Dự kiến, số máy bay đặt mua được chuyển giao từ năm 2020 – 2024, thuộc phiên bản mới. Đầu tháng 7, Washington cũng công bố thông qua nhiều đơn hàng vũ khí, trong đó bao gồm cả đơn hàng bán máy bay tối tân Osprey MV-22 cho Indonesia.
Kéo Maldives, Sri Lanka khỏi Trung Quốc
Phân tích thêm về chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo, ông Nagy cho rằng: “Sri Lanka và Maldives đang nghiêng về phía Trung Quốc. Hai nước này đồng thời cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Vì thế, Washington đang muốn hai đối tác này chuyển hướng về New Delhi, tuân theo trật tự do Mỹ và các đồng minh củng cố. Khi làm được điều đó, Washington sẽ càng khiến cho New Delhi gắn kết hơn. Đây là mục tiêu quan trọng của Mỹ”.
Những năm qua, Sri Lanka trở thành một đối tác mà Trung Quốc lẫn “bộ tứ kim cương” đều muốn lôi kéo. Sri Lanka đã nhận hàng loạt khoản đầu tư từ Trung Quốc. Để cân bằng lại, Nhật Bản – một đồng minh của Mỹ – cũng tham gia cung cấp tài chính cho Sri Lanka để tranh thủ nước này. Ngoài các chương trình hợp tác liên quan hàng hải, Nhật còn đưa ra kế hoạch hỗ trợ Sri Lanka xây dựng dự án đường sắt trị giá 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, hồi tháng 9 vừa qua, ông Gotabaya Rajapaksa, người trở thành Tổng thống Sri Lanka vào năm ngoái, đã chỉ đạo tạm ngưng kế hoạch này. Trong bối cảnh như vậy, các thành viên của “bộ tứ kim cương” càng phải nỗ lực kéo Sri Lanka rời xa Trung Quốc. Đối với Maldives, ông Pompeo cũng hướng đến mục đích tương tự.
Tuy nhiên, PGS Nagay đặt vấn đề: “Chuyến công du lần này của ông Mike Pompeo gặp phải một thách thức là sắp đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, và có khả năng đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không tái đắc cử. Vì thế, các đối tác sẽ thận trọng trước bất cứ thỏa thuận nào với Washington, nhằm chờ kết quả bầu cử”.
Trung Quốc cấm vận Mỹ về Đài Loan
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 26.10 thông báo những cá nhân và tổ chức Mỹ liên quan đến thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan mới đây sẽ bị cấm vận. Trong danh sách này có các nhà thầu quốc phòng như Boeing, Lockheed Martin và Raytheon, mạng truyền hình CGTN dẫn lời ông Triệu cho biết. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Bộ Ngoại giao nước này đã thông qua thỏa thuận bán tên lửa, pháo phản lực và cảm biến cho Đài Loan, ước tính trị giá tổng cộng là 1,8 tỉ USD. Phía Đài Loan hoan nghênh quyết định này và cho rằng các hệ thống vũ khí sẽ giúp tăng cường năng lực phòng thủ của hòn đảo. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố hợp đồng của Mỹ gây tổn hại nghiêm trọng tới chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Mỹ hủy bỏ ngay lập tức.
Tâm Minh/ TNO