8
category
510917

Chủ vườn lan ôm trăm tỷ bỏ trốn, công an thông tin bất ngờ

Hồng Anh 13/04/2021 16:57

Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang vào cuộc xác minh thông tin một nhà vườn lan đột biến ôm hàng trăm tỷ đồng bỏ trốn đang gây xôn xao trên mạng xã hội.

Chủ tịch UBND xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Như Tuyển xác nhận với phóng viên, trên địa bàn xã có một nhà vườn kinh doanh lan đột biến đang được mạng xã hội loan tin ôm cả trăm tỷ tiền lan để bỏ trốn.

Ông cho hay, từ ngày hôm qua tới nay, xã Hòa Nam cũng xôn xao, rất nhiều người tò mò đã tìm đến tận nơi để xem thực hư câu chuyện.

Tuy nhiên, ông Tuyển khẳng định đến thời điểm hiện tại xã chưa nhận được đơn trình báo của bị hại. Dù vậy, Công an xã đã xuống nắm bắt tình hình. Sáng nay, Công an huyện Ứng Hòa cũng đã đi kiểm tra, xác minh sự việc.

“Ở xã tôi nhiều người chơi lan, song việc mua bán, giao dịch như thế nào họ không báo cáo chính quyền. Xã không nắm bắt được những giao dịch tiền tỷ lan đột biến là hư hay thực”, ông Tuyển thông tin.

Theo thông tin trên các diễn đàn trao đổi, mua bán hoa lan đột biến thì có khả năng số tiền mà chủ vườn lan ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội “ôm” của khách đặt mua hoa lan đột biến lên tới 700-800 tỷ đồng!?

Bởi theo nhiều ý kiến, trước đó nhiều người đầu tư trồng hoa lan đột biến đã đặt mua hoa lan đột biến kiểu “lúa non” của anh này. Khách đặt mua toàn những loài hoa lan đột biến đắt tiền, hiếm có như hoa lan phi điệp đột biến Ngọc Sơn Cước, hoa lan đột biến phi điệp 5 cánh trắng Bảo Duy; hoa lan đột biến phi điệp 5 cánh trắng Bạch Tuyết.

Công an xác minh vụ chủ vườn lan đột biến ôm trăm tỷ bỏ trốn
Bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội chia sẻ về việc một nhà vườn lan đột biến “ôm” hàng trăm tỷ của người mua lan bỏ trốn.

Rất có thể con tôi cũng là nạn nhân

Để tìm hiểu thực hư của vụ việc, ngày 13/4 PV đã tìm về ngôi nhà của chủ vườn hoa lan đột biến bị tố “ôm” tiền bỏ trốn tại xã Hòa Nam. Gặp gỡ bà Lộc – mẹ đẻ của anh N.H.T (chủ vườn lan H.T), bà Lộc cho biết, con trai bà bị người ta lừa.

Để khẳng định việc anh N.H.T bị lừa, bà Lộc nhớ lại thời điểm tháng 11/2020 anh N.H.T có quen với 1 người đàn ông ở Hà Nội. Sau đó, người đàn ông này thường xuyên qua lại và kết giao bạn bè với anh N.H.T. Thậm chí người này còn nhận là anh em kết nghĩa với anh N.H.T.

Vẫn theo lời kể của bà Lộc, từ khi bắt đầu từ mối quan hệ này, anh N.H.T đã đồng ý cho người đàn ông này gửi hoa lan tại vườn của mình để anh chăm sóc. Đến lúc có khách mua hoa lan đột biến anh N.H.T sẽ đứng ra bán hộ. Tiền bán lan đột biến sẽ chuyển lại người đàn ông kia. Còn anh N.H.T chỉ được chia phần trăm nhờ công chăm sóc hoa lan đột biến và đứng ra bán hoa lan đột biến nếu có người mua.

Tuy nhiên sự việc “có vẻ sai sai” bắt đầu xảy ra khi anh N.H.T rao bán cây hoa lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Bảo Duy. Theo đó, có khách đến xem hoa lan đột biến Bảo Duy và đặt cọc tiền cho anh N.H.T. (số tiền bà Lộc không biết là bao nhiêu). Sau đó anh N.H.T đã giao lại số tiền khách đặt cọc mua cây hoa lan đột biến Bảo Duy cho người đàn ông đã gửi cây lan nhờ chăm sóc tại vườn của mình.

Nhưng sau đó khi người khách đến nhận cây hoa lan đột biến Bảo Duy (đã đặt cọc tiền trước đó) lại “quay ngoắt” cho rằng hoa của cây lan đột biến này không phải là hoa của cây lan đột biến Bảo Duy nên đã đòi lại số tiền đặt cọc.

Để có tiền trả lại số tiền đặt cọc, anh N.H.T đã liên hệ với người đàn ông Hà Nội đã gửi lan tại vườn của mình. Tuy nhiên, hứa hẹn nhiều lần để gặp anh N.H.T nhưng người đàn ông này vẫn “biệt vô âm tín”.

Sau đó, đã có gần chục người đi ô tô, trên người đầy hình xăm trổ nghi là xã hội đen tìm đến nhà anh N.H.T để đòi lại tiền.

Khi PV đặt câu hỏi: Nếu bị người ta lừa vì sao gia đình không viết đơn trình báo chính quyền và cơ quan chức năng? Và tại sao anh N.H.T lại phải bỏ trốn? Bà Lộc thở dài cho biết, gia đình đã viết đơn nhưng vẫn còn đắn đo chưa dám gửi chính quyền và cơ quan chức năng.

“Nói chung là tôi chỉ biết sự việc như vậy, còn cụ thể thế nào phải chờ em nó (anh N.H.T – PV) về rồi gặp gỡ người ta để giải quyết xem ai đúng, ai sai” – bà Lộc nói.

Cũng theo tiết lộ của 1 người bạn (hàng xóm của anh N.H.T- PV) cũng chơi lan, trồng hoa lan tại xã Hòa Nam cho biết, anh và anh N.H.T là những người chơi lan, trồng lan đầu tiên ở xã Hòa Nam. Theo lời kể thì anh N.H.T làm ăn rất cẩn thận và có kỹ thuật về trồng lan, kinh nghiệm chăm sóc hoa lan.

Anh hàng xóm này cũng cho biết, người đàn ông mà “nhận làm anh em” với anh N.H.T là chủ của vườn lan tên A.T tại Hà Nội.

Vườn lan Hà Thanh đang tạm dừng hoạt động.

Em trai chủ vườn lan bị nghi ôm 200 tỉ trốn: Anh tôi cũng chỉ là nạn nhân

Chia sẻ với PV, anh N.H.P (30 tuổi, em trai anh T., trú tại Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay: “Những năm qua, anh T. làm ăn cũng gặp may, mỗi năm thu về từ 3 – 5 tỉ đồng. Nhưng do quá tin người, anh trai tôi đã bắt tay làm ăn với người đàn ông tên A.T. (trú tại Hoài Đức, Hà Nội). Cũng sau lần bắt tay hợp tác làm ăn đó, công việc kinh doanh bắt đầu gặp sự cố”.

Theo gia đình nắm được, ông A.T biết anh T. là một trong những chủ vườn lan lớn nên đã đặt yêu cầu hợp tác cung cấp lan đột biến cho anh T. bán. Tuy nhiên, sau khi bán khách hàng anh T. phát hiện đó không phải lan đột biến nên quay lại bắt đền.

Vì quá tin ông A.T mà T. rơi vào cảnh nợ nần. Dù T. đã bán xe ôtô, bán đất đi vẫn không đủ trả nợ, nên cũng là một nạn nhân trong vụ việc này, người thân của anh T. nói.

“Một số khách đòi đền bù, chính tôi đã cùng anh T. bán nhiều tài sản đề đền bù nhưng không thấm vào đâu so với số tiền nợ của khách hàng. Gia đình không dám bênh, ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Gia đình cũng rất mong muốn cơ quan công an tìm ra đối tượng trong đường dây lừa đảo”.

Về số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng, anh P. cho biết, bản thân anh không nắm được bởi đó là việc giao dịch hoàn toàn độc lập của anh T.

“Chúng tôi chỉ biết, anh T. thường xuyên đi giao dịch từ trong miền Nam rồi ra ngoài Bắc. Còn bao nhiêu tiền thì chúng tôi không nắm được”, một người thân khác trong gia đình nói.

Về thông tin kèm hình ảnh chụp anh T. ôm tiền ra sân bay để trốn ra nước ngoài, anh P. cho biết, đó đúng là hình ảnh chụp anh T. Tuy nhiên, hình ảnh đó anh T. chụp đã lâu trong một lần bay vào miền Nam giao dịch.

Từ khi có sự cố, vườn lan Hà Thanh thường xuyên trong tình trạng “kín cổng cao tường”.

Chia sẻ với PV, ông Đinh Văn B. (58 tuổi, trú tại Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội) là người cùng làng với ông T. cho biết, trước đây, T. lái xe 3 gác chuyên chở củi, vật liệu quanh xã. Khoảng 4 năm trở lại đây, T. buôn bán kinh doanh lan đột biến. Đây là một trong số hộ gia đình kinh doanh lớn nhất nhì vùng này.

“Trong xóm ai cũng biết, gia đình giàu lên sau khi buôn bán. Một hai ngày gần đây, nhiều người đến đòi nợ có thể 2 vợ chồng, 2 con đã chuyển đi nơi khác vì tôi thấy cổng và cửa nhà đều khóa, không có người ra vào. Chúng tôi nghe tin vậy cảm thấy buồn và thương hai đứa nhỏ”, ông B. nói.

Cũng giống ông B., anh Đinh Văn T. (trú tại Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội) là hàng xóm của chủ vườn lan Hòa Thanh kể: “Từ trước đến nay, T. là người cũng nhiệt tình và thân thiện với hàng xóm. Mình rất bất ngờ khi hôm qua có rất nhiều người đến đây tìm T. để đòi tiền. Nghe mọi người nói số tiền rất lớn. Chuyện T. làm ăn với người ta ra sao tôi không rõ sự tình”.

Cũng theo anh Đinh Văn T., chủ vườn lan Hà Thanh thường xuyên đi các tỉnh quảng bá sản phẩm lan do mình trồng và cũng có nhiều người tìm đến vườn mua cây.

Đáng chú ý, một người dân sống trong khu vực cho biết, từ ngày hôm qua (tức ngày 12.4) có khá nhiều người lạ mặt tìm đến khu vực này trong tâm thế bức xúc. Tuy nhiên họ đều ra về sau đó vì không thể gặp chủ vườn lan.

Trên một số diễn đàn lan đột biến phản ánh về việc một chủ vườn lan ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội “ôm” 200 tỷ của người đặt mua lan kiểu “lúa non” bỏ trốn. Thông tin này đã làm nhiều người trong giới chơi lan xôn xao. Câu trả lời chưa được giải đáp cho tới khi chủ vườn lan-anh N.H.T ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội xuất hiện.

Hồng Anh 

Đọc nhiều