Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Pháp luật phải công bằng, thực sự vì dân
Pháp luật được thực thi hiệu quả và công bằng thì phải có một hệ thống tư pháp công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, thực sự vì dân. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Sáng 2/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc tọa đàm giữa các chuyên gia về một số nội dung phục vụ việc xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Chuyên đề 09 trên thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Đề án) được Ban Chỉ đạo Đề án phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chuyên đề này.
Dự tọa đàm là những chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học pháp lý, xây dựng pháp luật ở nước ta. Trong một buổi sáng nhiều chuyên gia, nhà khoa học phát biểu đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chuyên đề.
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Ngọc Đường cho biết trong thời gian tới Quốc hội cần tập trung vào chất lượng soạn thảo, phấn đấu để luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội, giảm bớt hoặc hạn chế ủy quyền lập pháp, hạn chế bớt được việc giao cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết thi hành. Xuyên suốt trong quá trình lập pháp từ giai đoạn đưa sáng kiến đến soạn thảo, xem xét, thông qua tại Quốc hội cần bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và dân chủ. Tức là thượng tôn hiến pháp và pháp luật trong cả xây dựng pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Quốc hội càng “khó tính” cắt giảm quy phạm thì đất nước càng phát triển. Nếu phải xin phép khắp nơi, phải tuân thủ khắp nơi thì sẽ bó chặt, hạn chế sự phát triển. Trong thực thi pháp luật cần phân biệt giữa hành pháp và hành chính công vụ.
Giáo sư, Tiến sỹ Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, đề nghị ba khâu đột phá quan trọng, đó là đột phá về chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hệ thống pháp luật; đột phá thực hiện pháp luật và đột phá phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao.
Ông Võ Khánh Vinh cho rằng pháp luật hiện nay đã tương đối đầy đủ, nhưng khả năng, trình độ tổ chức thi hành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay trong Hiến pháp có rất nhiều quy định mới, nhưng việc triển khai thực thi ở cấp cơ sở vẫn chưa tốt.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý Chiến lược đã được ghi nhận chính thức trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Như vậy, Chiến lược lần này có tầm khác và theo đó, đặt ra những yêu cầu, mục tiêu, quan điểm, phương hướng cũng khác so với Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, có những vấn đề mới cần phát triển.
Đại hội XIII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao,” trong đó “đến năm 2030 trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… không ngừng nâng cao mọi mặt đời sống của người dân.”
“Cả tiêu chí về chất và định lượng trong mục tiêu phát triển đất nước của giai đoạn tới đã khác so với giai đoạn trước đây khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW. Bối cảnh và điều kiện phát triển khác nhau nên việc xây dựng hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật trong giai đoạn tới phải khác so với giai đoạn tới,” nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Chiến lược cần có mục riêng về hoạt động lập, trong đó phải đánh giá lại việc thực hiện vừa qua như thế nào, mối quan hệ phối hợp, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động lập pháp ra sao. Ông cũng đề nghị một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phải tô đậm vai trò chủ thể của nhân dân trong hoạt động lập pháp, phải tăng cường lấy ý kiến nhân dân.
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhấn mạnh phải “gạch đầu dòng” những yêu cầu của một nhà nước pháp quyền đặt ra cho hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật. Ví dụ, trong nhà nước pháp quyền thì tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước được giới hạn bởi hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, pháp luật không phải là công cụ của nhà nước mà là công cụ của nhân dân để kiểm soát và pháp luật cũng là “tấm khiên” che chở, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Thượng tôn pháp luật phải bảo đảm thượng tôn hiến pháp, pháp luật và an toàn pháp lý. Cùng với đó là phải bảo đảm bình đẳng trước pháp luật…
Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Thanh Mai (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) phân tích về quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp. Ủy quyền lập pháp là điều khó tránh khỏi ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng nếu thiếu kiểm tra, giám sát thì sẽ dẫn tới cắt khúc, chậm trễ về thời gian do thực hiện ủy quyền lập pháp.
Theo quy định hiện hành, văn bản quy định chi tiết thi hành phải có hiệu lực đồng thời với văn bản luật, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng luật ban hành ra một vài năm vẫn phải chờ văn bản quy định chi tiết thi hành, cá biệt có những trường hợp văn bản luật ban hành được hàng chục năm trời nhưng văn bản quy định chi tiết thi hành được chỉ rõ trong luật vẫn chưa được ban hành…
Pháp luật phải được thực thi hiệu quả, công bằng
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều chiều về các nội dung mang tính tổng thể của Chiến lược.
Nhất trí với các chuyên gia về việc Chiến lược cần tiếp tục kế thừa và phát triển, nâng tầm các nguyên tắc, quan điểm của Nghị quyết 48-NQ/TW và bổ sung các quan điểm mới phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ quan điểm của một số chuyên gia quốc tế về vai trò của nhà nước trong hệ thống pháp luật của một quốc gia đang chuyển đổi và một quốc gia phát triển.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng trong một nền kinh tế đang chuyển đổi, vai trò của nhà nước là rất lớn, không thể đặt vai trò của nhà nước và thị trường ngang nhau. Nếu ban hành luật quá chặt theo chuẩn của các nước đã có hệ thống pháp luật hoàn thiện và trình độ pháp luật phát triển ổn định cả trăm năm thì chúng ta sẽ tự bó buộc sự phát triển của chính mình.
Với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đề ra thì chiến lược xây dựng hệ thống pháp luật đến năm 2030 cũng đã phải khác so với giai đoạn sau năm 2030.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất khó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật tiếp tục đóng góp ý kiến, góp phần củng cố nền tảng, cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó định hình được những nguyên tắc và quan điểm cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sau năm 2030 đến năm 2045. Câu chuyện thi hành pháp luật đến giai đoạn sau năm 2045 cũng phải khác với giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Về tình trạng luật khung, luật ống, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một mặt phải khắc phục để tránh tình trạng các bộ, ngành khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật cài cắm các lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm hoặc không bảo đảm đúng quy định của luật.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đến năm 2030 khi nền kinh tế vẫn đang chuyển đổi, đất nước đang phát triển thì có những vấn đề cuộc sống đang diễn ra, chưa kiểm nghiệm được trong thực tiễn, nếu luật pháp cứ đóng cứng lại thì có khi vừa ban hành được vài ba năm đã phải sửa đổi. Do đó, vẫn cần có các điều khoản “quét” giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, có “khung” để kịp thời điều chỉnh ngay nhằm đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn.
“Điều quan trọng không phải là có bao nhiêu điều khoản giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, không phải là giao nhiều hay ít mà là giao như vậy có đúng không? Nhiều điều mà giao đúng thì vẫn giao. Nhưng một điều giao mà không đúng thì cũng kiên quyết không giao. Vấn đề là các vấn đề đó đã đủ rõ để quy định chi tiết, ổn định ngay trong luật hay chưa,” Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Về thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải hiệu quả, công bằng. Trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan hành pháp, đồng thời phải gắn với cải cách tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng chúng ta nói tổ chức thi hành pháp luật thì gồm rất nhiều việc, từ ban hành văn bản hướng dẫn, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật… nhưng cuối cùng, để pháp luật được thực thi hiệu quả và công bằng thì phải có một hệ thống tư pháp công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, thực sự vì dân.
Cùng với đó, kinh nghiệm của một số nước có mô hình gần gũi với Việt Nam như Trung Quốc đã tổ chức một hệ thống giám sát thực thi pháp luật nghiêm minh, chuyển từ mô hình phi tập trung sang mô hình tập trung, thành lập Ủy ban giám sát từ Trung ương xuống địa phương, thuộc cơ cấu của cơ quan lập pháp nhưng được xác định như một cơ quan quyền lực thứ tư giám sát toàn bộ việc thực thi pháp luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu để góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Trong thời gian tới, Tiểu ban xây dựng Chuyên đề 09 sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm về các nội dung chuyên sâu của Chiến lược. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến để Tiểu ban và Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Chiến lược trình Ban Chấp hành Trung ương.
Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở được rất nhiều vấn đề và Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, giúp cho việc xây dựng “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đạt chất lượng tốt nhất.
Tùng Lâm