Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Kiến nghị chỉ đạo các tỉnh không phản đối nhiệt điện than
Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Theo vị này, với công nghệ hiện đại sử dụng lò siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, các nhà máy nhiệt điện than hiện tại và tương lai không gây ảnh hưởng môi trường lớn.
Hệ thống điện hầu như không còn dự phòng
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành công thương ngày 27/12, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị xung quanh việc phát triển các dự án nguồn điện.
Theo ông Ngãi, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện đến năm 2030. Tuy nhiên việc cung cấp than, khí cho phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể về cung cấp than, ông Ngãi cho biết dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn; năm 2025 khoảng 70 triệu tấn, tới năm 2030, khoảng 100 triệu tấn.Trong khi khả năng cung cấp than trong nước chỉ đáp ứng được 30-35 triệu tấn.
Như vậy theo ông Ngãi, nhu cầu than nhập khẩu trở lên cấp bách trong khi phương án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than vẫn chưa được triển khai.
Nguồn khí cũng đang suy giảm và dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới. Các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh tiến độ triển khai chậm so với dự kiến.
Về cung cấp dầu, ông Ngãi cho hay, trong các năm tới, do các nguồn điện than vào chậm, cần phải tăng cường huy động chạy dầu, nhu cầu cầu có thể lên tới 1-2 triệu tấn/năm. EVN cần tính toán kỹ về phương án nhập và tài chính, tránh trường hợp phải tăng giá điện đột xuất hoặc thua lỗ do phải tăng cường chạy điện từ dầu, ông Ngãi lưu ý.
Đáng lưu ý theo Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, hầu hết các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch điện VII điều chỉnh đều bị chậm tiến độ từ 2-4 năm. Trong các năm tới nếu nếu không điều hành quyết liệt sẽ xảy ra thiếu điện trầm trọng.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ chỗ có dự phòng khoảng 20% trong các năm 2015 – 2017 đến hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021 – 2025 khả năng xảy ra thiếu hụt nguồn điện.
Thủ tướng: Tiếp tục phát triển nhiệt điện than, dư luận không đồng tình
Đưa ra một số giải pháp để bảo đảm hệ thống điện, ông Trần Viết Ngãi cho rằng chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ các dự nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021 – 2025 và sau năm 2025 được phê duyệt trong Tổng sơ đồ điện VII.
Đồng thời tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, đồng thời bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện 220kV liên quan đến mua điện nhập khẩu. Đôn đốc đảm bảo tiến độ của Khí Cá Voi Xanh và cụm nhiệt điện miền Trung vận hành các năm 2023 – 2024.
Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình.
Theo lý giải của ông Ngãi, với công nghệ hiện đại sử dụng lò siêu tới hạn, trên siêu tới hạn do đó các nhà máy nhiệt điện than hiện tại và tương lai không gây ảnh hưởng môi trường lớn, cần được khuyến khích làm nguồn điện chủ lực.
Bên cạnh đó, do tình hình cấp bách các dự án nguồn điện phía Nam bị chậm tiến độ, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng kiến nghị Thủ tướng ít 2 tháng 1 lần trực tiếp nghe chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khí; các tổng thầu, các tập đoàn, các địa phương xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn để có chỉ đạo cụ thể.
Ngoài ra, ông Ngãi cũng cho rằng Chính phủ đưa ra quyết định tổ chức đấu thầu điện mặt trời là hết sức kịp thời. Điện mặt trời cần lưu ý chất lượng tấm pin do vậy ông Ngãi cho rằng, nếu chất lượng kém, giá rẻ, tuổi thọ ngắn thì trong ít năm tới sẽ thành phế thải gây ô nhiễm môi trường.
“Việt Nam có bờ biển dài 3.200km có tiềm năng về điện gió ngoài khơi, đề nghị Chính phủ có chủ trương cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư điện gió ngoài khơi. Đây là nguồn năng lượng tái tạo chủ lực bởi vì có hiệu quả vượt trội, số giờ vận hành cao, điện phát ra lớn không thua kém các dự án nhiệt điện than khí”, ông Ngãi kiến nghị.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng phát biểu, kiến nghị có nhiều ý hay. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu nói tiếp tục phát triển điện than thì dư luận chưa chắc chấp nhận.
Thủ tướng cho biết đồng ý đẩy mạnh các dự án điện đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển nhiều dự án điện than mới ở Việt Nam, lo ngại dư luận không đồng tình. Nếu phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh.
Kết luận, Thủ tướng cho rằng phát triển năng lượng nói chung, các dự án điện nói riêng là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện. “Không được thiếu điện” là mệnh lệnh Thủ tướng giao cho ngành điện.
Nguyễn Mạnh/DTO