8
category
541889

Chưa tiêm dịch vụ, người dân được tiêm hoàn toàn miễn phí vắc xin Covid-19

13/08/2021 11:36

Một lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: Chưa được tiêm dịch vụ (người được tiêm tự trả phí – PV) với vắc xin Covid-19.

Trước một số ý kiến đề cập về tiêm chủng dịch vụ, mới đây, trong văn bản chỉ đạo về công tác tiêm chủng ngày 6.8 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, nêu rõ: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêm chủng vắc xin theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng”.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã có 18,7 triệu liều vắc xin Covid-19 (tính đến ngày 6.8 ), trong đó hơn 14 triệu liều mới tiếp nhận từ giữa tháng 7 và đầu tháng 8. Trả lời chúng tôi chiều 12.8, một lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: “Chưa được tiêm dịch vụ (người được tiêm tự trả phí – PV) với vắc xin Covid-19. Vắc xin Covid-19 được tiêm hoàn toàn miễn phí cho người dân, theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về nhóm ưu tiên, độ tuổi, điều kiện sức khỏe”.

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM được tiêm vắc xin /// ảnh: t.t.đ
Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM được tiêm vắc xin

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng: “Hiện chỉ nên tiêm miễn phí với vắc xin Covid-19, vì nếu tiêm dịch vụ sẽ phân hóa giàu nghèo và người cần tiêm thì mất cơ hội tiêm vì họ nghèo”. “Ngay cả khi triển khai song song 2 hệ thống: tiêm miễn phí (do nhà nước triển khai, chi trả toàn bộ) và tiêm dịch vụ (do các công ty nhập vắc xin và triển khai tiêm) thì cũng chưa khả thi, vì hiện tại, các công ty vắc xin không bán cho tư nhân mà chỉ bán cho nhà nước. Có thể các nhà cung cấp muốn gắn trách nhiệm cho nhà nước đảm bảo về kinh phí và triển khai hiệu quả, tại thời điểm tiếp cận vắc xin rất khó khăn như hiện nay”, ông Nga nói.

Để thêm cơ hội tiếp cận vắc xin Covid-19, trước đó, từ cuối tháng 5.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định Bộ Y tế khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin, nếu có ủy quyền chính thức của nhà sản xuất. Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vắc xin này.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho hay trong nhập khẩu vắc xin, kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện. Đối với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ họp, thẩm định và cấp phép cho vắc xin đó.

Khi vắc xin được nhập khẩu vào VN, trong vòng 2 ngày, nếu có hồ sơ hợp lệ, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ thẩm định hồ sơ và cho phép xuất xưởng để sử dụng theo quy định của WHO. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho hay đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả. Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý dược làm đầu mối hỗ trợ các đơn vị.

Hà Nội chưa thể tính tới chuyện tiêm dịch vụ hay không

Trả lời PV, ông Khổng Minh Tuấn, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết TP vẫn đang triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đợt 8. Trước đó TP đã tiêm được hơn 1 triệu liều vắc xin, đạt khoảng 10% dân số.

Về việc Hà Nội có tính tới việc tiêm dịch vụ để đẩy nhanh tiến độ và số lượng tiêm vắc xin hay không, ông Tuấn cho biết: “Chính phủ mua và phân bổ vắc xin cho các địa phương, đơn vị. Hiện chưa có cơ chế tư nhân tiếp cận nguồn mua vắc xin nên chưa thể tính tới chuyện tiêm dịch vụ hay không. Hà Nội và các địa phương khác vẫn đang tiêm vắc xin theo nguồn từ T.Ư cấp”.

Thanh Bình 

Đọc nhiều