Chủ mưu sát hại tướng Soleimani và những lý do thực sự

08/01/2020 21:13

1 giờ sáng ngày 3-1-2020 (giờ Trung Đông), không quân Mỹ tiến hành một vụ không kích bất ngờ bằng tên lửa không đối đất Hellfire AGM-114A phóng từ máy bay chiến đấu điều khiển từ xa Pretador MQ-9 nhằm vào khu vực sân bay quốc tế Baghdad. Hậu quả của cuộc không kích này là thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy trưởng các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ QUDS của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng. Cùng bị thiệt mạng trong vụ ám sát này còn có tướng Abu Mahdi al-Muhandis, người đứng đầu “Lực lượng động viên nhân dân Iraq” (Popular Mobilization Forces – PMF) hình thành trong tiến trình liên minh Iraq-Iran để chống lại ISIS. Vụ ám sát này đã khiến tình hình Trung Đông căng thẳng trở lại cũng như quan hệ Mỹ-Iran vốn đã rất xấu lại càng xấu thêm.

Cái bắt tay chặt chẽ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu 2 tháng trước khi xảy ra vụ ám sát tướng Qassem Soleimani.

Về chính trị-ngoại giao, đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei thề sẽ trả thù cho tướng Qassem Soleimani. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả thích đáng mọi cuộc tấn công phản đòn từ phía Iran. Về kinh tế, một loạt chỉ số chứng khoán từ New York đến London, đến Tokyo, đến Thượng Hải .v.v… đều giảm điểm. Vàng tăng giá kỷ lục. Giá dầu mỏ tuy chưa có biến động nhiều nhưng cũng có nguy cơ tăng giá theo kiểu đồng biến với quan hệ căng thẳng Mỹ – Iran.

Thực ra thì thế giới này mỗi khi trải qua những biến cố xung đột nào đó và bắt đầu có những khoảng lặng hòa bình thì ngay sau đó lại xuất hiện những biến cố mới, những nguy cơ xung đột mới. Những điều này đều do chính con người gây ra. Và một câu hỏi muôn thuở sẽ lại xuất hiện: “Ai cần đến những xung đột ấy ?”

1- Đất nước có nhiều tướng chỉ huy tử trận nhất kể từ sau cuộc xâm lược Iraq 2003

Thiếu tướng Qassem Soleimani không phải là vị tướng đầu tiên và duy nhất của Iran tử trận ở nước ngoài trong các cuộc xung đột ở Trung Đông từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Chỉ tính riêng tại cuộc Chiến tranh Syria kéo dài từ năm 2011 đến nay, đã có 5 vị tướng chỉ huy cao cấp của Iran thiệt mạng trên chiến trường này. Ba tướng lĩnh đầu tiên của Iran tử trận ở Syria trong thời gian từ 2011 đến 2014 gồm thiếu tướng Farshad Hasunizade, chuẩn tướng Hamid Mohtarbanda và thiếu tướng Hossein Hamedani.

Tướng Qassem Soleimani nhận huân chương Zolfaghar do Đại giáo chủ Ayatolah Ali Khamenei đích thân trao tặng

Tháng 10-2015, chuẩn tướng Reza Khavari, Cố vấn quân sự của Iran bên cạnh tổng thống Syria Bashar Al Assad cùng 8 sĩ quan và binh sĩ Iran đã tử trận trong một cuộc đụng độ với quân ISIS ở Hamas, miền Trung Tây Syria. Trong số các sĩ quan Iran thiệt mạng tại trận đánh này còn có đại tá Bakeri Niyaraki, một trong những chỉ huy kỳ cựu của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), từng là vệ sĩ của cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Ngày 13-12-2015, đến lượt chuẩn tướng Fada Hossein, người thay thế tướng Reza Khavari trong vai trò cố vấn quân sự cao cấp của Iran cũng bị quân ISIS hạ sát.

Giống như thủ lĩnh ISIS Al Baghdadi, bản thân tướng Qassem Soleimani cũng được bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây cho “chết” nhiều lần trước khi chết thật ngày 2-1-2020 vừa qua. Năm 2006, khi tổng thống Mahmoud Ahmadinejad còn đang cầm quyền, một máy bay quân sự của Iran gặp tai nạn và rơi trên vùng sa mạc miền Nam Iran, tướng Qassem Soleimani được cho là đã thiệt mạng trong vụ này. Chỉ một tuần sau, ông xuất hiện trong một cuộc diễu binh ở Teheran. Năm 2012, tướng Qassem Soleimani được tờ New Yorrk Time cho là đã thiệt mạng trong một vụ không kích mất ngờ của không quân Israel vào thủ đô Damascus của Syria. Nhưng chỉ nửa tháng sau, cũng chính tờ báo ấy lại đăng tin tướng Qassem Soleimani đang chỉ huy các binh sĩ đặc nhiệm QUDS của Iran chiến đáu bên cạnh lực lượng Houthis ở Yemen.

Tháng 11-2016, bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây nhất loạt đưa tin tướng Qassem Soleimani đã tử trận trong một trận đánh giữa quân chính phủ Syria (SAA) với phiến quân ISIS tại chiến trường Aleppo. Phía Iran không có ý kiến về thông tin này nên người ta nghĩ là Qassem Soleimani đã chết thật Tuy nhiên, đến ngày 7-1-2018, khi đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei chủ trì cuộc meeting kỷ niệm 40 năm cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran (1978-2018), người ta lại thấy ông xuất hiện trên đoàn chủ tịch cuộc meeting bên cạnh tổng thống Hassan Rouhani, phó tổng thống thứ nhất Eshaq Jahangiri, chủ tịch quốc hội Ali Larijani, chánh án tòa án tối cao Ebrahim Raisi và nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Iran.

Qassem Soleimani được Mỹ cùng các đồng minh NATO và đặc biệt là Israel coi là một nhân vật cực kỳ nguy hiểm đối với họ, nhất là từ khi Mỹ cùng với Canada và Arabia Saudi liệt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Ở Trung Đông, lực lượng đặc nhiệm QUDS của Iran có vai trò và hoạt động gần giống với đơn vị viễn chinh Cuba do Che Guevara cgir huy ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh những năm 1965-1968. Và cũng như Che Guevara cùng các đồng chí của mình, Qassem Soleimani cùng các chỉ huy thuộc quyền đều nằm trong tầm ngắm của hai tổ chức tình báo hàng đầu thế giới là CIA của Mỹ và MOSSAD của Israel. Sự khác nhau lớn nhất giữa hai người này là Che Guevara truyền bá chủ nghĩa xã hội theo lý tưởng Mác – Lê nin. Còn Qassem Soleimani truyền bá tư tưởng chủ nghĩa xã hội kiểu Hồi giáo Shia.

Dù chỉ mang quân hàm thiếu tướng (tương đương trung tướng ở Việt Nam) nhưng uy tín của Qassem Soleimani đối với người dân Iran, đối với lực lượng vũ trang Iran nói chúng và đối với lực lượng đặc nhiệm QUDS là hết sức to lớn. Chính trung tướng Mỹ Mark Hertling, chuyên gia phân tích tình báo về khủng bố và an ninh nội địa thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã phải thừa nhân: “Ông ấy đã chiến đấu cả đời. Những người lính của ông ấy yêu mến ông ấy. Ông ấy là một người trầm tính, có sức lôi cuốn, một thiên tài chiến lược và một nhà điều hành chiến thuật hoàn hảo… Nếu nhìn ông ấy từ quan điểm của kẻ thù thì điều đó sẽ tạo ra rất nhiều sự giận dữ”. Còn Đại giáo chủ Ayatolah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran thì coi ông là “một vị tử vì đạo sống của cách mạng”.

Chính bản thân tướng Qassem Soleimani cũng biết rằng ông đang ở vào một tình thế nguy hiểm, luôn bị kẻ thù săn lùng để tiêu diệt. Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước các nhà báo quốc tế hồi tháng 10-2019, Qassem Soleimani đã nhận định rằng chính Israel đã nhiều lần tiến hành các âm mưu ám sát ông cùng với Hassan Nasrallah, chỉ huy phong trào Hezbollah ở Lebanon được Teheran hậu thuẫn.

Thế nhưng vụ ám sát Qassem Soleimani lại được người Mỹ mà cụ thể là đích thân Tổng thống Donald Trump đứng ra nhận trách nhiệm với hàng loại cáo buộc những “tội lỗi” mà Qassem Soleimani đã gây ra đối với binh lính Mỹ. Trong khi đó thì Israel lại không hề có một lời nào nhắc đến việc kẻ thù nguy hiểm nhất của họ bị tiêu diệt. Quả là có điều gì đó không bình thường ở đây.

2- Vết răng của Israel trong các vụ tấn công nhằm vào Vệ binh cách mạng Iran

Không chỉ từ khi nội chiến ở Syria nổ ra, người ta mới biết đến những hoạt động ám sát của MOSSAD nhằm vào các lãnh tụ của Phong trào giải phóng dân tộc Palesstin (PLO) và nhằm vào những thế lực yểm trợ cho PLO ở Trung Đông như chính quyền Iran, chính quyền Syria, chính quyền Iraq (thời Saddam Hussein), chính quyền Libya (thời Mohamed Gahdafi), lực lượng Herzbollah,… Không những thế, các hoạt động bí mật của MOSSAD còn nhằm vào cả các đồng minh Arab của Mỹ ở Trung Đông như Arabia Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar .v.v…

Trong tình thế bị bao vây lọt thỏm giữa một thế giới Arab có tư tưởng tôn giáo hoàn toàn trái ngược và thù địch với mình, đó là một trong những phương cách tòn tại của Israel. Từ khi lập quốc vào năm 1948 đến nay, những người Israel đã coi hoạt động bí mật ở nước ngoài là một trong các phương cách để bảo vệ đất nước của họ từ sơm, từ xa. Bên cạnh đó, từ năm 1967, để tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô trong khu vực, người Mỹ không chỉ viện trợ cho Israel nhiều vũ khí và tiền bạc mà quan trọng hơn, đã giúp Israel rẩt đắc lực trong việc phân hóa các đối thủ.

Bằng việc thâu tóm các cơ sở khai thác và lọc hóa dầu ở Arabia Saudi, Kuwait, Qatar, UAE… đều là những nước theo giáo phái Sunny của Đạo Hồi đồng thời, “bơm tiền” mua chuộc các “ông vua dầu mỏ” ở Trung Đông, Mỹ đã lợi dụng “mối thù truyền kiếp” giữa hai giáo phái này để tạo cho Israel một số lực lượng tuy không phải là đồng minh nhưng ít ra cũng không quyết liệt bài Do Thái, chống Isarael. Ngay sau khi Cách mạng Hồi giáo Iran thành công năm 1979, lật đổ vua Pahlevi, chính Mỹ đã kích động mâu thuẫn giữa hai cường quốc Hồi giáo Iraq (có lãnh tụ Saddam Hussein theo Hồi giáo Sunny) và Iraq (theo Hồi giáo Shia) dẫn đến cuộc chiến tranh 10 năm giữa hai nước này. Thêm vào đó, cánh FATAR của Palestin, với sự trung gian hòa giải của Mỹ dẫ chuyển hướng sang đấu tranh chính trị. Những điều này đặc biệt có lợi cho Israel. Ngoại trừ những hành động bạo lực chống đối của nhóm vũ trang HAMAS đã ly khai khỏi PLO, Israel về cơ bản đã loại trừ hay ít nhất cũng đẩy lùi nguy cơ chiến tranh từ phía các nước Arab.

Có thể thấy ngay rằng Qassem Soleimani không phải là một nhân vật chống Mỹ một cách trực diện. Trong tiến trình liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) cũng như tiền thân của nó là Al-Qaeda, Iran có liên minh quân sự với Iraq. Quân đội Iran (chủ yếu là Vệ binh Cách mạng) đã tham gia vào các chiến dịch đánh dẹp lực lượng ISIS ở miền Bắc Iraq và Syria trong khi vẫn tiếp tục yểm trợ cho lực lượng Houthis chống Arabia Saudi ở Yemen và lực lượng Herzbollah chống Israel ở Lebanon. Mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran dù có căng thẳng trong thời gian gần đây khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước P5+1 nhưng cũng không hẳn là “không đội trời chung” như với ISIS của Al Baghdadi hay Al Qaeda của Bin Laden.

Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết đòi chính phủ yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi Iraq vì đã giết một yếu nhân người Iraq là tướng Abu Mahdi al-Muhandis, người đứng đầu “Lực lượng động viên nhân dân Iraq” (Popular Mobilization Forces – PMF) trong vụ tấn công tên lửa tại sân bay Baghdad ngày 3-1-2020.

Ở Trung Đông, ông Donald Trump đã tính đến việc giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Trung Đông sau khi đã tiêu diệt Al Baghdadi và về cơ bản, ISIS đã bị đánh sập. Mỹ, với sự trung gian hòa giải của Nga cũng đã ngăn chặn được cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm và các lực lượng người Kurd, một đồng minh phi chính phủ của Mỹ trong khu vực. Trong điều kiện ấy, Iran không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Mỹ nhưng lại được coi là mối đe dọa nguy hiểm đối với Arabia Saudi và Israel, hai “đồng minh ruột” của Mỹ ở Trung Đông. Về phía người Iran, họ cũng không có động cơ gây chiến trực tiếp với Mỹ. Họ chỉ yêu cầu người Mỹ hãy rời khỏi Trung Đông, để các vấn đề ở Trung Đông do người Arab tự giải quyết.

Bà Agnès Callamard, báo cáo viên đặc biệt Liên hợp quốc coi đó là một hành động phi pháp. Báo cáo của Agnès Callamard chỉ rõ: “Mục đích giết Qasem Soleimani và Abu Mahdi al-Muhandis rất có thể vi phạm luật pháp quốc tế bao gồm luật nhân quyền… Mỹ cần chứng minh rằng những người mà họ đã nhằm vào tấn công là một đe dọa sắp xảy ra tới những người khác. Nếu không thì vụ giết người này sẽ bị coi như một hành động khủng bố”. Thế nhưng, Nhà Trắng đã không thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục để biện minh cho hành động của mình.

Do đó, xét về “động cơ gây án” thì động cơ của Mỹ trong vụ ám sát tướng Qassem Soleimani là hết sức mờ nhạt, các chứng cứ buộc tội tướng Qassem Soleimani và các đồng sự của ông cũng rất không rõ ràng. Nếu xét đến “động cơ gây án” thì chắc chắn Israel mà trực tiếp là MOSSAD có những lý do giàu sức thuyết phục hơn để tiến hành vụ ám sát. Nhưng tại sao người Mỹ lại đứng ra nhận trách nhiệm duy nhất đối với vụ ám sát này trong khi Israel hoàn toàn im lặng ?

3- Những thành phần đầu cơ các cuộc xung đột ở Trung Đông và trên thế giới

Có mấy nguyên nhân cơ bản để lý giải việc này.

Thứ nhất, nước Mỹ không thể tồn tại mà không có kẻ thù. Điều đó bắt nguồn từ việc nước Mỹ đã trở thành một “đế chế toàn cầu” và tuyên bố rằng lợi ích cốt lõi của Mỹ là lợi ích toàn cầu, bất chấp việc nhân loại có đồng ý với điều đó hay không, có sẵn sàng hy sinh lợi ích của quốc gia-dân tộc mình cho lợi ích của Mỹ hay không. Kinh nghiệm tồn tại và diệt vong của các đế chế trên thế giới, từ các đế chế nô lệ, phong kiến cổ đại như Lưỡng Hà, Trung Hoa, La Mã, Mông Cổ đến các đế chế tư bản hiện đại như trục phát xít Đức – Ý – Nhật sớm muôn đều diệt vong bởi sự vùng lên của chính những người bị bóc lột và áp bức. Nói cách khác, các đế chế, bất kể là nô lệ, phong kiến hay tư bản, đều tự động tạo ra những kẻ thù của nó. Đó là vấn đề có tình quy luật và diễn biến một cách hết sức tự nhiên, không hề tuân theo ý chí chủ quan của bất kỳ một con người nào, một thế lực nào.

Người Mỹ hiện nay có biết điều đó không ? Chắc chắn là họ biết ! Và họ lại càng biết điều đó rõ hơn từ sau khi Liên Xô sụp đổ, còn Mỹ thì trở thành cường quốc chính trị-kinh tế-quân sự duy nhất, không có đối thủ. Chính khi đó, quy luật mâu thuẫn “đế chế-chư hầu”, “chủ nô-nô lệ”, “thực dân-thuộc địa” bắt đầu phát huy tác dụng. Người Mỹ, đặc biệt là giới tư bản tài phiệt Mỹ mà trong đó có quả nửa là người gốc Do Thái nhận thức rằng cả thế giới sẽ đứng lên chống lại cường quyền của nước Mỹ. Và nếu tiếp tục hành xử phương cách dùng bạo lực để đàn áp vũ trang thì sớm muộn, “đế chế Mỹ” sẽ đi vào vết xe đổ của tất cả các đế chế đã từ tồn tại trên trái đất này. Nhưng vì quyền lợi có hữu của mình, giới tư bản tài phiệt Mỹ không bao giờ có thể hy sinh quyền lợi của họ để giải phóng thể giới. Đó là điều chắc chắn !

Để giải quyết mấy mâu thuẫn cơ bản nêu trên, giới tinh hoa của nước Mỹ từ đầu thế kỷ XX đã nghĩ ra một phương cách. Đó là tạo ra những kẻ thù giả, hoặc nửa thật nửa giả để hướng lái nền chính trị toàn cầu, làm chệch hướng mục tiêu đấu tranh tự giải phóng mình của loài người nói chung. Trong suốt hơn 100 năm từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thể kỷ XX, các phong trào xã hội chủ nghĩa trở thành đối tượng triệt hạ của Mỹ và các đồng minh. Tất nhiên là trong giai đoạn chiến tranh lạnh, Mỹ không thể ra mặt săn lùng những người cộng sản như “săn phù thủy” hồi đầu thế kỷ XX nhưng mục tiêu của Mỹ và các đảng phái tư sản trên thế giới vẫn không vì thế mà thay đổi.

Sau khi Liên Xô sụp đổ và chủ nghĩa xã hội không còn là một hệ thống thế giới, trong tâm trí của nhiều người và của chính các nhà tư bản đầu sở Mỹ, chủ nghĩa cộng sản không còn là một thế lực có khả năng đe dọa nước Mỹ. Người Mỹ, giống như những hiệp sĩ thời trung cổ, buộc phải vác gươm đi tìm những “kẻ thù mới” đẻ “tỉ thí”, vừa để đánh lạc hướng sự quan tâm của nhân loại tới só phận của chính mình, vừa để xoa dịu các mâu thuẫn cơ bản, vừa để cứng minh cho “sức mạnh vô địch” của mình. Người Mỹ răn đe tất cả những ai có ý tưởng chống lại họ bằng tuyên bố: “Hoặc là đi theo Mỹ, hoặc là chống lại Mỹ” và “chống lại Mỹ có nghĩa là chống lại thế giới”

Từ mô hình thử nghiệm Mujahedeen để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở Nam Á, người Mỹ với sự giúp sức của SIS (Cơ quan tình báo Pakistan) đã tạo nên “con ngoáo ộp” Taliban. Từ Taliban người Mỹ lại tiếp tục tạo ra một Al Qaeda còn tàn bạo hơn. Để rồi bắt đầu từ sau vụ 11-9-2001, Mỹ gộp tất cả các thế lực đó vào một “cái túi chung” là “khủng bố”. Bên cạnh “mục tiêu công kích” là “chủ nghĩa xã hội” người Mỹ có thêm một “mục tiêu” mới là “chủ nghĩa khủng bố”. Đây là điều rất có lợi cho đế chế tư bản Mỹ. Bởi nếu như hướng tư tưởng của loài người đi theo con đường “chống khủng bố” tuy có vẻ cụ thể nhưng thực chất lại hết sức mù mờ để người ta quên đi lý tưởng xã hội chủ nghĩa thì tại sao lại không tạo ra “khủng bố” như một thứ “hình nhân thế mạng” nhỉ ?

Đó chính là lý do mà hết Al Qaeda lại đến ISIS xuất hiện, hết chiêu bài “Trục ma quỷ” Cuba-Triều Tiên-Iran yểm trợ khủng bố lại đến chiêu bài “Vệ binh cách mạng Iran” là khủng bố được Mỹ tung ra một cách có chủ đích. Tất cả những ai đã từng biết đến luận thuyết “chiến tranh giữa các nền văn minh” của Semuel Huntington tung ra vào những năm cuối cùng của thế kỷ XXI cũng như tiếp xúc với các báo cáo mật về các kịch bản “Hòa bình kiểu Mỹ”, Thế giới theo Davos”, “Các Khalifas mới” và “Những chu kỳ sợ hãi” cho CIA soạn thảo đều có thể nhận thức được những ý đồ của người Mỹ trong việc quy chụp cho tổ chức này, tổ chức kia là “khủng bố”.

Thứ hai, vụ ám sát tướng Qassem Soleimani là một hành động dằn mặt của Washington đối với một tổ chức vũ trang chính thức của một quốc gia bị Mỹ coi là khủng bố chứ không phải là một hành động ngăn chặn trước những vụ tấn công vào người Mỹ có thể xảy ra. Đó là vì người Iran không hề có ý định tấn công nước Mỹ, họ chỉ hành động vì lợi ích của họ ở Trung Đông. Vụ ám sát này cũng không giải quyết vấn đề người Mỹ tưởng tượng ra vì Qassem Soleimani chết thì đã có tướng Esmail Ghaani thay thế ngay sau đó. Và ông này thề sẽ “dọn” sạch lính Mỹ khỏi Trung Đông. Không phải ngẫu nhiên mà một số nghị sĩ Mỹ cho rằng với vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, ông Donald Trump đã đặt tính mạng của bình lính Mỹ và những nguwofi Mỹ khác đang có mặt ở Trung Đông vào thình thế nguy hiểm.

Nhưng chừng đó liệu đã đủ để buộc người Mỹ phải ra tay một cách tàn độc như vậy không ? Để chống lại Iran, Mỹ có nhiều lựa chọn khác và đã thực hiện nó như bao vây, cầm vận về kinh tế, trừng phạt về chính trị và ngoại giao, kích động các phong trào chống đối bên trong lãnh thổ Iran. Hơn nữa, cho dù có quân đồn trú tại Iraq nhưng người Mỹ vẫn để cho Iraq bắt tay với Iran để tạo lập “Lực lượng động viên dân sự” (PMD) chống lại quân ISIS nhằm… đỡ “tốn máu người Mỹ”. Và vì IRGC không phải là một tổ chức ô hợp do CIA “nặn” ra như Al Qaeda, như ISIS nên việc Mỹ nắm được thông tin về vị trí đoàn xe của tướng Qassem Soleimani và các trợ thủ của ông một cách cực kỳ chính xác là điều rất khó thực hiện được. Vậy ai đã giúp Mỹ làm việc đó ?

Đến đây, vết răng của Israel bắt đầu lộ diện. Một Iran tuy đối đầu với Mỹ nhưng chưa hẳn đã là nguy hiểm trực tiếp với Mỹ. Lực lượng vệ binh cách mạng IRGC hay QUDS cũng vậy. Mục tiêu của các lực lượng này là truyền bá cách mạng Hồi giáo kiểu Shia ở Trung Đông chứ không phải sang Mỹ. Nhưng đối với Israel thì không phải thế. Israel có hai đối thủ ở hai tầm mức khác nhau ở Trung Đông. Một Ai Cập theo Hồi giáo Sunny không còn là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Israel. Một Arabia Saudi là đồng minh của Mỹ cũng không còn là mối đe dọa với Israel, ít nhất là trong hiện tại. Một Syria tuy thù địch với Israel nhưng hoàn toàn bị phá hủy sau 9 năm chiến tranh cũng không còn là mối nguy hiểm bậc nhất đối với nước này. Tất cả chỉ còn lại Iran. Tuy không có biên giới trực tiếp với Israel nhưng lực lượng QUDS của Iran có giá trị như cánh tay nối dài của Iran có thể là mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với Israel.

Và có thể Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu đã bắt tay thực hiện vụ không kích Qassem Soleimani. Theo đó, các nhân viên tình báo MOSSAD đang có mặt nhan nhãn ở Baghdad chịu trách nhiệm chỉ điểm, cung cấp chính xác tọa độ của đoàn xe chở tướng Qassem Soleimani cho không quân Mỹ. Còn người Mỹ thì chịu trách nhiệm “bấm nút”.

Kể từ khi không quân Mỹ bắn rơi chiếc máy bay chở đô đốc hải quân Nhật Isoroku Yamamoto vào năm 1943, thì đây mới là lần thứ hai trong lịch sử hiện đại, quân đội Mỹ ám sát tướng chỉ huy của đối thủ. Sau khi vụ ám sát hoàn tất, Donald Trump đứng ra nhận trách nhiệm về phía người Mỹ, giấu Israel sau lưng để tránh cho nước này khỏi phải hứng chịu cơn giận giữ từ thế giới Hồi giáo Trung Đông, bất chấp việc người Iran tuyên bố: “Mỹ càng đưa thêm quân đến Trung Đông thì các chiến binh Hồi giáo lại càng có thêm nhiều mục tiêu để hạ sát”.

* Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả

Đại tá Nguyễn Minh Tâm

Đọc nhiều