Chúng ta cần làm gì với F0?
Một cô gái 29 tuổi nhập viện, cô là F0 đã bị tím tái vì thiếu oxy. Người chồng muốn vào chăm sóc vợ nhưng gia đình can ngăn vì cả hai còn hai đứa con nhỏ. Bác sĩ trấn an, hãy để người chồng vào. Sau đó, người chồng cũng là F0 nhưng cả hai đã âm tính, khỏe mạnh và xuất viện.
Đại diện một bệnh viện chia sẻ rằng, nếu để F0 một mình vật lộn với Covid-19 thì khả năng tử vong là vô cùng cao. Bởi vì, tại bệnh viện, bác sĩ đang quá tải với công việc nên chỉ giúp F0 uống thuốc, truyền dịch, hỗ trợ oxy,…
Trong khi đó, F0 bị cơn sốt quái ác hành hạ nên rất cần có người lau mát để hạ sốt kịp thời. Lúc này, các nhóm cơ của F0 cũng vô cùng mệt mỏi khiến chân tay, mồm miệng không muốn cử động, đây là lúc F0 cần người hỗ trợ cử động chân tay giúp máu huyết lưu thông tránh việc đông máu.
F0 cũng cần người đút cháo, chất dinh dưỡng để cơ thể có sức chống chọi với bệnh tật, dù lúc này cơ miệng của F0 chẳng muốn cử động, lại mất vị giác, họ không muốn ăn bất cứ thứ gì. F0 cũng cần có người dìu đi nhà vệ sinh khi sức lực suy kiệt, mà tất cả những việc này, bác sĩ khó có thể làm giúp. Chính vì vậy, F0 rất cần một người chăm sóc, đặc biệt là những ngày “đánh vật” với virus, thường là 2-3 ngày bị hành dữ dội. Nếu qua đi, F0 sẽ ổn dần và âm tính trở lại.
Chung quy lại, tuyệt đối không nên để F0 một mình khi điều trị ở nhà hay bệnh viện, bởi việc này sẽ khiến F0 rất dễ tử vong. Họ cần lau mát, cử động tay chân, hỗ trợ ăn uống, vệ sinh. Nếu không làm kịp thời những việc này, họ sẽ chết, đặc biệt là người lớn tuổi. F0 được người thân chăm sóc tốt, họ hoàn toàn có cơ hội sống sót.
Một số người cũng đặt câu hỏi là “Nếu người nhà vào chăm sóc F0 thì khả năng trở thành F0 tiếp theo là rất cao?”. Vâng, đó là điều khó tránh khỏi nhưng sẽ giúp tỷ lệ tử vong được kéo giảm rất nhiều, kiểu như “đi 1 thì về 0, mà đi 2 thì về 2”.
Thực tế tại một số bệnh viện ở TPHCM, người chăm sóc F0 cũng trở thành F0 nhưng “không có triệu chứng” và sau đó cả hai người đều âm tính trở về nhà an toàn. Lựa chọn là ở mọi người, để người thân mạnh khỏe trở về thì việc hy sinh một chút cũng là điều nên sẵn sàng.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản khẩn về việc vận động F0 hết bệnh tham gia chống dịch Covid-19. Họ có thể dành thời gian giúp sức các lực lượng phòng chống dịch, các lực lượng hỗ trợ tại địa phương, có chế độ cụ thể. Bởi lúc đó họ đã nằm trong số những người “an toàn” nhất trước đại dịch. Các nghiên cứu cho thấy kháng thể trong người các F0 đã khỏi bệnh rất mạnh, mạnh hơn người tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nhiều.
Đại Việt
* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả