8
category
441823

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ: Nghị định 64 không áp vào cá nhân như Thủy Tiên

Hồng Anh 23/10/2020 12:03

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, không nên quá khắt khe khi một người có tấm lòng nhân hậu như ca sĩ Thủy Tiên đứng ra giúp đỡ đồng bào. Về mặt pháp luật, việc này không vi phạm.

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 23/10, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam – dành nhiều thời gian phân tích rõ về việc làm từ thiện của một số cá nhân, tổ chức trong đợt lũ lụt ở miền Trung.

Nhắc đến trường hợp ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện, bà Thu khẳng định đây là việc làm đáng trân trọng, nên khuyến khích.

Cá nhân làm rất rủi ro và vất vả

– Thưa bà, với tư cách là người đứng đầu một trong những tổ chức được vận động, tiếp nhận các nguồn tiền ủng hộ, bà nghĩ thế nào về việc một cá nhân đứng lên kêu gọi từ thiện nhưng không thông qua MTTQ, Hội Chữ thập đỏ hay các tổ chức khác?

– Trong thiên tai thảm họa, những ai có tấm lòng thiện nguyện đều rất mong muốn làm việc gì đó giúp đỡ đồng bào – những người gặp hoạn nạn, không phân biệt ca sĩ hay dân thường, nhà hảo tâm hay các tổ chức, cá nhân có chức năng vận động và thực hiện nhiệm vụ nhân đạo.

Việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn, lặn lội đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào là rất đáng hoan nghênh, chúng ta cần trân trọng.

Thuy Tien lam tu thien khong vi pham phap luat anh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Có lẽ không nên quá khắt khe khi một người có tấm lòng nhân hậu như vậy đã đứng ra giúp đỡ đồng bào của mình lúc gặp khó khăn. Việc huy động được nhiều hay ít là do uy tín của từng cá nhân, tập thể. Vận động được nhiều thì sẽ có nhiều người được giúp đỡ và có nhiều cơ hội hơn để giúp người khác.

Tuy nhiên, một cá nhân đứng ra làm thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro và rất vất vả, đặc biệt với nguồn tiền rất lớn thì sức của một người không thể làm hết được.

Còn về mặt pháp luật, họ không vi phạm gì. Theo Bộ luật Dân sự, họ là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người khác tin tưởng, gửi gắm họ đến cho những người cần nhận. Tức là họ được ủy thác, theo luật là được phép. Họ không đại diện cho tổ chức nào nên họ hoàn toàn có quyền làm việc đó.

Vấn đề là làm thế nào để số tiền người khác ủy quyền họ đến đúng người, đúng nơi, không bị lợi dụng, vì thực tế đã có trường hợp lợi dụng nguồn từ thiện này.

Việc ca sĩ Thủy Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn, lặn lội đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào là rất đáng hoan nghênh, chúng ta cần trân trọng.

Mặt khác, nếu nguồn tiền đó phân phối không công bằng, không có tiêu chí rõ ràng như các tổ chức nhân đạo đang làm thì sẽ phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội, thậm chí phát sinh sự mất đoàn kết của nhân dân trong cộng đồng khi người được người không, họ sẽ phân bì. Chưa nói đến việc sẽ hỗ trợ cái gì, cái gì cần trước mắt, cái gì cần lâu dài.

Nhưng tôi nghĩ những cái này, người làm từ thiện sẽ suy nghĩ làm thế nào để giúp được nhiều nhất mà không bị mang tiếng nhất. Tôi luôn hy vọng ca sĩ Thủy Tiên sẽ chọn được cho mình cách làm tốt.

– Nghị địnhh 64 của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai… chỉ quy định 3 tổ chức được quyền tiếp nhận nguồn tiền hỗ trợ. Theo bà, có nên quy định cho các cá nhân được thực hiện việc này để công tác từ thiện, nhân đạo có sức lan toả lớn hơn?

– Nghị định 64 thực chất là để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và đó là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân.

Nếu lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của cô Thủy Tiên là không đúng.

Nghị định 64 đã ban hành lâu rồi, đến nay cần sửa đổi một số điều. Đó là Nghị định giúp Nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, lợi dụng, và đặc biệt vận động, phân phối được đến đúng người, đúng nơi, đúng chỗ và hiệu quả.

Thuy Tien lam tu thien khong vi pham phap luat anh 2
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cho rằng lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên là không đúng. 

Nghị định 64 vẫn có điểm khuyến khích những cá nhân có thể tham gia làm công tác thiện nguyện và cũng phải tôn vinh họ nếu như họ làm đúng, không vi phạm, đặc biệt là không bị lợi dụng.

Nếu họ làm đúng quy định của pháp luật, họ không làm gì sai thì mình phải khuyến khích và tôn vinh họ.

Cứu trợ những gì dân cần, không phải những gì mình có

– Câu chuyện lũ lụt ở miền Trung và cả nước kêu gọi ủng hộ miền Trung đã diễn ra nhiều lần, nhiều năm nay. Nhưng cách thức tiếp nhận ủng hộ, hỗ trợ vẫn như cũ khiến nhiều trường hợp, người dân không được hỗ trợ kịp thời trong những trường hợp cấp bách như thiên tai, bão lũ. Theo bà, cần thay đổi cách thức thực hiện như thế nào?

– Đúng là năm nào nước ta có cũng những nơi xảy ra thiên tai và mỗi lần như thế người dân cả nước đều mong muốn được đến để trợ giúp bằng những hình thức khác nhau. Đó cũng là nhu cầu chính đáng. Nhưng theo quy định về cứu trợ quốc tế, có 3 nguyên tắc cần phải tuân thủ.

Nghị định 64 thực chất là để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và đó là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân.

Nguyên tắc thứ nhất là không phân biệt đối xử với những người ở những vùng xảy ra thảm hoạ. Thứ hai là không tạo áp lực cho những người tại đó, kể cả nạn nhân, kể cả chính quyền và các lực lượng. Nguyên tắc cuối cùng là giúp những gì họ cần thay vì mình giúp những gì mình có.

Chính vì thế, phải có những tổ chức chuyên nghiệp làm công tác này và có sự điều phối của chính quyền, các lực lương chức năng, đặc biệt là các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ – là tổ chức chuyên nghiệp trong công tác nhân đạo.

Nếu làm tự phát dễ xảy ra rối loạn, như hiện nay ở trong Quảng Bình có rất nhiều đội vào để cứu trợ nhưng phương tiện không có, điều kiện tiếp cận gia đình, địa điểm cần thiết cũng rất khó. Từ đó, nơi tiếp cận dễ thì nhận nhiều hỗ trợ, chỗ khó khăn và rất cần lại không có.

Vì thế, vẫn cần liên hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan đầu mối như ban cứu trợ, MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thuy Tien lam tu thien khong vi pham phap luat anh 3
Nhiều đoàn từ thiện vào hỗ trợ bà con miền Trung nhưng không có phương tiện đi vào những vùng cần cứu trợ.  

– Trong buổi làm việc tại Quảng Trị ngày hôm qua, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình và thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lưu ý việc “phát hiện một số lãnh đạo địa phương (cấp cơ sở) chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà”. Theo bà, đây có phải nguyên nhân khiến người dân mất niềm tin, không tin tưởng vào các tổ chức cứu trợ?

– Cái này chỉ là cá biệt từ vài cá nhân ở cơ sở. Có thể chính gia đình họ cũng cần và họ cũng không nghĩ việc làm đấy ảnh hưởng đến hình ảnh của cán bộ, chính quyền. Tôi nghĩ miếng lương khô không phải to tát mà họ cố lấy về cho gia đình mình. Thế nhưng cũng phải rút kinh nghiệm. Việc này đã được các lực lượng liên quan quán triệt.

Lương khô là hàng Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh. Dù các tổ chức cộng đồng tham gia rất nhiều nhưng so với hỗ trợ của Chính phủ là rất nhỏ bé. Nguồn lực ở địa phương và hỗ trợ của Chính phủ mới là chủ yếu, nếu không có người dân không được an toàn như bây giờ.

Ở đâu có tiêu cực thì phát hiện, chấn chỉnh, xử lý ngay, nhưng không thể vì thế mà dân không tin vào chính quyền, phủ nhận nỗ lực của họ.

Trong lúc tất cả người dân đang hướng về miền Trung, bất cứ hành động nào tuy là nhỏ đều trở thành vấn đề mang bức xúc cho xã hội. Nhưng tôi nhắc lại, đây là cá biệt chứ không phải phổ biến.

Thực sự trận lũ này gây hậu quả quá lớn và thiệt hại ngay chính lực lượng đi cứu nạn, người dân ở đó, nên chính quyền cũng như quân đội với trách nhiệm rất lớn, họ đã làm hết sức mình.

Để giám sát công tác cứu trợ, Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan chức năng với phương châm “4 tại chỗ”, ở nơi xảy ra thiên tai, chính quyền và lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn nhưng đồng thời giám sát những công việc liên quan.

Còn ở quy mô rộng hơn, một vùng hay một tỉnh thì Chính phủ có lực lượng để chỉ đạo thực hiện công tác cứu hộ đồng thời giám sát, đó là các tổ chức: MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị xã hội… nhằm tránh những sự việc đáng tiếc.

Đọc nhiều