8
category
329950

Chống sụt lún ĐBSCL, phải giải bài toán nước ngầm

25/10/2019 11:03

Khai thác nguồn nước ngầm là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sự sụt lún này đã được các chuyên gia mổ xẻ tại Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội hôm 24-10.

Chống sụt lún ĐBSCL, phải giải bài toán nước ngầm - Ảnh 1.
Kè bêtông ở bờ biển Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bị sạt lở từ nhiều năm nay – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tình trạng sụt lún, hạn hán hoặc lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại ĐBSCL diễn ra từ lâu. Cuối tháng 8 vừa qua, TS Philip Mindehoud (người Hà Lan) và các đồng nghiệp đã công bố nghiên cứu khoa học quy mô đáng chú ý, dựa trên đo đạc số liệu và mô hình nước ngầm 3-D, một phương pháp mới được mô tả sẽ giúp quan sát chuẩn xác hơn về độ cao của ĐBSCL hiện nay.

Nghiên cứu trên là một phần trong dự án Rise and Fall của một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Utrecht Hà Lan, Đại học Cần Thơ, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS) và Deltares Hà Lan thực hiện.

Sụt lún 1-3cm/năm

Nghiên cứu cho thấy khác với những kết quả có được từ quan sát vệ tinh, thực tế ĐBSCL hiện nay đang thấp hơn rất nhiều và tốc độ sụt lún mỗi năm cao hơn so với dự đoán trước đó. Cụ thể, Rise and Fall nhận thấy khu vực đang sụt lún 1-3cm mỗi năm và con số sẽ cao hơn với tình trạng khai thác hiện nay, cũng như việc những yếu tố liên quan không được cải thiện.

Tác nhân chính dẫn tới sụt lún tại ĐBSCL là việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức. Do cấu tạo của lớp địa chất bên dưới, một nguồn nước ngầm bị rút lên phục vụ nhu cầu sinh hoạt, canh tác hay nuôi tôm của khu vực này dẫn tới sụt lún.

TS Mindehoud cho biết cứ 1m3 nước ngầm được khai thác từ tầng ngậm nước dưới lòng đất thì 13m3 nước ngọt dự trữ bên dưới sẽ mất đi vì bị nước mặn tự nhiên xâm nhập. Việc này tạo ra hệ lụy nhiễm mặn.

Thực tế nước biển chỉ dâng cao vài milimet mỗi năm, nhưng sụt lún kết hợp tác động từ biến đổi khí hậu lại khiến ĐBSCL “chìm” có chỗ 5cm tối đa, tức gấp 10 lần hệ lụy từ mực nước biển.

Trong khi nguồn nước ngầm tương đối lớn và có thể được phục hồi, tình trạng xây đập thượng nguồn (các dự án của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong – PV) và việc khai thác cát vô tội vạ sẽ khiến các con sông thiếu trầm tích, từ đó không thể bù đắp sụt lún đất, ông Mindehoud nói.

Cân bằng tái tạo và khai thác

Nghiên cứu của Rise and Fall có thể xem là bằng chứng nghiên cứu để làm cơ sở xác nhận và nâng cao nhận thức về sự sụt lún ở ĐBSCL, một trong những địa điểm các trường đại học Hà Lan chọn làm mẫu nghiên cứu. Trong bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nature, nhóm tác giả lưu ý ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất và dường như thấp nhất trên thế giới.

Từ việc nhìn nhận vấn đề sụt lún cũng như phân tích tất cả các nhân tố ảnh hưởng tới sụt lún, giới khoa học đề xuất giải pháp cho các chính phủ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về giải pháp, TS Mindehoud cho rằng vì có nhiều nhân tố tác động tới sự sụt lún cũng như viễn cảnh ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển, các giải pháp phải được triển khai đồng bộ.

Lấy ví dụ: sẽ mất nhiều năm để khôi phục mạch nước ngầm và tình trạng sụt lún kể cả khi ngừng khai thác nước ngầm toàn diện, nhưng trong thời gian ấy cũng cần có “ngoại giao đập ngăn nước” với các quốc gia thượng nguồn Mekong.

Khi được hỏi về các giải pháp tại Hà Lan, bao gồm chính sách về khai thác nước ngầm, Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Hà Lan phụ trách quản lý nước và biến đổi khí hậu Laurent Umans cho rằng cách tốt nhất không phải là cấm khai thác. Thay vào đó, ông gợi ý về việc đo đạc khoa học, xác định mức độ khai thác cho phép.

“Vấn đề chính là chúng ta không rút nước ngầm nhiều hơn nguồn tái tạo của nó. Còn khi nhu cầu tăng lên, có thể dùng quy định và khuyến nghị như kêu gọi ý thức của người dân về sử dụng nước, đặt ra mức tiêu thụ cho phép, hoặc khó hơn chút là yêu cầu họ trả tiền cho nước ngầm, thậm chí nghiêm nhất là cấm khai thác hoặc có biện pháp trừng phạt. Tất cả các chính sách đều phải được kết hợp với nhau hiệu quả để tìm sự cân bằng giữa tiêu thụ và cung cấp” – ông Umans nói.

Theo ông Umans, bài học lớn nhất mà Hà Lan – quốc gia nằm dưới mực nước biển và phải chịu chi phí sống cao vì điều này – có thể truyền tải là: “Lạm dụng tài nguyên quá mức sẽ chỉ mang lại một cái kết chết chóc”.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều