8
category
457059

Chữa bệnh ‘nổ’

15/12/2020 09:15

Sau một đêm ngủ dậy, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) từ một bác sĩ trị bệnh nhi đồng bỗng dưng bị “hô biến” thành người… quảng cáo bán thuốc tăng chiều cao, thuốc trị tiểu đường!

Một phòng khám “nổ” bán thuốc, xoa bóp trị bá bệnh trên Facebook bị xử lý /// ẢNH: DUY TÍNH
Một phòng khám “nổ” bán thuốc, xoa bóp trị bá bệnh trên Facebook bị xử lý

Rồi các biên tập viên của các đài truyền hình bị ghép tiếng, ghép ảnh để bán thuốc, bán sản phẩm sức khỏe. Chắc hẳn nhiều bạn đọc xem YouTube đã không ít lần ức chế với các kiểu quảng cáo “Nhà tôi 3 đời nhận chữa bệnh…”.

Người viết từng gặp nhiều trường hợp quảng cáo, “nổ” trên mạng xã hội bị Sở Y tế TP.HCM xử lý. Một “lang băm” quảng cáo trị thiếu máu tán huyết, làm cho người liệt do thoát vị đĩa đệm đi được… Trên Facebook người này nói ông ta có “bài thuốc gia truyền” có thể trị dứt điểm các bệnh này khiến nhiều người bệnh trên khắp mọi miền đất nước tìm đến. Thực tế, ông ta chỉ bắt mạch và bán… thực phẩm chức năng.

Rồi có một gia đình hành nghề xoa bóp linh tinh, thuê nguyên một đội thanh niên cơ bắp về xoa bóp, bó thuốc trị bá bệnh rồi “nổ” trên mạng xã hội là có bài thuốc gia truyền chữa hết thoát vị đĩa đệm. Để tạo sự tin tưởng về quyền thế, uy tín, họ thuê một góc vườn của một căn biệt thự để hoạt động. Thực chất sản phẩm “thuốc gia truyền” mà họ bán được mua từ người khác, rồi xé nhãn, đóng gói hô biến thành “của nhà tôi”.

Tuy nhiên, việc xử phạt quảng cáo các “lang băm” này, lâu nay chỉ dừng ở sự vụ, tức thấy ai phản ánh thì kiểm tra, xử lý bằng biện pháp đình chỉ, phạt tiền. Rồi sau đó họ chuyển địa điểm, hoạt động tiếp.

Nghị định 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã cập nhật nhiều hành vi vi phạm, cũng như mức phạt đã cao hơn. Nếu có sự “giao thoa” về thẩm quyền giữa ngành y tế và những ngành khác (như nạn quảng cáo “láo” trên mạng xã hội chẳng hạn), các cơ quan chức năng cần phối hợp xử lý triệt để.

Duy Tính/TNO

Đọc nhiều