Chủ tịch tỉnh than “khổ” khi mỗi năm tiếp đến 11 đoàn thanh tra, kiểm toán
Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, trong năm 2018, tỉnh phải tiếp đến 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có nhiều nội dung trùng lắp, khiến địa phương mất rất nhiều sức và thời gian để phục vụ…
Phát biểu tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương chiều 4/7, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang ta thán về việc có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến tỉnh. Cụ thể, năm 2018, địa phương “tiếp” đến 11 đoàn, trong đó có nhiều đoàn nội dung kiểm tra, thanh tra trùng lắp.
“Địa phương mất rất nhiều sức, thời gian để phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra. Đề nghị các bộ ngành và cơ quan trung ương khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cần có kế hoạch phối hợp, tránh nội dung thực hiện trùng lặp”, ông Châu kiến nghị.
Trước ý kiến trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là việc đã được nói nhiều, không phải chuyện mới. Vì tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
“Thanh tra Chính phủ cũng rất quan tâm vấn đề này. Ngay trong kế hoạch thanh tra năm 2019, chúng tôi đã giảm 30% cuộc thanh tra thường xuyên”, ông Lê Minhh Khai nêu, trong Thanh tra Chính phủ có 7 cục, vụ thì chỉ xây dựng thanh tra 14 cuộc, còn lại là xử lý các cuộc chậm trước kia và các cuộc Thủ tướng giao.
Tổng Thanh tra cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo. Ngay như hệ thống thanh tra có Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành và thanh tra tỉnh, thành, huyện. Bên cạnh đó, còn có hệ thống của Uỷ ban kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước. Trong khi đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra lại trùng nhau.
Các cơ quan quyết định kế hoạch thanh tra cũng không tập trung như kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì Thủ tướng quyết định, kế hoạch của thanh tra bộ thì Bộ trưởng quyết định, kế hoạch của thanh tra tỉnh thì lại do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định…
Vì vậy, về lâu dài phải có tính toán tổng thể xem cơ quan nào kiểm tra tính tuân thủ pháp luật, cơ quan nào kiểm tra ngân sách, cơ quan nào kiểm tra tài sản công…
“Phải có nghiên cứu tổng thể để tranh chồng chéo”, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh và cho rằng, khi thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, có tính toán để không giàn trải. Khi xác định cuộc thanh tra, kiểm tra phải rõ phạm vi, đối tượng để kiểm soát…
Theo Tổng Thanh tra, tới đây sẽ tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 20, tham mưu cho Thủ tướng giải pháp sao để hoạt động thanh tra, đặc biệt hệ thống thanh tra nhà nước đạt hiệu quả, giảm chồng chéo.
Làm thêm BOT, địa phương lo phải gánh lãi vay nợ
Nêu một số vướng mắc của địa phương trong việc triển khai thực hiện các dự án, quyết định đầu tư, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương chủ động giải quyết một số công việc để đẩy nhanh tiến độ. Ông đề nghị cho phép địa phương chủ động triển khai thực hiện các dự án sân golf tại các vị trí không phải đất lúa, không phải đất rừng; cho phép địa phương phê duyệt các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng, được phê duyệt các dự án đầu tư công với mức tổng đầu tư trên 1.500 tỉ đồng.
Cùng chung vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định có liên quan về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở; cho phép các dự án đầu tư công sau khi được HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành phong thì mong muốn Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép thành phố thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng.
Đối với các dự án BOT, BT, Chủ tịch Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố cũng như một số địa phương khác đang vướng mắc trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các nhà đầu tư.
“Việc chậm thanh toán khiến địa phương sẽ phải chịu một phần lãi vay. Nếu kéo dài thì thiệt hại mà địa phương phải chịu là tương đối lớn”, ông Tùng phảnh ánh và đề nghị sớm ban hành nghị quyết nói trên.
Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo nghị định thanh toán BT bằng tài sản công đã Thủ tướng nghe và đã có ý kiến chỉ đạo. Hiện vấn đề cần bổ sung là đấu giá tài sản công lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư.
“Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện để trình để Chính phủ ban hành”, ông Dũng đốc thúc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay trên cả nước có hơn 100 trạm thu phí BOT, riêng Bộ GT-VT quản lý 88 trạm. Theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ thì cuối năm nay phải áp dụng thu phí tự động không dừng. Do đó, Bộ đã làm việc với các đơn vị liên quan để thúc đẩy triển khai.
Đối với 14 trạm BOT do địa phương quản lý, ông Thể đề nghị địa phương phối hợp tốt với bộ để triển khai có hiệu quả việc thu phí không dừng.
“Nếu thực hiện thu phí không dừng tốt thì đây cũng là giải pháp, cũng là tạo điều kiện để chúng ta phát triển thêm các dự án BOT”, ông Thể nói.
(Theo Dân Trí)