130115
topics
535735

Chúng ta cần tìm “con rắn và cái thang” để dập dịch ở TP.HCM

Đặng Trường 25/07/2021 13:30

Nói về bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, một số chuyên gia về quản lý y tế và chính sách y tế ở Anh đã hình tượng hóa với trò chơi “con rắn và cái thang”. Trên đường đi đến đích nếu người chơi gặp phải ô có cái thang thì sẽ về đích nhanh hơn, ngược lại, nếu gặp phải ô có con rắn thì sẽ phải lùi lại và về đích sẽ bị chậm lại. Để tăng khả năng thành công trong cuộc chiến với giặc Covid-19 thì TP.HCM cũng đang thực hiện một số biện pháp quyết liệt nhằm nhận dạng ra những con rắn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch và tìm được những cái thang để rút ngắn thời gian ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên quyết tâm tăng cường các biện pháp siết chặt hơn nữa dựa trên Chỉ thị 16.

Sau nhiều ngày nỗ lực thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nhưng tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Số ca nhiễm trung bình mỗi ngày ở mức rất cao (khoảng 2.780 ca), nhất là trong khu phong tỏa, cách ly. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư y tế lẫn thiết bị phục vụ phòng, chống dịch quá tải,… Đứng trước thực trạng đó, TP.HCM đã quyết định tìm cho bằng được “con rắn” và “cái thang” để dập dịch.

Ở đây, chúng ta có thể hiểu “con rắn” là những khu vực có nguy cơ lây nhiễm rất cao, các hộ gia đình/cá nhân sống trong khu phong tỏa, cách ly, những tổ chức/cá nhân không tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19. Nói chính xác hơn đó là thái độ của một bộ phận dân cư – những người thiếu ý thức chống dịch. Còn “cái thang” chính là Chỉ thị 12 vừa mới được TP.HCM ban hành với hàng loạt các biện pháp tăng cường siết chặt hơn nữa, dựa trên Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch bệnh. Theo đó, người dân ở khu vực có nguy cơ rất cao sẽ không được ra khỏi nhà, những hộ gia đình/cá nhân sống ở khu phong tỏa chỉ được ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu 2 lần/tuần và dùng phiếu đi chợ, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”. Ngoài ra, chợ truyền thống kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động lại nhưng giảm quy mô khoảng 30%. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan nhà nước cũng hoạt động theo ngày chẵn lẻ để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại một khu phong tỏa ở quận 3.

Dẫu biết sẽ có vô vàn thứ bất tiện, sẽ có những cảm giác khó chịu, bức bối bởi đời sống của người dân bị ảnh hưởng, thu nhập có thể giảm nhưng đã đến giờ phút này rồi thì cả TP.HCM buộc phải nỗ lực, đoàn kết tìm ra “con rắn” và “cái thang” phòng chống dịch. Tiền chưa có hay mất còn có thể kiếm lại được nhưng sức khỏe là thứ quý giá nhất, mạng sống cũng chỉ có một, mất rồi thì không lấy lại được.  Để chúng ta không trở thành những “con rắn” thì trong thời gian tới, ai ở đâu hãy ở yên chỗ đó, cần sự hỗ trợ khẩn cấp có thể liên hệ ngay về đường dây nóng chống dịch của thành phố. Đừng vì một cây xúc xích, vài bó rau hay một ổ bánh mì mà tự biến thành “con rắn” như một số người trong thời gian qua. Hơn bao giờ, mỗi người cần ý thức việc tự bảo vệ mình để bảo vệ cộng đồng và góp phần giảm tải áp lực cho ngành Y tế và đất nước mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định “Nếu để phát sinh ổ dịch mới thì 1 tuần giãn cách không có ý nghĩa gì”. 7 ngày tới có ý nghĩa quyết định với kết quả phòng, chống dịch của thành phố. Vì vậy, xin nhắc lại, chỉ có sự đoàn kết, chung sức bền lòng của người dân mới giải quyết tốt bài toán “con rắn và cái thang”, tiến tới đẩy lùi được dịch bệnh. Thực tế chống dịch khốc liệt với rất nhiều “con rắn” nguy hiểm là điều ai cũng thấy được nhưng đừng quá lo lắng bởi các lực lượng tuyến đầu cùng chính quyền thành phố đã và đang quyết tâm không bỏ lại ai phía sau cả. Chúng ta vẫn có thể lạc quan và hy vọng, không phải vì dịch không nguy hiểm mà vì tinh thần, ý chí chống dịch kiên cường và những gì toàn thành phố đã làm được trong suốt thời qua.

Các y bác sỹ cặm cụi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Từ việc TP.HCM đã huy động 14.129 nhân lực ngành y tế, 41.122 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội… để tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Nếu người dân bị cách ly, phong tỏa thì họ sẽ tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà và theo dõi sức khỏe mỗi ngày. Có 2.228 đội y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm và đã thực hiện 1.619.292 mẫu; Mỗi ngày thành phố cung ứng trung bình gần 5.000 tấn hàng hóa; 100% lao động tự do được hỗ trợ; gần 1 triều người dân tại TP.HCM được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đó là hàng loạt con số chứng minh cho sự cố gắng, bản lĩnh chống dịch của TP.HCM và cũng là những “cái thang” tốt mà thành phố đã đưa ra cho người dân.

Một bác cao tuổi vui mừng vì được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Đã qua mấy lần dịch bệnh căng thẳng, phải giãn cách xã hội cả thành phố nhưng bản lĩnh và tinh thần chiến đấu với dịch bệnh vẫn không hề bị suy giảm. Nó như ngọn lửa vẫn đang rạo rực đốt cháy Covid-19. Mong thay mỗi người trong chúng ta sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa ấy để chiến thắng giặc Covid-19 và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đặng Trường

Đọc nhiều