Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chủ động và nhiệt thành thiết lập quan hệ Việt – Mỹ

13/07/2020 10:34

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chủ động và nhiệt thành mở đường cho quan hệ Việt Mỹ.

Tiếc là do hoàn cảnh lịch sử, sự nhiệt thành của Người chưa trở thành hiện thực ngay thời bấy giờ, nên cả hai nước đã phải trải qua những trang sử đau thương trước khi trở thành đối tác quan trọng của nhau.

Chủ động tiếp xúc với OSS 

Năm 1941, sau khi trở về nước lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức được vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với nền chính trị thế giới và khu vực, vì vậy đồng thời với xây dựng lực lượng cách mạng, Người đã tìm cách xây dựng mối quan hệ hữu hảo với lực lượng Mỹ đồn trú ở Trung Quốc.

Tháng 2 năm 1945, sau khi lực lượng Việt Minh cứu được Trung úy phi công Mỹ là William Shaw (máy bay của viên phi công này bị quân đội Nhật Hoàng bắn rơi ở Việt Bắc), Hồ Chí Minh đã trực tiếp đưa viên phi công sang trao trả cho Bộ Tư lệnh Không quân số 14 của Mỹ đang đồn trú ở Vân Nam. Người đã gặp, trao đổi với tướng Chenault, Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc và thiết lập được mối quan hệ với Mỹ và các lực lượng Đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chủ động và nhiệt thành thiết lập quan hệ Việt Mỹ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chủ động và nhiệt thành thiết lập quan hệ Việt Mỹ

Thông qua các cuộc tiếp xúc của Người, Cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ (tiền thân của CIA) đã giúp đỡ Việt Minh điện đài, thuốc men và vũ khí nhẹ… Tuy đây chỉ là sự giúp đỡ mang tính tượng trưng, nhưng đã mở ra sự giúp đỡ của các nước đồng minh đối với cách mạng Việt Nam.

Ngày 29/8/1945, tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Archimedes L.A.Patti (Trưởng phòng Đông Dương của cơ quan tình báo chiến lược OSS ở Hoa Nam) là người nước ngoài duy nhất được Hồ Chí Minh mời nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc Lập và trao đổi về một số chủ trương, kế hoạch tương lai của Việt Nam. Trong đó có việc tổ chức ngày Lễ tuyên bố Độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

Không những vậy, L.A.Patti là một trong số ít người nước ngoài được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ công bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong buổi lễ trang trọng, thiêng liêng nhất của quốc gia, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”.

Cho nên không phải ngẫu nhiên, những dòng đầu tiên bản Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích từ nội dung tinh túy nhất trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, để bảo vệ nền độc lập non trẻ, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã xác định: “Đối với Mỹ, việc ngoại giao mới có đôi phần kết quả, cần phải nhanh chóng tiến tới để Mỹ chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và giao hòa với chúng ta”.

Trên quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với Chính phủ Mỹ. Sau khi Chính phủ lâm thời về Hà Nội, Người ưu tiên dành thời gian tiếp xúc, trao đổi với các sỹ quan Mỹ ở Hà Nội như thiếu tá Thomas, thiếu tá Archimedes L.A.Patti… để chuyển thành ý của Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Tổng thống Harry Truman và các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ.

Những bức thư của Người gửi tới Mỹ

Để xây dựng mối quan hệ Việt Mỹ lâu dài, trên nhiều lĩnh vực, ngày 1/11/1945, trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn “gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Qua đó cho thấy sự khéo léo và tầm nhìn của Người trong quan hệ với Mỹ.

Ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry Truman. Người đã cảnh báo về “những hệ lụy đối với an ninh thế giới từ sự xâm lược của Pháp vào Việt Nam”.

Bức thư cũng thể hiện sự đồng tình ủng hộ của Việt Nam với quan điểm Tổng thống Mỹ về nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc: “Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28/10/1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”.

Cuối thư, Người bày tỏ hy vọng “Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước” và cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Tiếp đó, trong thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Chỉ sau hơn 1 năm đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “tám lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, giới thiệu tình hình Đông Dương, đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam, góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương”. Qua đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dốc tâm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Nhưng có lẽ do cân nhắc giữa mối quan hệ với “đồng minh chiến lược” của Mỹ khi đó là Pháp với việc ủng hộ một Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập và đang phải đối mặt với “muôn vàn gian khó”, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nên Tổng thống Harry Truman đã chọn giải pháp im lặng trước tình cảm nhiệt thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nước Mỹ.

Vì vậy mối quan hệ Việt Mỹ đã rẽ sang một hướng khác đầy chông gai. Mỹ đã tiếp tay cho thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Sau khi Pháp thua trận, Mỹ trực tiếp can dự, đưa quân xâm lược Việt Nam (1954 1975). Tiếp đến là thời kỳ Mỹ thực hiện bao vây, cấm vận Việt Nam (1975 1994). Có thể nói đây là giai đoạn lịch sử bi thương nhất trong quan hệ Việt Mỹ.

Điều tất yếu đã diễn ra

Nhưng rồi trước xu thế hội nhập, và vai trò vị trí của nước này đối với sự phát triển và thực hiện các mục tiêu chiến lược của nước kia; trước yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng của mỗi nước, của khu vực và thế giới, cái gì đến rồi cũng phải đến. Và điều tất yếu đã diễn ra, ngày 12/7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra chương mới tốt đẹp cho quan hệ giữa hai nước.

Cách đây 5 năm, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trích Truyện Kiều rất hợp người, hợp cảnh khi kết thúc bài diễn văn mừng kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ trong tiệc chào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao nước chủ nhà (nằm trong chương trình chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư tháng 7/2015), bằng 2 câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Nguyễn Huy Viện/VNN

Đọc nhiều