8
category
332971

“Chuộng bằng cấp, chứng chỉ” – làm tội công chức, viên chức

Phạm Minh Hà 21/11/2019 15:52

Lâu nay, chúng ta vẫn lo ngại về con số 30 – 40% cán bộ không làm được việc. Trong số những con người này, chắc chắn nhiều người chỉ có bằng cấp mà không có năng lực, thậm chí sử dụng bằng cấp giả để hợp thức hóa hồ sơ và yên chí khi đã có một chỗ trong cơ quan nhà nước. Với tâm lý chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo, là tiêu chí quan trọng hàng đầu để tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đang là tình trạng cố hữu lâu nay trong nền công vụ.

Câu chuyện “trọng” bằng cấp và hàng loạt vấn đề nhức nhối

Trên thực tế, hầu hết các nhà tuyển dụng ở khu vực tư không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết còn tại khu vực công, người có bằng cấp cao lại được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm. Câu chuyện “trọng” bằng cấp đã phát sinh hàng loạt vấn đề nhức nhối cho xã hội.

Bằng cấp là điều kiện tiên quyết hàng đầu để bộ phận tổ chức cán bộ xét hồ sơ khi ra trường xin việc. Chính bằng cấp lấn át các tiêu chí khác, được xếp ở vị trí hàng đầu trong bộ hồ sơ, có tính quyết định hơn các điều kiện khác về năng lực, phẩm chất đạo đức. Từ những yêu cầu đó nên mới có chuyện cán bộ bỏ tiền ra mua bằng, sử dụng bằng giả hoặc mượn bằng của người khác, nói chung bằng nhiều cách để có được tấm bằng, đáp ứng điều kiện cần.

bangcap1
Bằng cấp giả các loại kèm phôi, con dấu, tem được rao bán công khai với mức giá không quá cao

Một giáo viên cấp 2 tại huyện Trà My, Quảng Nam cho biết, giống như các công chức, viên chức các ngành nghề khác, việc quy định giáo viên cũng phải có chứng chỉ ngoại ngữ nghe thì rất thuyết phục, nhưng thực tế lại chỉ mang tính hình thức. Thậm chí, bởi những quy định này, đôi khi còn làm nảy sinh những gian dối.
Hiện nay, để chuẩn hoá cán bộ, nhiều cán bộ, công chức đã phải tham gia rất nhiều các lớp học bổ sung để lấy đủ các chứng chỉ về Tin học, Ngoại ngữ, Chính trị, Quản lý hành chính… Nhiều người cho rằng việc các văn bằng chứng chỉ quy định đối với công chức hiện nay đang bộc lộ những bất cập thấy rõ.
Đó là tình trạng mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi… Mặt khác tình trạng loạn bằng cấp, chứng chỉ trong bổ nhiệm, xét tuyển còn hành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gây tốn kém, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, vì đa phần họ phải vừa học vừa làm.

Có cung ắt có cầu, thực chất việc quy định cứng về các bằng cấp chứng chỉ đang khiến nhiều người tìm cách chống chế bằng cách đi mua các chứng chỉ giả. Thị trường làm giả chứng chỉ, văn bằng đủ loại cũng sôi nổi, nhộn nhịp, công khai trên các trang mạng, thậm chí gửi tin nhắn về các thuê bao di động như rao bán bất động sản. Theo quảng cáo của một trang mạng, liên hệ qua điện thoại, phóng viên được gặp một người chuyên cung cấp chứng chỉ, văn bằng giả tên Trường ở Hà Nội. Người này nhanh chóng quảng cáo rằng mình đã từng nhận làm hàng loạt các chứng chỉ tiếng Anh, tin học cho nhiều công chức, viên chức từ nhân viên bình thường đến cả bậc lãnh đạo….

Từ thực tế trên, chúng ta có thể thấy việc có nhiều chứng chỉ, văn bằng không đồng nghĩa với việc công chức, viên chức làm việc có hiệu quả hay không. Nhất là khi chưa thể kiểm soát tốt việc văn bằng chứng chỉ giả, thì những quy định bắt buộc về các loại bằng cấp còn dễ nảy sinh tiêu cực.

“Chuộng bằng cấp, chứng chỉ” – làm tội công chức, viên chức

Việc xét tuyển hoặc thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức, quy định hiện hành đã đưa ra những văn bằng chứng chỉ rất cụ thể và cần thiết. Bên cơ quan Đảng, theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, bên Nhà nước theo quy định của Bộ Nội vụ. Với ba loại bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là rất cần thiết để chuẩn hóa công tác cán bộ, công chức, viên chức. Tuy vậy, để lên lương, thăng chức, thậm chí để cho đẹp hồ sơ thì nhiều cán bộ công chức cần phải chạy đua để có thêm nhiều bằng cấp, chứng chỉ khác. Nếu học chỉ để đi thi, để lấy bằng được coi là căn bệnh của ngành giáo dục, nguyên nhân là do tâm lý chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo đánh giá sự thành công, cất nhắc, bố trí công việc và đề bạt bổ nhiệm. Chính tâm lý này đã tạo thành gánh nặng cho người học, phải học để đạt được bằng cấp mà không chú trọng đến phát triển năng lực, sở thích hoặc việc học đó có ích như thế nào đối với công việc mà họ đang làm.

Công an tỉnh Gia Lai phá đường dây làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Theo TS Lê Viết Khuyến Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết công tác quản lý nhà nước cần siết chặt hơn nữa: “Các cơ quan tuyển dụng chỉ nên coi các chứng chỉ là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ phải qua phỏng vấn. Nhưng nội dung phỏng vấn cũng nên đi vào trọng tâm không phải cái gì cũng phỏng vấn hết. Ví dụ như người làm công nghệ thông tin lại bắt trả lời phỏng vấn về tư tưởng Mác Lê nin, hay các thủ tục hành chính thì không ứng viên nào qua nổi. Các bên cũng cần ngồi lại với nhau để rà soát, bớt đi các chứng chỉ, tránh áp lực, tiêu cực không đáng có”.

bangcap2

Mới đây, trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính thức thừa nhận việc tuyển, nâng ngạch cán bộ viên chức cần quá nhiều chứng chỉ là không phù hợp, là do quy định đã tồn tại cách đây hơn 20 năm mà chưa kịp sửa. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ bắt tay sửa ngay quy định này để không phát sinh thêm thủ tục phiền hà gì nữa. Chất lượng công chức, viên chức sẽ được kiểm tra trực tiếp, không phải mang đến rất nhiều chứng chỉ mà trình độ lại không được nâng cao.
Ở xã hội phát triển, người dân đi học để lấy kiến thức, để sống và làm việc tốt hơn chứ không phải thuần túy học để lấy bằng cấp. Tình trạng học chỉ để đi thi, để lấy bằng như hiện nay đang bóp méo mục tiêu học tập của học sinh và cả những người đã đi làm, dẫn đến hệ thống giáo dục ngày càng trục trặc vì bệnh bằng cấp, thi cử càng nặng nề.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi xã hội coi trọng năng lực thực chất của mỗi cá nhân, tuyển dụng công bằng, đánh giá khách quan thì khi ấy, mỗi người sẽ dễ dàng xác định được mục tiêu học tập của mình. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vậy nên các chuyên gia cho rằng, để thu hút được người tài tham gia vào bộ máy, tham gia vào đội ngũ công chức, viên chức thì phải giảm tối đa các loại văn bằng, chứng chỉ không cần thiết.

Tags :
Đọc nhiều