2
category
344498

Chủ tịch Quốc hội: ‘Tôi rất cảm động khi biết có nhiều lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo’

25/12/2019 16:43

Các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, điều kiện sống của người nghèo đã được cải thiện. Bộ LĐ-TB-XH cần chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 25.12.

“Chúng ta đã tạo niềm tin, khát vọng muốn xóa nghèo của người dân”

Điểm lại những thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội năm 2019, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, trong thành tựu chung có đóng góp quan trọng của toàn ngành LĐ-TB-XH.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một lĩnh vực quan trọng, đáng ghi nhận được ngành quan tâm chỉ đạo và bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, đó là công tác giảm nghèo. Các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống. Tiêu chuẩn nghèo không chỉ tiếp cận tiêu chí thu nhập mà được mở rộng tiếp đa chiều, bên cạnh nhu cầu vật chất, còn có nhu cầu về tinh thần.

“Tôi rất cảm động khi biết tại một số địa phương, có những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều. Từ tỉnh khó khăn như Điện Biên, đến những tỉnh rộng lớn như Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum… đã có những lá đơn xin thoát nghèo. Thậm chí, những lá đơn đó của những ông bà rất già nhưng viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để dành chính sách cho những người nghèo hơn”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị /// Ảnh Mạnh Dũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị

Theo Chủ tịch Quốc hội, những tấm gương này đã thể hiện hiệu quả của những chính sách giảm nghèo. Nhưng quan trọng hơn, người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. “Chúng ta đã tạo niềm tin, khát vọng muốn xóa nghèo của người dân”, bà Ngân ghi nhận.

Chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn

Trong năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai; đồng thời, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ LĐ-TB-XH cần nghiên cứu tham mưu và thực hiện hoàn thiện thể chế, với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng: nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ LĐ-TB-XH cần rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó có các chính sách khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.

Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em; nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Thu Hằng/ TNO

Đọc nhiều