419
category
433274

Chống phá Việt Nam dưới vỏ bọc hội thảo nhân quyền

Bảo An 24/09/2020 18:06

Theo thông tin được các đối tượng “dân chủ” tung ra, hôm 18/9 vừa qua, một số hội nhóm và tổ chức NGO đã tổ chức cái gọi là Hội thảo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Và dĩ nhiên, những thông tin, luận điệu được đưa ra vẫn không đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.

Các đối tượng đang rêu rao thông tin về cái gọi là Hội thảo nhân quyền cho Việt Nam

Chống phá dưới chiêu bài hội thảo nhân quyền

Nhân quyền vẫn luôn là một mảnh đất màu mỡ để các đối tượng chống phá, cơ hội chính trị cũng như các thế lực thù địch sử dụng để tấn công chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thực tế, những giá trị nhân quyền hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng trong việc nhận thức. Trong khi một số quốc gia đang đề cao những giá trị nhân quyền cá thể thì nhiều quốc gia khác lại đặt nhân quyền trong khuôn khổ pháp luật, giới hạn một số quyền hạn về tự do, nhân quyền để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như những lợi ích chung của cộng đồng. Lợi dụng vấn đề khác biệt trong nhận thức như trên, một số thế lực đang rêu rao, cổ súy cho thứ nhân quyền ích kỷ, hẹp hòi cá nhân; coi nhân quyền cao hơn chủ quyền, sử dụng nhân quyền để tiến hành “xâm lăng” trong tình hình mới.

Riêng đối với Việt Nam, chiêu bài nhân quyền vẫn luôn là một mũi nhọn được các thế lực thù địch cũng như các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị tận dụng hòng cổ súy những tư tưởng sai lệch, hình thành nhận thức lệch lạc về nhân quyền, chia rẽ, kích động tư tưởng chống đối, mất đoàn kết dân tộc. Không khó để nhận thấy các đối tượng đang tiến hành xuyên tạc vấn đề nhân quyền trên rất nhiều phương diện. Từ việc chê bai, đả kích thực trạng phân hóa giàu – nghèo; tuyên truyền xuyên tạc tình hình giải quyết các vụ án hình sự và vấn đề thi hành án hình sự cho đến tấn công, chống phá việc tự do ngôn luận, tự do tôn giáo v.v…

Để hiện thực hóa hoạt động chống phá, bên cạnh việc tiến hành xuyên tạc thông tin thông qua viết, đăng tải, chia sẻ các tin bài có nội dung sai trái, đưa ra các bản tuyên bố, phúc trình, xếp hạng không khách quan, các đối tượng còn tiến hành việc chống phá thông qua hình thức hội thảo. Lợi dụng vỏ bọc khoa học, các đối tượng biến nó thành một diễn đàn để rêu rao những luận điệu lệch lạc, tiêu cực; đưa ra những kiến nghị, đề nghị sai trái.

Quay lại với cái gọi là Hội thảo nhân quyền cho Việt Nam mà các đối tượng đang rêu rao, không khó để thấy những người tham gia Hội thảo hầu hết đều là những đối tượng cơ hội chính trị cũng như các đối tượng người nước ngoài có cái nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm đối với Việt Nam. Trong đó, những cái tên có thể kể đến là Nguyễn Văn Đài, Helena Hương Nguyễn (một thành viên của tổ chức phản động Việt Tân) hay Tổ chức ân xá quốc tế (một tổ chức phi chính phủ có cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện chí đối với Việt Nam).

Vẫn như thường lệ, trong cái gọi là Hội thảo nhân quyền cho Việt Nam, các đối tượng vẫn đưa ra những thông tin, nhận định, tình hình sai lệch về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam như “… tình hình nhân quyền Việt Nam rất tệ hại, và chính giới Đan Mạch, chính giới Âu châu cần phải quan tâm và đẩy mạnh hơn và theo dõi việc đáp ứng các yêu cầu trong Hiệp định EVFTA của Việt Nam, cũng như trong thỏa thuận giữa Việt Nam và Đan Mạch”, “mong muốn rằng từ nay tất cả những hội đoàn, tổ chức dân sự tại Đan Mạch có những báo cáo về nhân quyền, và tình trạng của các nghiệp đoàn lao động độc lập tại Việt Nam”…

Những giá trị nhân quyền đích thực

Thời gian quan, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là điều không thể chối cãi. Trong chính sách phát triển của Việt Nam, con người luôn nằm ở vị trí trung tâm, là động lực cho sự phát triển. Đồng thời, những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội cũng để phục vụ cho chính việc phát triển con người.

Tại Việt Nam, nhân quyền là giá trị phổ cập cho tất cả mọi người. Không một ai, không một thế lực nào có quyền đòi hỏi nhân quyền một cách hẹp hòi, ích kỷ, chỉ cho riêng mình. Và đặc biệt, không có thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền.

Hơn ai hết, Việt Nam là một quốc gia phải đối mặt với nhiều nỗi đau do chiến tranh gây ra. Những con người Việt Nam chân chính luôn hiểu phải có chủ quyền quốc gia, phải sống trong đất nước do chính mình làm chủ mới có thể được hưởng những giá trị nhân quyền đích thực. Vì vậy, không một ai có quyền bán rẻ lợi ích quốc gia, dân tộc, đặc biệt là đánh đổi chủ quyền quốc gia để có được một vài cái gọi là “nhân quyền” hẹp hòi, ích kỷ.

Việt Nam còn phải tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, trở thành một quốc gia vững mạnh, giàu có và có vj thế lớn trên thế giới. Chỉ khi nào đất nước thực sự giàu có, thực sự vững mạnh thì những giá trị nhân quyền mới bền vững.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều