130115
topics
476591

Chủ tịch Chu Ngọc Anh đề nghị khai báo y tế bắt buộc đối với người địa phương khác về Hà Nội

15/02/2021 17:09

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 chiều 15.2.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, tất cả các khâu truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu và xét nghiệm đã được đảm bảo, theo kịp tình hình. Những ca F0 đã được xử lý triệt để. Hơn 10.000 tổ giám sát cộng đồng rất quan trọng, đã theo sát tình hình và thực hiện các khâu chống dịch. Trên cơ sở các biện pháp triển khai đã đảm bảo kiểm soát dịch, giúp cho nhân dân đón Tết ấm cúng, an toàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Chu Ngọc Anh cho biết, với ca bệnh người Nhật Bản đã được thành phố vào cuộc như một ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngành y tế lấy mẫu kịp thời toàn bộ cho những người bên trong khách sạn với tốc độ nhanh.

Ngoài ra, Hà Nội đã lấy đủ mẫu của các nhân viên Cụm cảng Hàng không tại sân bay Nội Bài. Hà Nội đã xử phạt nghiêm ca bệnh 2009 khai báo không trung thực, những người không đeo khẩu trang.

Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm xác định được nguyên nhân ca bệnh người Nhật Bản. Hà Nội lo ngại tới đây hàng triệu người quay trở lại làm việc và học tập. Do đó, Hà Nội đã cho học sinh phổ thông trở xuống nghỉ học hoặc học trực tuyến đến hết tháng 2. Thành phố đề nghị nhân dân và phụ huynh chia sẻ để sớm dập dịch. Với các trường đại học, Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục cho sinh viên học trực tuyến, thay cho việc tập trung học tại lớp, tại trường.

Ông Chu Ngọc Anh cho biết, đối với việc người từ các địa phương về, Hà Nội đề nghị các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ Thành phố trong việc khai báo y tế bắt buộc để kiểm soát. Trên địa bàn Hà Nội có các tổ COVID-19 cộng đồng, cảnh sát khu vực sẽ đến từng nơi để kiểm soát quyết liệt, đảm bảo mọi hoạt động của nhân dân trên địa bàn.

Hải Dương: Không giãn cách khó chặn được nguồn lây

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tại tỉnh Hải Dương, ngày hôm qua cơ quan Thường trực đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương. Bộ Y tế nhận thấy nguồn lây nhiễm trong cộng đồng của Hải Dương đang hiện hữu, có thể có nguy cơ lây nhiễm tiếp tục trong cộng đồng, không ngắt được chuỗi lây nhiễm này. Cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp, tổng số mẫu xét nghiệm của Hải Dương đã lên tới hơn 90.000 mẫu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.

Mặc dù Bộ Y tế nhận thấy tốc độ truy vết, khoanh vùng, tốc độ giải quyết các trường hợp F1 vẫn chậm hơn tốc độ lây nhiễm của ổ dịch. Ông Long rất quan ngại với một số huyện của Hải Dương như Cẩm Giàng, Kinh Môn… hết sức đáng chú ý. Chí Linh đã được phong tỏa nên có thể tạm yên tâm.

Vấn đề tiếp theo là cần giải quyết vấn đề cách ly đối với Hải Dương. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực, cố gắng thực hiện cách ly tất cả F1 nhưng do dịch xảy ra nhanh, ở mức độ lớn nên việc cách ly F1 đối với Hải Dương hết sức khó khăn. Hải Dương đã phải tận dụng tất cả các cơ sở để có thể cách ly được. Do đó, Bộ Y tế nhận định, quan ngại có thể có sự lây nhiễm trong khu cách ly. Ông Long cho biết, sáng nay Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã họp và thống nhất và sẽ tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh. Nếu không thì sẽ rất khó chặn được nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế lấy dẫn chứng việc giãn cách tại Đà Nẵng trước đó. Thời điểm đó khi tiến hành giãn cách xã hội, xét nghiệm kháng thể trong cộng đồng đã phát hiện ra một số trường hợp nhiễm bệnh mà trước đó không phát hiện được. Khi làm 5.640 mẫu đã phát hiện 38 mẫu dương tính. Do đó, việc giãn cách xã hội đã giúp cho tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng được kiểm soát. Chính vì vậy, Bộ Y tế hoanh nghênh Hải Dương trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Về vấn đề cách ly, Bộ Y tế nhận thấy nguy cơ lây nhiễm COVID-1 trong các khu cách ly của Hải Dương rất cao; vẫn có sự giao lưu, tụ tập trong khu cách ly. Do đó, Bộ Y tế đề nghị giao lại toàn bộ những điểm cách ly lớn cho quân đội quản lý từ việc vận hành đến giám sát.

Hai giả thiết cho ca bệnh tử vong người Nhật

15h45, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cập nhật tình hình dịch bệnh trong cả nước và đề xuất những giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới.

Ảnh: VGP

Đối với TP Hồ Chí Minh, từ ngày 2.2 đến nay không ghi nhận thêm ca mới. Số mẫu xét nghiệm đã rà soát nhóm có nguy cơ cao ở thành phố, với hơn 40.000 mẫu cũng chưa phát hiện trường hợp nào.

Ông Nguyễn Thanh Long đánh giá cơ bản chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng như Bộ Y tế đã có phân tích, đánh giá có thể có mầm bệnh trong cộng đồng. Qua giám sát vừa qua thì nhận thấy nguy cơ đó ở mức độ thấp.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho rằng đối với Thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh thì có lượng người đi lại lớn, giao lưu phức tạp, có thể có yếu tố tiềm ẩn, hiện hữu trong cộng đồng nên Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cần tiếp tục thực hiện việc giãn cách tại những điểm có ca bệnh.

Đối với Hà Nội, ông Long cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất là ngày 13.2 có ca lây nhiễm và một người nước ngoài tử vong tại khách sạn. Trường hợp này đã qua thời gian cách ly tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 17 – 31.1, đủ thời gian, qua 2 lần xét nghiệm. Người này được cách ly tại khách sạn cùng với 34 người.

Qua trích xuất camera cho thấy đã cho thấy 14 ngày cách ly tại khách sạn đã thực hiện nghiêm việc cách ly, không có chuyện tiếp xúc với bên ngoài. Kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương sáng nay cho thấy, người này có nồng độ virus ở mức khá cao. Vì vậy, Bộ Y tế đưa ra 2 giả thiết và giả thiết đang được hướng tới nhiều nhất là trường hợp này mới lây nhiễm, có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội, không phải từ F0.

Sau trường hợp này, Hà Nội cũng phát hiện 2 trường hợp dương tính khác, xét nghiệm cho thấy nồng độ virus cũng ở mức độ cao. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết, Bộ Y tế đang cho giải trình bộ gen, sau 48 giờ sẽ có kết quả và có thể biết được chủng cũng như nguồn gốc của bệnh nhân này.

Giả thiết thứ 2 của ca bệnh này là lây nhiễm tại cơ sở cách ly. Điều này có thể xảy ra nhưng mức độ rất thấp. Những người đi cùng bệnh nhân người này đều cho kết quả âm tính. Do đó trường hợp này nghiêng về phương án 1.

Sáng nay Bộ Y tế đã trao đổi với Hà Nội, coi đây là trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng của Thành phố. Do đó cần triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch cần thiết như khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu ở một số khu vực bệnh nhân đã đến. Hà Nội tiếp tục đề cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ hơn. Đặc biệt cần theo dõi người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 15.1 trở lại đây. Đối với các địa phương khác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cơ bản đã ổn.

Các địa phương cần phải tiếp tục quyết liệt hơn

15h, phát biểu mở đầu buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm ngoái Thường trực Chính phủ họp mùng 3 Tết, năm nay họp mùng 4 Tết để thấy tình hình dịch bệnh dù nước ta có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Do đó cần có những quyết sách, quyết liệt cụ thể hơn nữa để ngăn chặn, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch COVID-19 ở nước ta.

Cuộc họp hôm nay, các đơn vị sẽ được nghe Ban Chỉ đạo quốc gia trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các ngành đề xuất những biện pháp mới cần thiết.

Theo Thủ tướng, những ngày này xuất hiện ca mới ở Hà Nội, dư luận đang ồn ào việc một người Nhật tử vong. Vấn đề quan trọng nhất không phải dịch bệnh như thế nào mà là nguyên nhân nào và đặc biệt giải pháp nào trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian qua, dịch đã có những diễn biến nhanh, kể từ tháng 7, tháng 12 nhưng với tinh thần bình tĩnh, khẩn trương nên ngành y tế, các địa phương đã chủ động, quyết liệt và triển khai kịp thời hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch. Trong đó, các biện pháp như tăng cường lực lượng, chỉ đạo trực tiếp, có những biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.

Đến nay, cơ bản các địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những biện pháp rất mạnh để xử lý tình hình tại địa phương mình. Tỉnh Quảng Ninh đã có những biện pháp tập trung cao, xét nghiệm diện rộng để kịp xử lý.

Đã có hàng ngàn cán bộ y tế được tăng cường cho các địa phương, cho những ổ dịch lớn.

“Tôi đã gặp lãnh đạo ngành y tế, y tế các địa phương để chuyển lời thăm hỏi, động viên cần thiết các chiến sĩ áo trắng. Chúng ta đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực của Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành, ngành y tế của các địa phương” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương mạnh dạn đề xuất một số vấn đề như vaccine. Thủ tướng khẳng định cần có vaccine trong tháng 2 và sau cuộc họp này Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp riêng để bàn phương thức cụ thể hơn để sớm có vaccine cho người dân.

Thủ tướng cho rằng vấn đề giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Các địa phương cần phải tiếp tục quyết liệt hơn. Vấn đề dừng các lễ hội sau Tết, Hà Nội đã cho dừng lễ hội Chùa Hương. Các địa phương cần phải bàn vấn đề này, phải có quyết tâm để xử lý, không thể mất cảnh giác. Đặc biệt cần tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, trong đó có vấn đề đeo khẩu trang, không tập trung đông người. Tiếp tục mạnh mẽ hơn, xử lý, xử phạt mạnh hơn, có chế tài cụ thể hơn như Hà Nội đã làm.

TP Hồ Chí Minh cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Tất cả những vấn đề này cần được thảo luận và kết luận tại cuộc họp hôm nay. Công tác phòng chống dịch giai đoạn hiện nay cần cao hơn một mức mới, ngăn chặn có hiệu quả các đợt dịch đang diễn ra.

Tiếp tục cập nhật

Tình hình dịch COVID-19 tại Hải Dương tương đối phức tạp

Trước đó, theo bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 lúc 6h sáng nay xác nhận 1 ca mắc mới (BN2229) là ca nhập cảnh.

– Ca bệnh 2229 (BN2229): Nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia công ty TNHH Mitsui, Việt Nam. Bệnh nhân nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam ngày 17.01.2021 tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại phường 2, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh từ 17-31.1, có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 (vào các ngày 17 và 31.1). Ngày 1.2, bệnh nhân bay ra Hà Nội và trú tại một khách sạn ở quận Tây Hồ.

Trong khoảng thời gian từ ngày 01-13.2, bệnh nhân đi lại, làm việc giữa khách sạn và công ty. Khoảng 19h ngày 13.2, bệnh nhân được phát hiện tử vong trong phòng khách sạn. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 14.2, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Nguyên nhân tử vong đang được điều tra làm rõ.

Tính đến 6h ngày 15.2: Việt Nam có tổng cộng 1330 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay: 637 ca.

Tính từ 18h ngày 14.02 đến 6h ngày 15.02: 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:

– Số ca tử vong: 35 ca.

– Số ca điều trị khỏi: 1.534 ca.

Tại tỉnh Hải Dương, xuất phát từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương quyết định sẽ triển khai các biện pháp cách ly xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0h ngày 16.2.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, tính đến hết ngày 14.2, tổng số ca mắc cộng dồn trên địa bàn tỉnh là 461 trường hợp. Trong đó, đã có 55 trường hợp được công bố khỏi bệnh và ra viện.

Các ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại 11 thành phố, thị xã, huyện của Hải Dương, trong đó Chí Linh là địa phương có số ca mắc cao nhất, tiếp đó là Cẩm Giàng, Kinh Môn.

Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương vẫn còn khó lường và có thể kéo dài. Trước tình hình đó, tỉnh Hải Dương thay đổi phương thức xét nghiệm không chỉ tại các khu cách ly nữa mà mở rộng ra toàn cộng đồng dân cư tại các khu vực đang bị phong tỏa, đầu tiên là tại tâm dịch thành phố Chí Linh.

Từ ngày 14.2, lực lượng lấy mẫu gồm hơn 100 người chia ra làm 15 tổ đến tất cả các điểm đang phong tỏa ở 19 xã phường của thành phố Chí Linh để lấy mẫu nhanh nhất có thể.

Đọc nhiều