Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 4 chữ vàng có ý nghĩa lớn về nhân văn và xã hội, đồng thời là lời căn dặn với lãnh đạo cấp cao.
Sáng 13/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi gặp gỡ đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội trường Thống nhất (TP.HCM).
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bày tỏ sự tin tưởng và vui mừng khi ông Nguyễn Xuân Phúc được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước.
“Trong nhiệm kỳ qua với cương vị là Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã vận dụng, phát huy khả năng, trí tuệ và năng lực để đưa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới. Đối với Phật giáo, ông Nguyễn Xuân Phúc có nhiều hành động, quyết sách để khẳng định nước ta luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng”, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ.
Đạo đức luôn phải đi trước
Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo nhìn nhận sự quan tâm của Chủ tịch nước sự thành công lớn của phật giáo Việt Nam. Thay mặt Giáo hội, hòa thượng Thích Thiện Nhơn tặng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 4 chữ vàng “Dĩ đức an dân”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 4 chữ vàng có ý nghĩa lớn về nhân văn và xã hội. Đồng thời, thông điệp trên cũng là lời dặn dò đối với lãnh đạo cấp cao về việc đạo đức cần đi trước, quy tập được lòng người và cùng tiến bước xây dựng đất nước.
“Qua ý kiến của hòa thượng chủ tịch và các vị đại diện Phật giáo, tôi nhận thấy niềm tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp của đất nước”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Người đứng đầu Nhà nước đánh giá thời gian qua, đạo Phật đã có đóng góp tích cực trong xây dựng các giá trị đạo đức, lòng tương thân, tương ái. Trong đó, đạo Phật luôn có mặt kịp thời tại những nơi khó khăn, hoạn nạn, thiên tai, góp phần tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội.
“Đạo đức, đạo Phật luôn gắn bó với những người đứng đầu đất nước từ trước tới nay như một sự kết nối mang tính truyền thống. Trong thời kỳ cách mạng, nhiều phật tử, chư tăng đã có nhiều công lao, đóng góp xương máu cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc”, Chủ tịch nước bày tỏ.
Phật giáo gắn liền với sự phát triển của đất nước
“Với khát vọng Việt Nam là nước phát triển hùng cường, có thu nhập cao năm 2045, đi liền với đó là sự phát triển của đạo Phật. Đến thời điểm ấy, Phật giáo sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong người dân, có nhiều đóng góp cho đất nước”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện vai trò, uy tín của mình trong tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa. Lãnh đạo giáo hội cần vận động tín đồ phật tử thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, đặc biệt trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong lĩnh vực phòng, chống Covid-19, Chủ tịch nước đánh giá cao việc giáo hội đã tổ chức các sự kiện tôn giáo phù hợp với diễn biến dịch. Thời điểm này, giáo hội cần xem xét việc tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến, tránh tụ tập đông người.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nước ta luôn tôn trọng tự do tôn giáo, không chỉ với đạo Phật. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và chính sách nhất quán với mọi tôn giáo.
“Các bộ, ngành, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam và đoàn thể có trách nhiệm chăm lo chính sách cho tôn giáo. Bên cạnh đó, các tôn giáo cần thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và đấu tranh với hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo”, người đứng đầu Nhà Nước cam kết.
Tùng Lâm