2
category
327614

Chủ tịch Quốc hội: “Ai chạy chức, chạy quyền là không dùng”

04/10/2019 19:40

Chủ tịch Quốc hội: “Nếu bất cứ trường hợp nào phát hiện chạy chức, chạy quyền là không dùng”.

Chủ tịch Quốc hội: "Ai chạy chức, chạy quyền là không dùng"

Sáng 4/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị số 1, đã tiếp xúc cử tri tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Nhiều vấn đề nóng đã được cử tri đề cập đến như vốn đầu tư công được giải ngân chậm; Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc tinh giản biên chế; việc phòng chống chạy chức, chạy quyền sẽ được thực hiện như thế nào; có nên tăng tuổi nghỉ hưu; kiểm toán Nhà nước nên chú ý doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá trốn một phần thuế.

Chủ tịch Quốc hội: Ai chạy chức, chạy quyền là không dùng - Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ

Cử tri của quận Ninh Kiều cũng bày tỏ phấn khởi về tình hình kinh tế tiếp tục phát triển, tăng trưởng GDP cao, xã hội ngày càng ổn định, các chương trình giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa hiệu quả, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn theo mục tiêu.

Cử tri Nguyễn Xuân Xinh đánh giá cao sự điều hành, đổi mới của Quốc hội trong thời gian qua. Hoạt động của Quốc hội đã sát với cử tri.

Với các buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, cử tri xem đó là cuộc sát hạch năng lực của các bộ trưởng, trưởng ngành về lĩnh vực mình phụ trách. Cử tri đánh giá cao việc hỏi nhanh, đáp gọn đã giúp người nghe, người xem dễ theo dõi; còn người trả lời, người chất vấn tập trung vào các vấn đề trọng tâm.

Cử tri này cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát hậu chất vấn, bởi trên thực tế, việc trả lời có rất nhiều vấn đề, nhưng quá trình thực hiện lại chưa thấy hoặc kết quả không như mong đợi.

Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề nóng của đất nước đã được đặt ra.

Cử tri Trần Văn Trung cho rằng, vốn đầu tư cho giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được tăng cường để phát triển mạnh hơn nữa giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ và đường không. Bên cạnh đó, cử tri này còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư công.

“Vừa qua, đầu tư công vẫn còn ách tắc, toàn quốc chỉ giải ngân được hơn 45,17%, so với cùng kì là thấp. Đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ nguồn vốn thực hiện đầu tư công”, cử tri Trần Văn Trung đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, do lần đầu tiên xây dựng Luật đầu tư công trung hạn 5 năm, nên có những lúng túng và khó khăn vướng mắc khi chuyền từ cơ chế cũ sang cơ chế mới. Chính phủ cũng đã có những cuộc họp bàn về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc đó.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc giải ngân đầu tư chậm là thực trạng mà kì này Quốc hội sẽ chất vấn các bộ, ngành và Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thường các kì họp cuối năm, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn và trong thảo luận kinh tế xã hội, cũng có nhiều đại biểu đặt vấn đề này:

“Thế thì do đâu và nguyên nhân như thế nào? Nếu nói là do luật thì cũng không đúng vì nếu vướng mắc thì tại sao vẫn thực hiện được gần 50%. Nếu vướng mắc do Luật thì sẽ không thực hiện được.

Ở đây là vấn đề thực thi pháp luật. Quốc hội cũng sẽ cùng với Chính phủ giám sát chặt chẽ thực hiện đầu tư công”.

Trả lời câu hỏi của cử tri về việc phòng chống chạy chức chạy quyền, Chủ tịch Quốc hội khẳng định:

“Chạy chức chạy quyền, tôi xin nói, chủ trương hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa quy định phòng chống chạy chức, chạy quyền và xử lí rất nghiêm. Nếu bất cứ trường hợp nào phát hiện chạy chức, chạy quyền là không dùng.

Bộ Chính trị phải nêu gương, Ban chấp hành Trung ương phải nêu gương và đảng viên và nhân dân giám sát”.

Cử tri Đinh Minh Hùng, tổ dân cư số 11, khu vực 2 phường An Nghiệp lại quan tâm đến một vấn đề khác, đó là thu hồi tài sản tham nhũng:

“Về tham ô, tham nhũng được đưa ra nhiều sự vụ lớn, có vụ hàng nghìn tỉ đồng. Tôi đề nghị Quốc hội giám sát việc thu hồi tiền tham nhũng như thế nào để cho người dân giám sát”.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những vụ án đã kết thúc điều tra và xử xong thì phải công bố số tiền phải thu hồi và số thu hồi. Lấy ví dụ vụ án Công ty nghe nhìn Toàn Cầu, AVG bán 95% cổ phần, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta thu hồi được 9.000 tỷ.

Thậm chí đã thu hồi cả tiền gốc lẫn lãi: “Hiện nay, tiền tham nhũng sắp tới tòa xử thì sẽ công bố tiếp sẽ thu hồi bao nhiêu. Riêng vụ án này, Nhà nước chưa mất tiền, nhưng mất công sức và mất niềm tin của nhân dân. Và bây giờ phải lấy lại niềm tin đó”.

Về câu hỏi của cử tri Lưu Hiền Quang liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thế nào, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã báo cáo lỗ để trốn thuế một phần, có doanh nghiệp hạch toán 2 sổ.

Cá nhân cử tri Quang cho biết, đây là kẽ hở trong công tác quản lí, vì thế Luật Kiềm toán phải được thực hiện chặt chẽ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là câu chuyện có trong thực tiễn, doanh nghiệp báo lỗ để chuyền tiền về công ty mẹ, tình trạng này xảy ra thời gian đầu khi nước ta mới thu hút đầu tư từ nước ngoài. Hiện Quốc hội và Chính phủ đang rà soát lại có những lỗ hổng pháp luật nào để khắc phục.

Trong báo cáo thẩm tra về ngân sách nhà nước của Quốc hội cũng rất chú ý đến vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần phải xem lại ý thức của các doanh nghiệp và công tác thanh tra, kiểm tra.

Trước băn khoăn của cử tri Nguyễn Xuân Xinh về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, 11/12 dự án đã được giao cho Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong số này, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Nhà máy thép Việt – Trung đã bước đầu có lãi. 4 dự án còn lại trong đó có Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã giảm lỗ so với năm 2018.

Bên cạnh đó, 2 trong 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, đến nay đã vận hành sản xuất trở lại.

Với các dự án còn lại, một số cũng đã trở lại vận hành, hoặc được định giá, xây dựng phương án để tổ chức triển khai bán đấu giá. Chính phủ sẽ cập nhật thông tin thường xuyên, Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát tiến độ giải quyết 12 dự án này.

Lê Tuyết

Đọc nhiều