Chứng lý không thể chối cãi về chủ quyền biển của Việt Nam

Bích Vân 16/07/2023 10:19

Thời gian gần đây, Trung Quốc tìm rất nhiều cách để khẳng định chủ quyền Biển Đông một cách sai lệch đến thế giới, đặc biệt qua phim ảnh, truyền thông, xuyên tạc Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS 82). Trong bối cảnh đó, việc làm rõ vấn đề Biển Đông dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 82, là vấn đề cấp bách.

Bản đồ có hình lưỡi bò trên trang web hỗ trợ khách hàng của ngành hàng thiết bị tiêu dùng Huawei Việt Nam
Bản đồ VN do người phương Tây vẽ năm 1749. Hoàng Sa và Trường Sa mang tên chung là Paracel thuộc Đàng Trong

Hội nghị Luật Biển lần thứ III của LHQ (1967-1982) đã thông qua UNCLOS 82 với 320 điều khoản và 9 phụ lục. Công ước xác lập rõ ràng quy chế pháp lý của các vùng biển khác nhau thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khi tiến hành các hoạt động liên quan đến biển và thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến thực hiện Công ước và giải quyết tranh chấp biển như Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và Ủy ban Thềm lục địa. Đến nay, đã có 161 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia Công ước này, trong đó có 7 quốc gia ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xinhgapo, Brunây.

Áp dụng UNCLOS 82 vào điều kiện cụ thể của biển Đông, mỗi quốc gia ven biển Đông có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Chiều rộng của hai vùng biển này đều được đo từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Trường hợp thềm lục địa thực tế lớn hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển Đông có thể mở rộng thềm lục địa đến 350 hải lý với điều kiện tuân thủ các quy định và thủ tục trong Công ước. Mỗi quốc gia ven biển Đông có toàn quyền thăm dò, khai thác các tài nguyên trong vùng biển của mình, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, để phục vụ đời sống nhân dân và phát triển đất nước; có toàn quyền quyết định cho phép hay không cho phép các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong các vùng biển của mình; có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền đó của các quốc gia láng giềng ven biển Đông. Đồng thời, có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia khác được tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quốc gia ven biển.

Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam

Cũng xuất phát từ UNCLOS 82 thì sự kiện Trung Quốc ký hợp đồng với Công ty Creston năm 1992 ở bãi Tư Chính của Việt Nam và chính thức đưa yêu sách “Đường lưỡi bò” ra LHQ vào tháng 5/2009 cần được nhìn nhận thế nào? Khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam và đã được Việt Nam phân lô thăm dò dầu khí. Việc Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc vào năm 1992 ký với Công ty Creston của Mỹ hợp đồng thăm dò dầu khí tại khu vực bãi Tư Chính trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam (mà họ đặt tên là Vạn An Bắc) là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo UNCLOS 82.

Còn về yêu sách “Đường lưỡi bò” hay “Đường 9 đoạn”, thì các học giả Trung Quốc đều biết rõ là tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội (2009) và Tp. Hồ Chí Minh (2010) cũng như các Hội thảo quốc tế khác, các học giả quốc tế đã nêu rõ yêu sách “Đường lưỡi bò” là không có cơ sở. Trung Quốc cần giải thích rõ bản chất pháp lý của các vùng biển trong “Đường lưỡi bò” nhưng đến nay, cả chính giới lẫn học giả Trung Quốc đều không thể đưa ra các câu trả lời thỏa đáng.

Dùng các quy định của UNCLOS 82 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia để đối chiếu thì ai cũng thấy rằng, yêu sách này hoàn toàn trái với các quy định của Công ước. Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách “Đường lưỡi bò”. Việt Nam đã gửi công hàm đến Tổng Thư ký LHQ bác bỏ yêu sách này.

Yêu sách phi lí của Trung Quốc khiến thế giới vô cùng bất bình

Việc Trung Quốc tiến hành các việc làm gần đây trên thực địa, như vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngày 26/5 và vụ phá cáp của tàu Viking II cũng của Việt Nam đang thăm dò địa chấn trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa của Việt Nam ngày 9/6 vừa qua, đang được dư luận chỉ ra rằng: Bắc Kinh đang áp dụng binh pháp biến cái không thể thành có thể, biến các khu vực không tranh chấp thành các khu vực tranh chấp để đòi hỏi được chia phần tài nguyên trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước láng giềng thông qua cái gọi là “gác tranh chấp cùng khai thác”. Không chỉ các quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông mà dư luận nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ ý kiến bất bình trước yêu sách này.

Ở Biển Đông có hai loại tranh chấp, gồm tranh chấp về các vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do chiều rộng của một số khu vực ở Biển Đông (như vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan) hẹp hơn 400 hải lý, nên một phần vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia láng giềng chồng lấn lên nhau.

Liên quan Việt Nam, ở phía Bắc chúng ta có vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ và khu vực nhỏ phía ngoài cửa Vịnh, còn ở phía Nam có vùng chồng lấn với Campuchia, Thái Lan, Malaixia trong vịnh Thái Lan và vùng chồng lấn với Inđônêxia ở Nam Biển Đông. Các nước ven Biển Đông khác cũng có một số vùng chồng lấn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với nhau, như giữa Malaixia và Thái Lan, giữa Thái Lan và Campuchia, giữa Inđônêxia và Malaixia. Các khu vực chồng lấn này đã và đang từng bước được Việt Nam và các nước hữu quan giải quyết thỏa đáng theo các quy định của UNCLOS 82.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gồm nhiều đảo đá san hô nhỏ giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa liên quan Việt Nam và Trung Quốc, còn tranh chấp về chủ quyền với quần đảo Trường Sa liên quan 5 nước, 6 bên là Việt Nam, Trung Quốc, Philíppin, Malaixia, Brunây (Brunây không yêu sách về chủ quyền các đảo) và Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.

Trường Sa, Hoàng Sa hoàn toàn được luật pháp quốc tế công nhận thuộc chủ quyền Việt Nam

Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sự thực là Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền hai quần đảo này từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào.

Các bằng chứng mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú. Bao gồm, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi; nhiều sách cổ của Việt Nam khẳng định việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác quần đảo này; nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để tiến hành khai thác hai quần đảo.

Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để bảo đảm an ninh, ngăn chặn buôn lậu. Đến những năm 50 của thế kỷ 20, lợi dụng việc Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), Trung Quốc đã chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền Việt Nam cộng hòa kịch liệt phản đối. Đối với nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam cộng hòa tiếp tục quản lý cho đến năm 1974. Năm 1974, Trung Quốc dùng không quân, hải quân chiếm phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phản đối. Năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Nhà nước Việt Nam tiếp quản các đảo ở Trường Sa, lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa. Một sự thật hiển nhiên là cho đến trước năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bích Vân

Đọc nhiều