Chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán nhà ở xã hội cao

Bích Ngân 28/10/2024 10:41

Chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán nhà ở xã hội cao, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khó tiếp cận.

Đó là hai nhận định được đưa ra trong báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Đa số các địa phương chỉ phát triển hình thức nhà ở xã hội xây dựng bằng nguồn vốn ngoài nhà nước

Theo thống kê giai đoạn 2015 – 2023, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 567.000 căn.

Trong đó có 373 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 193.000 căn, 129 dự án đã khởi công với quy mô gần 115.000 căn và 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 258.000 căn.

“Số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu.

Hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra. Có nơi không phù hợp nhu cầu dẫn đến không có người mua, người thuê, gây lãng phí nguồn lực”, báo cáo nhận định.

Theo đoàn giám sát, các địa phương đều đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Tuy nhiên việc thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 – 2030) chưa đạt yêu cầu.

Đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng, nên đa số các địa phương chỉ phát triển hình thức nhà ở xã hội xây dựng bằng nguồn vốn ngoài nhà nước.

Về quỹ đất, đoàn giám sát cho hay đa số địa phương đã quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt các quy hoạch và khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải bố trí quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội.

Chính phủ đã huy động, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có khó khăn cần cải thiện về nhà ở.

Bên cạnh đó việc thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội đều được các địa phương chú trọng, tăng cường.

Tuy nhiên nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Việc bố trí vốn, huy động vốn phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, đoàn giám sát cũng nêu Luật Nhà ở năm 2014 quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khi mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện.

Theo đó người mua phải chưa có nhà ở, cư trú trên địa bàn tỉnh có dự án và thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Các điều kiện này làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính nhưng cơ bản các sở, ban, ngành tuân thủ quy định khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, việc xét duyệt đối tượng và xác minh điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội còn nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà.

Một số quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương thiếu chặt chẽ nên gây khó khăn khi triển khai, thời gian thực hiện kéo dài.

Bích Ngân 

Đọc nhiều