Chuyện cán bộ “lươn chạch” từ chỉ đạo của Tổng Bí thư
Chưa bao giờ, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 lại được quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng và quán triệt chặt chẽ như thời gian qua. Đến nay, quy định về nhân sự cho Đại hội Đảng đã tương đối hoàn chỉnh, cụ thể. Bên cạnh những tiêu chí được nêu trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đề nghị “Không để lươn chạch trèo cao”.
Thời gian qua, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 có lẽ mà một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và chính quyền địa phương các cấp. Rút kinh nghiệm những thiếu sót từ kỳ Đại hội 12 nên lần này, BCH TƯ đã ban hành một số quy định chặt chẽ hơn như Quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Song song đó, còn có Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH TƯ. Hay như Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo sau quy định là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”. Kết luận số 55 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”, yêu cầu không đưa vào cấp ủy khóa mới những người có biểu hiện “thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, dĩ hòa vi quý”. Trước đó, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ mới những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Nói tóm lại, những quy định được đưa ra không nằm ngoài mục đích tôn chỉ là nâng cao khả năng thẩm tra, đánh giá cán bộ kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn, tránh để tình trạng vận động, lôi kéo, bằng động tác này, động tác khác để chạy chọt vào BCH TƯ, thậm chí Bộ Chính trị. Nói cách khác là không để những “con lươn, con chạch” lươn lẹo trèo cao như Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo.
Không ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dùng hình ảnh những “con lươn, con chạch” để nói đến các cán bộ xu nịnh, chạy chọt, quan liêu, tham vọng quyền lực. Vì nói đến “con lươn, con chạch”, người ta hay liên tưởng đến những kẻ ra luồn vào cúi, sống lươn lẹo, uốn éo, thoắt ẩn thoắt hiện, khó nắm bắt như loài lươn, loài chạch. Một trong những biểu hiện tinh vi nhất của những cán bộ, lãnh đạo tha hóa về mặt tư tưởng chính trị là thái độ “sống giả” như những “con lươn, con chạch” để tạo ra uy tín giả rồi vụ lợi. Những con người ấy thường là kiểu người xu nịnh, “gọi dạ bảo vâng”, “gió chiều nào che chiều ấy”, là loại “diễn viên siêu hạng” khi bề ngoài thì cười cười nói nói tưởng chừng như yêu nước thương dân nhưng bên trong lại chèo kéo nhau tham nhũng, vì lợi ích cá nhân.
Ông bà ta có câu “lộng giả thành chân”, nó vừa có nghĩa “bỡn quá hóa thật”, vừa mang hàm ý những cái giả để lâu ngày nếu không được vạch mặt chỉ tên để uốn nắn, chấn chỉnh và loại trừ khỏi cuộc sống thì sẽ đến lúc người ta tin đó là sự thật. Nếu bộ máy nhà nước cứ để cho tình trạng “sống giả” nhởn nhơ thì ắt sẽ làm thui chột những cán bộ, đảng viên có mục tiêu phấn đấu lành mạnh. Ai đảm bảo không có chuyện “gần mực thì đen”? Càng sớm nhận diện, phát hiện, sàng lọc chặt chẽ ngay từ đầu thì phần trăm chặn đứng cửa lọt của những “con lươn, con chạch”, “sống giả” chui vào vị trí lãnh đạo các cấp càng cao. Khi đó mới góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và tăng sức chiến đấu của bộ máy nhà nước được.
Như đã biết, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội là một nội dụng rất quan trọng trong công tác chuẩn bị đại hội 13 và gần như mang tính cốt lõi. Đại hội có thành công hay không, phụ thuộc một phần tất yếu vào công tác chuẩn bị, quy hoạch, sàng lọc nhân sự chặt chẽ, chu đáo, chính xác. Đất nước này trong tương lai phát triển ra sao cũng trông cậy vào đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nòng cốt của bộ máy Nhà nước. Yêu cầu “không để lươn chạch trèo cao” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe có vẻ hình tượng nhưng lại rất thực tế, gần gũi, phù hợp với yêu cầu đặt ra. Trong câu nói của người đứng đầu đất nước còn toát lên một thái độ cứng rắn, một tinh thần quyết tâm phải làm thật tốt công tác chuẩn bị nhân sự ngay trước thềm đại hội. Và hầu như bất kỳ người trưởng thành nào cũng hiểu và thấm nhuần tinh thần của câu nói đó. Thế nhưng, hằng ngày hằng giờ vẫn còn có một số trang mạng như “Dân Làm Báo” cố tình đánh tráo khái niệm, bẻ lái câu nói của Tổng Bí thư, đặt điều “tổ chức Đảng là một bầy động vật”, thậm chí còn công kích cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nếu để ý sẽ thấy “Dân Làm Báo” là một trang mạng rất “năng nổ” gán ghép, dựng chuyện liên quan đến tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền và những lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Xâu chuỗi các bài đăng gần đây đều thấy một màu xuyên tạc với ý đồ rất rõ ràng, đó là hạ uy tín của các cơ quan công quyền, dựng rào cản niềm tin của người dân vào đất nước, đặc biệt là gây cản trở tiến trình diễn ra Đại hội 13 của Đảng. Trong khi đó, những kẻ đứng sau trang mạng này không làm được trò trống gì có lợi cho dân cho nước, chỉ ngồi một chỗ “đánh trống khua chiên” làm rối thêm tình hình. Hành động đó không chỉ tiểu nhân mà chính ra cũng như những “con lươn, con chạch” xảo trá, sống giả.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận TƯ đã nhận định: “Với sự chuẩn bị bài bản, thế hệ kế cận hiện nay đủ sức đảm đương, gánh vác được những trọng trách mà thế hệ cha ông giao cho”. Đồng thời bày tỏ niềm tin, với sự chuẩn bị Đại hội kỹ lưỡng như trên sẽ hạn chế và ngăn chặn được những “con lươn, con chạy trèo cao”. Thế nên, những luận điệu xuyên tạc của “Dân Làm Báo” kể trên chỉ càng làm bộc lộ bản chất tự phụ, kém cỏi mà thôi.
Đặng Trường