Chụp ảnh “thiếu vải” ở địa điểm công cộng: Đẹp chưa thấy, lòng đã đau!
Đã từ lâu, “hội chứng” thích chụp ảnh “hở hang”, “thiếu vải”, “khoe thân”… ở các địa điểm công cộng nở rộ như một trào lưu khó lòng kiểm soát.
Người ta không khó để bắt gặp cảnh các “nữ tú” diện những bộ đồ thiếu vải, hoặc hở bán thân, hoặc hở toàn thân dạo khắp bãi biển, hồ sen, cốc động, danh lam thắng cảnh… chụp ảnh trong các mùa du lịch. Và càng không mấy ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời bỗng dưng trên cõi mạng lại xuất hiện một bộ ảnh “mặc như không mặc” của một cô gái hoặc vài ba cô gái.
Tuy nhiên, mới đây, nhiều người phải ngỡ ngàng, sửng sốt và bức xúc… khi một cô gái đăng tải công khải clip đang chụp ảnh khoe ngực trần phản cảm ngay trên một nóc nhà cổ nằm trong lòng phố cổ Hội An (Quảng Nam). Những hình ảnh này chẳng khác nào một hành động bôi bẩn và làm tổn thương vẻ đẹp vốn dĩ được xem là biểu tượng của sự cổ kính, thâm nghiêm và trầm mặc. Một vẻ đẹp hiếm nơi nào có được đã giúp phố cổ này trở thành di sản của toàn thế giới năm 1999. Vẻ đẹp đã giúp thu hút hàng chục triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm.
Phải nói rằng, việc chụp ảnh khỏa thân/bán thân để lưu lại tuổi thanh xuân là nhu cầu rất đỗi bình thường của mỗi người. Tuy nhiên, nó sẽ trở nên bất thường hoặc dị thường khi những bức ảnh đó lấy bối cảnh chính là những khu di sản, danh lam thắng cảnh hoặc địa điểm du lịch nổi tiếng. Những nơi mà tất thảy mọi người đang ra sức gìn giữ để quảng bá nét đẹp của Việt Nam ra toàn thế giới. Những nơi mà chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực gầy dựng để đẹp lên mỗi ngày hòng thu hút khách du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Thật đáng xấu hổ khi ngày nay có một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là giới trẻ lợi dụng chuyện chụp ảnh khoả thân/bán khỏa thân ở những danh lam thắng cảnh hoặc địa điểm công cộng rồi tung lên mạng như một chiêu trò để tìm kiếm sự nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi. Càng đáng buồn hơn khi những hành vi này đang ngày càng nhiều lên và mạnh bạo hơn nhưng lại chưa có bất kỳ một chế tài nào để xử phạt.
Mô tuýp quen thuộc là cứ mỗi khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh khoe thân phản cảm ở điểm công cộng, các cơ quan liên quan sẽ vào cuộc tìm hiểu. Tìm hiểu chán chê rồi sự việc lại đâu sẽ vào đấy bởi chưa có một chế tài cụ thể hoặc đủ mạnh để răn đe.
“Hình phạt” duy nhất nhắm đến những hành vi này vẫn chỉ dừng lại ở những phản ứng của cộng động mạng. Nhân vật chính nếu có chút liêm sỉ còn biết nói đôi ba lời xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm; người không liêm sỉ còn nhơn nhơn tự đắc và thậm chí không biết sợ là gì.
Theo thông tư 01/2016, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp bị cấm chụp hình cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý lưu hành trên mạng viễn thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ giới hạn đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chứ không bao quát hết.
Nghị định 72 về hoạt động nhiếp ảnh nhấn mạnh những ảnh được lưu hành phải đảm bảo “không vi phạm quy định nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự, không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật”. Tuy nhiên, Nghị định này cũng rất khó để áp dụng đối với các trường hợp cụ thể bởi quá chung chung.
Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, từng chia sẻ chưa có quy định chi tiết cấm chụp ảnh khỏa thân ở nơi công cộng hay danh lam thắng cảnh. Việc chụp ảnh khỏa thân phụ thuộc vào văn hóa, ý thức của người chụp và mẫu.
Trên thế giới, hành vi này từng bị xử phạt rất nặng. Điển hình, đầu năm 2015, ba thanh niên người Pháp đã bị tòa án Campuchia cáo buộc tội phơi bày thân thể tại đền Angkor Wat. Những thanh niên này sau đó được hoãn thi hành án nhưng đã phải nộp phạt, bị trục xuất và bị cấm không được đến Campuchia trong vòng 4 năm. Hồi đầu năm nay, một nam du khách 38 tuổi, người Ethiopia đã bị phạt 550 USD vì cởi quần áo, nhảy vào đài phun nước Trevi (Rome, Italy).
Đã đến lúc chúng ta cần phải gióng lên hồi chuông báo động về “hội chứng” thích chụp ảnh khoả thân phản cảm tại các địa điểm công cộng. Cần phải có các chế tài xử phạt thật nặng để ngăn chặn những hành vi này trước khi quá muộn.
Cộng đồng cũng không chỉ đơn thuần bày tỏ phản ứng trên mạng xã hội mà cùng chung tay chỉ rõ những sai phạm cho cơ quan chức năng để tuỳ mức độ mà xử lý. Chỉ có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ mới đủ sức ngăn chặn những hành vi cố tình làm tổn thương di sản, tác động tiêu cực đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Hà Tùng Long