425
category
400512

Chuẩn đào tạo bác sĩ của Việt Nam… không giống ai

11/06/2020 21:43

Trong cuộc họp với Bộ GD-ĐT về xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, đại diện Bộ Y tế bày tỏ những lo lắng về chất lượng đào tạo lĩnh vực sức khỏe, do thiếu chuẩn, trong khi quy mô đào tạo lại “bùng nổ”.

Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, phát biểu tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT /// Ảnh Phương Linh
Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, phát biểu tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT 

Có cần đến gần 40 trường đào tạo y khoa?

Hôm nay, 11.6, Bộ GD-ĐT đã họp với 5 bộ liên quan để thảo luận về kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia VN (VQF) cho các trình độ của giáo dục đại học. Trong đó có 4 bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia xây dựng và ban hành chuẩn chương trình (cùng với Bộ GD-ĐT) cho các lĩnh vực và ngành đào tạo, gồm Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, chia sẻ những trải nghiệm của mình không chỉ với vai trò lãnh đạo cơ quan đầu mối của Bộ Y tế về đào tạo, mà còn với tư cách đã từng là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng nhân lực ngành y tế (ông Tác nguyên là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế).

Ông Tác cho rằng, mười mấy năm trước đây, khi Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình khung, trong đó có chương trình đào tạo của của khối ngành y dược, thì đào tạo trong lĩnh vực y khoa có sự đảm bảo về chất lượng. Nhưng sau đó, việc xây dựng chương trình khung và chương trình chi tiết được giao cho các trường, thì hệ thống đào tạo y dược bắt đầu có những sự phức tạp, nhất là khi phải chịu ảnh hưởng từ mặt trái của xã hội hóa trong đào tạo y dược.

“Khi tôi làm việc ở Vụ Tổ chức cán bộ, với tư cách là bên sử dụng, chúng tôi cũng có những va chạm. Lúc đó Bộ Y tế cũng căng thẳng, thấy cần phải dựng hàng rào về chứng chỉ nghề, nếu không sẽ phức tạp”, ông Tác cho biết.

Theo ông Tác, trước đây, cả nước chỉ có 11 trường đào tạo bác sĩ đa khoa, đến nay có gần 40 trường tham gia đào tạo ngành này. Vì thế, có những lúc trong ngành y tế đã đặt ra vấn đề: Bên sử dụng nhân lực có cần nhiều bác sĩ để phải bùng nổ quy mô đào tạo như thế? Tham mưu với Chính phủ quy hoạch đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe thế nào cho hợp lý, đặc biệt là về chất lượng, đào tạo thế nào cho tốt? Điều đáng nói, vấn đề chất lượng được đặt ra ngay với cả khối trường công lập…

Do đó, việc sắp tới có chuẩn chương trình đào tạo thì đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe sẽ chất lượng hơn và mặt bằng chung được đảm bảo tốt hơn.

Nguy cơ mất vị thế của các trường y hàng đầu

Ông Tác cũng chia sẻ những cảm nhận của mình khi quan sát quá trình chuẩn bị kỹ càng, cẩn trọng, tuân thủ các yêu cầu khắt khe về đảm bảo chất lượng, cho việc đào tạo 2 mã ngành bác sĩ đa khoa và bác sĩ nội trú của Trường đại học VinUni, một trường ngoài công lập mới được thành lập.

Để được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo 2 mã ngành trên, Trường đại học VinUni có 4 – 5 năm chuẩn bị. Toàn bộ hệ thống lâm sàng, cận lâm sàng, mô phỏng… không một trường đào tạo y trong nước nào được như VinUni. Trường này còn thành lập hẳn cả một bệnh viện mô phỏng với mô hình tổ chức đầy đủ như Bệnh viện Bạch Mai!

Riêng đội ngũ giảng viên, ngoài 4 giáo sư đến từ Đại học Pennsylvania (đối tác hỗ trợ Trường đại học VinUni xây dựng chương trình đào tạo khối ngành sức khỏe, là trường hàng đầu của Mỹ về đào tạo y khoa – PV), VinUni tuyển được 4 giảng viên đến từ Bệnh viện Vinmec và 2 bệnh viện T.Ư khác.

Vì giúp VinUni xây dựng chương trình đào tạo nên chuẩn mực đặt ra đối với trường này của đối tác (Đại học Pennsylvania) rất cao, tiệm cận với tiêu của chính Đại học Pennsylvania. Chuẩn đầu ra của VinUni với mã ngành bác sĩ đa khoa là sinh viên tốt nghiệp có thể hành nghề bác sĩ ở bất kỳ nước nào trên thế giới.

Vì thế mà đòi hỏi trình độ tương ứng của giảng viên. Hàng chục hồ sơ dự tuyển, nhưng sau khi phỏng vấn, chỉ còn khoảng chục hồ sơ tiếp tục xem xét. “Họ (đại diện Đại học Pennsylvania – PV) nói với tôi, trong số hơn chục người đó cũng có một số ít đạt yêu cầu trình độ giảng viên của Pennsylvania, còn lại chỉ đạt nửa yêu cầu. Vì tuyển được ít giảng viên thế nên họ quyết định chỉ tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên 50 bác sĩ đa khoa, dù hàng mấy trăm đơn đăng ký xét tuyển”, ông Tác kể.

Ông Tác cho biết thêm, các giáo sư Đại học Pennsylvania nhận xét, một số bác sĩ Việt Nam rất giỏi, đặc biệt là về lâm sàng; nhưng chuẩn đào tạo bác sĩ của Việt Nam thì… không giống ai, chẳng theo chuẩn nào!

Sau khi làm việc với Trường đại học VinUni thì các cán bộ phụ trách mảng đào tạo của Bộ Y tế như “sực tỉnh”, đã quay sang khuyến cáo cho 2 hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội và Y dược TP.HCM phải nhìn nhận lại mình, nếu không khoảng 10 năm nữa sẽ không giữ được vị trí hàng đầu trong đào tạo y khoa ở Việt Nam như hiện nay.

PV/TN

Đọc nhiều