432
category
324032

Chửi bới tung tóe trên mạng, cứng họng lúc ra tòa

08/09/2019 07:57

Pháp luật quy định hành vi chửi bới, xúc phạm người khác sẽ bị xử lý bằng các chế tài kèm theo. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn phớt lờ quy định này mà ngang nhiên xúc phạm người khác từ trên mạng cho đến ngoài đời thực.

gapdoithutretrauchuiboidaylanhungviecgamethuvietcanlamngay

Thời gian qua, những vụ tố cáo hay khởi kiện vì bị chửi trên mạng xã hội đã không còn là chuyện cá biệt. Có khi vì một dòng trạng thái tưởng vô thưởng vô phạt trên Facebook cũng dẫn đến một vụ kiện mà cả nguyên đơn và bị đơn đều mệt mỏi.

Phải bồi thường vì… viết Facebook

TAND tỉnh Tây Ninh vừa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm hại. Nguyên đơn là ông Y. (40 tuổi) và bị đơn là bà Q. (37 tuổi, cùng ngụ huyện Tân Châu).

Theo đó, ngày 22-6-2018, bà Q. đã đăng hình ảnh ông Y. trên Facebook kèm nội dung: “Nói cho cả nhà nghe nè! Cái loại thằng này nó có học thức, mẹ nó tần tảo nuôi nó ăn học thành tài, giờ mẹ nó mắc nợ, nó kêu mẹ nó chết đi lấy tiền đi đám ma mà trả nợ”.

Sau đó, bà Q. tiếp tục đăng hình ảnh ông Y. và clip mẹ ông Y. đang nói chuyện điện thoại kèm nội dung: “Mẹ nuôi cho ăn học, nay lên phó phòng chửi mẹ, không có học thức…”.

Khi biết vụ việc, ông Y. đã yêu cầu bà Q. xóa bài nhưng bà không thực hiện. Do đó, ông đã yêu cầu quản trị của Facebook gỡ thông tin.

Cho rằng việc làm của bà Q. gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình, ông Y. đã khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, uy tín cá nhân bị xâm hại với số tiền là 13 triệu đồng. Ông Y. cũng yêu cầu tòa buộc bị đơn phải xin lỗi công khai trên trang cá nhân và địa phương.

Không đồng tình với ý kiến của nguyên đơn, bà Q. cho rằng giữa bà và ông Y. có mối quan hệ anh em họ hàng. Do có mâu thuẫn trong việc chơi hụi với mẹ ông Y. nên ông này đã có những lời xúc phạm bà như “không có học thức, xấu xa bần cùng của xã hội…”.

Cho rằng mình mới sinh em bé được 4 tháng mà bị xúc phạm tinh thần dẫn đến bị mất sữa, bà Q. đã yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường cho mình tổn thất tinh thần số tiền 27 triệu đồng.

Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Tân Châu đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Y., tuyên buộc bà Q. phải bồi thường số tiền 13 triệu đồng. Đồng thời bà Q. phải xin lỗi công khai mẹ con ông Y. tại nơi cư trú.

Tòa không chấp nhận yêu cầu của ông Y. buộc bà Q. phải xin lỗi công khai trên Facebook và cũng không chấp nhận yêu cầu của bà Q. về việc buộc ông Y. bồi thường.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bà Q. có kháng cáo với lý do Facebook là trang cá nhân của bà, những gì bà viết là đúng sự thật. Người đọc không có ai là khách hàng, đồng nghiệp của ông Y. nên ông không có tổn thất tinh thần.

Tuy nhiên, tòa cho rằng bà Q. đã có hành vi nói xấu, nói sai sự thật, đăng lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết. Hành vi đăng tải thông tin xấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng của bà Q. đã vi phạm điều 34 Bộ luật dân sự. Do đó, TAND tỉnh Tây Ninh quyết định y án sơ thẩm.

Chửi bới tung tóe trên mạng, cứng họng lúc ra tòa - Ảnh 1.

Bị phạt hành chính, lại tiếp tục kiện ra tòa

Trên thực tế, việc có lời lẽ xúc phạm người khác ở ngoài đời thực cũng có thể bị xử lý. TAND tỉnh Đồng Tháp vừa xét xử một vụ kiện hàng xóm vì… bị chửi.

Nguyên đơn, bà B.T.K. (66 tuổi, ngụ huyện Tháp Mười) trình bày: Ngày 1-12-2016, tổ hòa giải ấp có mời bà và ông X. đến làm việc. Khi hòa giải xong, ông X. nói: “Bà là quân ăn cướp, tôi quá sợ bà rồi…”.

Bà K. trả lời lại: “Tao không phải là quân ăn cướp, mày mới là ăn cướp”. Sau khi nghe vậy, vợ ông X. đã nhào vô đánh bà K. hai cái khiến bà bị chảy máu và ngã xuống đất. Ông X. tiếp tục có lời lẽ xúc phạm và đánh bà trước sự chứng kiến của ban hòa giải ấp.

Đến ngày 21-12-2016, ông X. gặp bà K., lại tiếp tục chửi bà. Cho rằng ông X. có lời lẽ xúc phạm gây tổn thất tinh thần, bà K. đã khởi kiện ra tòa yêu cầu ông bồi thường 13.900.000 đồng.

“Tui và bà K. có lời qua tiếng lại nhưng tui khẳng định không dùng lời lẽ thô tục chửi bà K., tui không đồng ý bồi thường” – ông X. nói ở tòa. Khi xét xử sơ thẩm, TAND huyện Tháp Mười đã tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà K. về việc buộc ông X. bồi thường thiệt hại. Bà K. tiếp tục kháng cáo.

Theo TAND tỉnh Đồng Tháp, mâu thuẫn giữa bà K. và bị đơn tại ban hòa giải như bà trình bày là không có thật. Vì thành viên tổ hòa giải xác nhận ngày hôm đó chỉ có mâu thuẫn giữa bà K. và vợ ông X..

Đối với vụ việc xảy ra ngày 21-12, ông X. có dùng lời lẽ thô tục chửi bà K., tuy nhiên bà K. cũng có cử chỉ, lời nói thô bạo. Sau đó, cả hai người đã bị công an xã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sai trái nêu trên.

Xét kháng cáo của bà K. cho rằng bà bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm và uy tín nên yêu cầu ông X. phải bồi thường, tòa án cho biết theo nguyên tắc về bồi thường thiệt hại thì bà K. phải chứng minh thiệt hại cụ thể mà bà phải gánh chịu như thu nhập thực tế bị mất, có bị hàng xóm láng giềng xa lánh không…

Tuy nhiên, bà K. không chứng minh được các vấn đề này. Bên cạnh đó, con trai bà K. xác nhận sau khi vụ việc xảy ra thì tình cảm giữa bà với chồng và các con vẫn bình thường. Bà K. vẫn đi chợ, đi đám tiệc với hàng xóm vui vẻ, không ai xa lánh bà. Do đó, tòa cho rằng yêu cầu của bà K. là không có căn cứ chấp nhận.

Khó chứng minh tổn thất tinh thần

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội), khi bị lăng mạ, xúc phạm ngoài đời thực hoặc trên mạng Internet, cá nhân, tổ chức cần áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khoản 3, điều 66 nghị định 174 năm 2013 có quy định về hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Bên cạnh đó, điều 5 nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ có quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Cũng theo luật sư Quách Thành Lực, sau khi có quyết định xử phạt hành chính thì cá nhân, tổ chức có thể dựa vào đó làm căn cứ để khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật quy định việc chứng minh thiệt hại thuộc về người yêu cầu.

Theo thực tế sử dụng hóa đơn chứng từ của xã hội hiện nay và quan điểm xét xử khá cứng nhắc thì việc chứng minh thiệt hại vô cùng khó khăn. Do đó, nhiều người dù bị xúc phạm nhưng đành chấp nhận mà không khởi kiện dân sự.

(Theo TÂM LỤA/Tuổi Trẻ)

Tags :
Đọc nhiều