Chủ tịch quốc hội Armenia bị đánh bất tỉnh

10/11/2020 14:07

Người biểu tình tràn vào đập phá dinh thự Thủ tướng và nghị viện Armenia, đánh bất tỉnh Chủ tịch quốc hội sau thỏa thuận ngừng bắn “đau đớn” với Azerbaijan.

Hàng trăm người Armenia xuống đường biểu tình sau khi Thủ tướng Nikol Pashinyan thông báo đã ký “thỏa thuận đau đớn” về Nagorno-Karabakh với Azerbaijan hôm 11/10. Họ xông vào đập phá dinh thự của Pashinyan, giật bảng tên của Thủ tướng Armenia khỏi cửa văn phòng và hô lên rằng “Nikol đã phản bội chúng ta”.

Cảnh sát không can thiệp khi đám đông, trong đó có nhiều cựu binh mặc quân phục dã chiến, xông vào các căn phòng trong dinh thự, la hét trong giận dữ.

Người biểu tình sau đó tràn vào bên trong tòa nhà quốc hội Armenia, đập phá đồ đạc và ẩu đả với các nghị sĩ. Chủ tịch quốc hội Ararat Mirzoyan bị mắc kẹt trong đám đông bạo lực và bị những người biểu tình đánh đến bất tỉnh.

Người biểu tình đòi gặp Thủ tướng Pashinyan, chất vấn rằng “ai cho ông ta quyền ký thỏa thuận”, số khác yêu cầu trao lại quyền lực nhà nước cho Bộ Tổng tham mưu Armenia.

Người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Armenia tại thủ đô Yerevan, ngày 11/10. Ảnh: AP.
Người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Armenia tại thủ đô Yerevan, ngày 11/10. Ảnh: AP.

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia với Azerbaijan và Nga có hiệu lực từ 1h ngày 10/11 (4h ngày 10/11 giờ Hà Nội), chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh. Thông báo được đưa ra sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 8/11 tuyên bố nước này đã kiểm soát thành phố Shusha tại Nagorno-Karabakh.

Nga đã triển khai lữ đoàn gồm 1.960 binh sĩ đến vùng xung đột Nagorno-Karabakh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và giám sát lệnh đình chiến giữa Armenia với Azerbaijan.

Các quân nhân này thuộc biên chế Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 15 của Quân khu Trung tâm, sở chỉ huy chiến dịch được thiết lập ở thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh.

Vị trí thành phố Shusha. Đồ họa: Guardian.
Vị trí thành phố Shusha. Đồ họa: Guardian.

Armenia và Azerbaijan từng ba lần đồng ý ngừng bắn vì lý do nhân đạo, nhưng chưa từng ký thỏa thuận chấm dứt xung đột và các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực.

(Theo TASS, Guardian)

Đọc nhiều