Chứng kiến cái chết của cụ ông, người phụ nữ hiến máu 96 lần
“Ba bát cơm đổi được giọt máu, người ta mất tiền mới mua được máu, mình có lại cho đi”, mẹ chị Trần Thị Mai nói với con gái. Thế nhưng, vượt qua sự phản đối của chính mẹ ruột, vượt qua những khó khăn khi một mình nuôi con xa chồng, đến nay, chị Mai đã 96 lần hiến máu, trong đó có một lần chị hiến máu cứu mẹ ruột mình.
Bà Trần Thị Mai (sinh năm 1966, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) là một trong những gương mặt nổi bật được vinh danh tại lễ biểu dương người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay.
54 tuổi, bà Mai đã tham gia hiến máu tới 95 lần. Bà cho biết, hoạt động này giờ đây trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. “Tới nỗi đủ điều kiện mà không được đi hiến máu, tôi thấy bứt rứt, khó chịu lắm”, bà Mai mỉm cười, nói.
Bà Mai bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên vào năm 2000. Ngày ấy, một lần lên chăm cha ốm tại bệnh viện, bà biết chuyện về một cụ già mắc bệnh hiểm nghèo điều trị cùng phòng với cha mình.
Cụ rất cần máu để truyền, tuy nhiên thời điểm đó ở bệnh viện không có ngân hàng máu sống, nguồn máu vô cùng khan hiếm. Gia đình cụ lại nghèo khổ, không có tiền để mua máu truyền. Cứ thế, cụ rệu rã dần rồi không qua khỏi.
Sự ra đi của cụ khiến bà Mai rất đau lòng, liên tiếp những đêm trăn trở tới không ngủ. Bà nghĩ, tại sao bản thân không thể làm gì đó giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như họ?
Nỗi đau đáu vì sự thiếu máu của người bệnh
Trong cuộc đời công tác ở Hội chữ thập đỏ huyện Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, chị Trần Thị Mai chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn. Bởi thế, chị đã bén duyên với công việc vận động hiến máu ngay sau những ngày chăm bố tại bệnh viện, khi chứng kiến sự ra đi của một cụ ông nằm giường bên cạnh vì không có máu truyền.
“Mình có sức khỏe sao không làm gì giúp người có bệnh có hoàn cảnh khó khăn”, chị Mai mang theo suy nghĩ đó về huyện Cam Nghĩa và quyết định hiến máu lần đầu tiên năm 34 tuổi. Khi ấy, chị vừa sinh con, chồng đi công tác xa nhà, mẹ ruột phản đối kịch liệt. “Mẹ tôi giận cả tháng không nói chuyện. Bà cũng tuyên bố sức khỏe tôi yếu, vừa sinh con lại chồng đi bộ đội, nếu sức khỏe có vấn đề gì thì sang nhờ nhà nội chăm sóc”, chị Mai kể.
Thế nhưng, với một tâm sự, hiến máu là cho đi và chia sẻ, đồng cảm với người bệnh, tại sao mẹ lại giận mình, chị vẫn đều đặn đi hiến máu bốn lần/năm. Vào một năm, mẹ chị bị gẫy xương đùi, nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ bảo cần máu truyền. “Lúc ấy, tôi vừa hiến máu được 10 ngày nhưng phải giấu bác sĩ, giấu mẹ mình để hiến máu, kịp thời có máu truyền cho mẹ”. Và lúc ấy, mẹ con mới thật sự hóa giải được những nỗi giận hờn trong lòng.
Ngoài hiến máu đều đặn, chị Mai cũng tham gia vào hiến tiểu cầu, hiến máu khẩn cấp. Với tinh thần sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào, không có tiền, chỉ có máu, chị và các anh em trong Hội Chữ thập đỏ đã có lần vượt đêm từ Nha Trang vào TP Hồ Chí Minh để hiến bốn đơn vị máu cứu sống một bệnh nhi mổ tim. Nhờ đơn vị máu của bốn anh em trong hội mà ca mổ tim đã thành công và đến giờ em có gia đình và hai cháu nhỏ hạnh phúc. “Công chúng tôi không lớn nhưng cũng góp một phần vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, chị Mai tự hào nói.
Người phụ nữ này cũng quả quyết nói, không chỉ dừng lại ở 96 lần, chị sẽ tiếp tục hiến máu đến khi không thể hiến được nữa, để xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo. Chị đã vinh dự được tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 2 (2005); dự Đại hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2012); 100 gương mặt hiến máu tiêu biểu (2014)…
Cùng tham gia Hành trình Đỏ năm 2020 và được tôn vinh trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm miền Bắc) cho biết, ngay từ những ngày đầu khi còn học tại Học viện Y học cổ truyền, Hạnh và các bạn đã tích cực tham gia hiến máu. Lúc đó, Hạnh đã biết mình mang nhóm máu hiếm.
Đang công tác tại khoa Phục hồi chức năng, Hạnh không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu mà còn nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để có những giọt máu hiếm cứu sống người bệnh từ ca ghép gan tối cấp, cho tới những ca bị xuất huyết tiêu hóa mà không có máu truyền kịp thời.
Là Phó chủ tịch hội nhóm máu hiếm miền bắc, chị Hạnh cho biết 400 tình nguyện viên rất nhiệt tình tham gia vào các cuộc hiến máu sống để cứu người. “Chúng tôi luôn cố gắng giữ sức khỏe để sẵn sàng giúp đỡ ai đó khi có thể. Lúc nửa đêm có cuộc gọi có thể đi được sẽ đi”, Hạnh tâm tự.
Là người cao tuổi nhất trong số 100 người hiến máu được tôn vinh lần này, ông Trần Văn Quân (Kiên Giang) đã có 70 lần hiến máu tâm sự: “Khi thấy bệnh nhân đang cần máu và đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết mình nên làm gì trong lúc đó, chính vì vậy tôi quyết định đi hiến máu thường xuyên. Tôi cũng nhận thức được máu không thể nào sản xuất ra được, chỉ có cho và hiến tặng từ chính mỗi người khỏe mạnh nên khi có người cần, tôi sẵn sàng hỗ trợ bất kể lúc nào”.
Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu
Từ ngày 9-6 đến 11-6, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức chuỗi hoạt động Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV, hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu 14-6.
Tại Việt Nam, năm 2019, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2%, tỷ lệ đơn vị máu thể tích từ 350ml trở lên đạt trên 44%.
Đóng góp vào kết quả chung đó của phong trào HMTN là 100 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh năm nay đến từ 63 tỉnh/thành phố và các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều người đã hiến máu từ 60, 70 lần trở lên như: bà Trần Thị Mai (Khánh Hòa, hiến máu 95 lần), ông Trần Nam Quân (Kiên Giang, hiến máu 70 lần), ông Trần Văn Can (Tây Ninh, hiến máu 62 lần), ông Trần Quốc Chánh (An Giang, hiến máu 60 lần); Các đại biểu đều đến từ TP Hồ Chí Minh như: ông Đặng Thanh Phương (hiến máu 71 lần), ông Nguyễn Bá Học (hiến máu 70 lần), ông Nguyễn Văn Tú (hiến máu 64 lần), ông Nguyễn Minh Hải (hiến máu 61 lần)…
Ban tổ chức cũng biểu dương, tôn vinh đại diện những người hiến máu nhóm máu hiếm gồm: bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người có nhóm máu hiếm miền Bắc, hiến nhóm máu hiếm B Rh(D) âm 19 lần; Lưu Ngọc Dung – TP. Hồ Chí Minh, hiến nhóm máu hiếm AB Rh(D) âm 39 lần.
100 người tiêu biểu này đã hiến 2.800 đơn vị máu trong nhiều năm qua, trong đó có trường hợp cao tuổi nhất là ông Trần Nam Quân (62 tuổi, ở Kiên Giang) và người ít tuổi nhất là Nguyễn Văn Huyến (22 tuổi, ở Hà Nội).
Bên cạnh các hoạt động tôn vinh, dịp kỷ niệm ngày Quốc tế người hiến máu cũng là cao điểm diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch Những giọt máu hồng – hè 2020. Trong đó, chương trình Hành trình Đỏ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra từ ngày 6-6 đến ngày 8-8, dự kiến tiếp nhận 80 nghìn đơn vị máu. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, 42 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hành trình đầy ý nghĩa này.
Tại lễ tôn vinh sáng 9-6, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống toàn thế giới nói chung và dịch vụ truyền máu nói riêng. Khi dịch còn diễn biến phức tạp thì máu tiếp nhận vẫn không thể đủ cho điều trị; ngay tại thời điểm hiện tại, nhiều nước phát triển vẫn đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm máu. “Chỉ có nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên mới có thể giúp dịch vụ truyền máu các nước vượt qua được những nguy cơ, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh. Và ở Việt Nam, thành công của Hành trình Đỏ những năm gần đây đã minh chứng cho một giải pháp hữu hiệu để duy trì nguồn người hiến máu an toàn, ổn định và hướng đến sự bền vững của phong trào hiến máu tình nguyện”, BS Khánh nói.
Chương trình tôn vinh 100 gương mặt hiến máu tiêu biểu toàn quốc sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa: Gala “Về miền đất Tổ” (tối 9-6), dâng hương các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử đền Hùng (sáng 10-6), lễ báo công dâng Bác và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (sáng 11-6), gặp mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lễ tôn vinh (chiều 11-6).
PV