262
topics
485152

Chốt phương án đầu tư “cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành” hơn 24.000 tỷ đồng

16/03/2021 10:58

Tại Hội nghị sơ kết tình hình hợp tác phát triển giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước diễn ra mới đây, lãnh đạo hai địa phương này đã trao đổi, thảo luận để thống nhất một số nội dung liên quan trong công tác phối hợp tham mưu đề xuất triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, dài 69 km, quy mô 6 – 9 làn xe, khái toán kinh phí khoảng 24.150 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền vùng nam Tây Nguyên, xuyên qua vùng lõi kinh tế trọng điểm phía nam, với trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP. HCM, kết nối để đưa hàng hoá các cảng biển TP.HCM về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Đây cũng là tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước đến sân Quốc Tế bay Long Thành, Đồng Nai.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có chiều dài 69 km, với điểm đầu tại ngã tư Bình Phước (TP HCM), điểm cuối tại Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Dự án có quy mô 6 – 9 làn xe, tiến trình đầu tư định hướng đến năm 2030, khái toán kinh phí khoảng 24.150 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 57 km. Đoạn xây dựng trên cao dự kiến dài 28 km, đoạn đi dưới thấp dài 32 km, dự kiến xây dựng khoảng 10 cầu vượt; định hướng đầu tư đường cao tốc với 6 – 8 làn xe, mặt cắt nền đường khoảng 64 m.

Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước đề xuất đầu tư quy mô 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đăk Nông – Chơn Thành dự kiến sẽ đấu nối trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Bí thư hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước thống nhất giao UBND hai tỉnh hoàn chỉnh báo cáo đánh giá chương trình hợp tác giữa hai địa phương và xây dựng chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2021 – 2026.

Đồng thời thống nhất cùng TP HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện điều chỉnh hướng tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành cho phù hợp với quy hoạch chung của các địa phương.

Lãnh đạo hai địa phương cũng đề xuất phương án triển khai thực hiện giai đoạn 2021 – 2030 theo hình thức đối tác công tư (PPP); kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 và giao tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.

Trong đó đặc biệt lưu ý các hoạt động đầu tư kết nối hạ tầng giao thông và đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu để tham mưu hai tỉnh phương án đấu nối các tuyến đường, các nút giao,… để bảo đảm tính khả thi, tránh bị động khi triển khai thực hiện.

Khải An

Tags :
Đọc nhiều