Chống dịch như chống giặc nhưng cứu kinh tế phải hơn cứu hỏa

09/04/2020 08:48

Khôi phục những gì đã mất do khủng hoảng kinh tế gây ra cần thống nhất trên quan điểm chỉ khôi phục những điều tốt đẹp, những giá trị đã được chứng minh để đất nước phát triển trong giai đoạn tiếp theo. 

Đại dịch Covid-19 là đòn chí mạng gián xuống đầu cả nhân loại. Tính cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã làm khuynh đảo cuộc sống bình thường của hơn ½ số dân trên thế giới.

Kinh tế toàn cầu có nhiều khả năng rơi vào khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, rất khó lường, tác động cực kỳ xấu đến mọi hoạt động của cả loài người. Đại dịch Covid-19 đã bồi thêm các cú đấm vào nền kinh tế vốn đã bị tổn thương do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mà thực chất là cuộc chiến giành ngôi vương.

Các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có cả nước ta, song song với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp “chống dịch như chống giặc”, đang gồng mình “cứu kinh tế”. Người viết quan niệm: chống dịch là cứu mạng sống con người, còn cứu kinh tế là cứu cuộc sống con người. Hơn thế nữa không cứu được cuộc sống thì cũng khó lòng cứu được mạng sống. Sớm, muộn dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, nhưng cuộc sống con người vẫn tồn tại mãi mãi.

Với quan niệm như vậy, Việt Nam chúng ta cần phải xem “cứu kinh tế như cứu hỏa”, thậm chí phải “hơn cứu hỏa”. Giành lại “cuộc sống” không kém cam go, khốc liệt so với giành lại “mạng sống”.

Do giới hạn của bài viết, tác giả chỉ xin dừng lại vài điều về giải cứu kinh tế mang tính thời sự. Còn những vấn đề dài hơi hơn một chút, xin phép gác lại sau.

Việt Nam chưa bao giờ tăng trưởng âm kể cả trong giai đoạn cùng quẫn

Trước hết, để tránh hiểu nhầm, xin nhắc lại điều sau đây: Những nước có quy mô lớn thường lấy tiêu chí: “kinh tế suy thoái”, tức tiêu chí kinh tế tăng trưởng ÂM để chỉ mức độ khó khăn, mức độ khủng hoảng kinh tế. Để chỉ mức độ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người ta cũng dùng tiêu chí này. Còn nước ta, do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nên kể cả khi nền khó khăn nhất, kiệt quệ nhất, khủng hoảng nặng nề nhất cũng chưa bao giờ biểu hiện ra bên ngoài bằng con số kinh tế tăng trưởng âm.

Chẳng hạn, nước ta đã từng rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội nặng nề trong hơn 10 năm, từ cuối những năm 70 cho đến năm cuối cùng của những năm 80, vậy mà chưa năm nào kinh tế nước ta tăng trưởng âm cả. Xin xem con số cụ thể ở chú thích (*). Những năm đó đa số người dân mơ có một bửa cơm no, mơ có một bữa cơm có thịt, mơ có đủ vải để may một bộ áo quần trong một năm.

Người dân thành phố thì chỉ được phân phối theo tem, phiếu trong khi Nhà nước cũng kiệt quệ đến mức không có ngoại tệ để mua lương thực, buộc phải thương lượng với những nước bạn bè Ấn Độ, Indonesia để vay lúa mì hoặc bo bo về cung cấp cho dân ăn.

Vậy mà, xin nhắc lại, kinh tế chưa năm nào tăng trưởng âm cả  Chẳng hạn, năm 1986 là một trong chuỗi hơn 10 năm nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng, lạm phát gần 800%/năm… GDP năm 1986 vẫn tăng 2,8%/năm.

Kể lại kinh nghiệm tăng trưởng trên, tôi cho rằng không chỉ dùng thước đo GDP “DƯƠNG” hay “ÂM” để đánh giá thực trạng nền kinh tế như các nước phát triển, mà phải dùng nhiều tiêu chí khác nữa.

Khi dùng tiêu chí GDP thì không nên chỉ dùng số lượng, mà quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng để đánh giá thực trạng kinh tế. Cần thận trọng khi dùng tiêu chí tăng trưởng kinh tế GDP trong so sánh với các nước, kể cả các nước trong khu vực.

Chống dịch như chống giặc nhưng cứu kinh tế phải hơn cứu hỏa
“Phục hồi” là giai đoạn tất yếu giữa giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế với giai đoạn phát triển tiếp theo. Ảnh: Lê Anh Dũng Kinh tế nước ta đang rơi vào giai đoạn vô cùng khó khăn

Bước vào năm 2020, kinh tế nước ta đã có một quý đầu năm tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm gần đây (tăng 3,82% so cùng kỳ). Thực ra, từ 2005 đến nay chỉ có 2 năm GDP quý I tăng so cùng kỳ dưới 4%. Đó là năm 2009 năm khó khăn nhất do khủng hoảng tài chính khu vực gây ra và đó là năm cuối cùng trước khi bước vào giai đoạn phục hồi. Và năm nay, do khủng hoảng kép, nhất là do đại dịch Covid-19 gây ra. Và đây lại là năm đầu của thời kỳ khủng hoảng, tình hình xấu hơn đang còn ở phía trước.

Tăng trưởng kinh tế quý II sẽ còn giảm sút sâu hơn nữa là điều chắc chắn. Vấn đề chỉ còn là giảm sâu đến mức độ nào, có rơi vào suy thoái theo quan niệm của các nước không, kéo dài trong bao lâu mà thôi. Vài tuần qua, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã có tiến hành nghiêm cứu sơ bộ và bước đầu đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của ta trong vài quý tới và cả năm 2020. Số liệu cụ thể đã được công bố rộng rãi, xin phép không nhắc lại.

Người viết cho rằng nguyên nhân tăng trưởng kinh tế nước ta quý II sẽ còn giảm sút rất sâu có nhiều, người viết xin dừng lại ở hai nhóm chính:

Một, rất trực tiếp trước mắt, do quyết định thực hiện “cách ly xã hội” 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4 và có thể phải kéo dài thêm, với hàng loạt biện pháp mạnh hơn về ngừng nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh chưa thật sự cấp bách. Và tới đây, không loại trừ việc buộc phải gia hạn thời gian “cách ly xã hội” và áp dụng thêm nhiều biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhanh và trên diện rộng hơn, vì Việt Nam chưa thể coi là đã khống chế và kiểm soát được Covid-19.

Địa phương này, địa phương kia còn nhân danh chống dịch, thực hiện “vượt quá giới hạn” quy định của Thủ tướng Chính phủ đến mức “ngăn sông, cấm chợ” là hành vi này đáng phải bị lên án bởi chính nó  làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đã rất khó khăn càng thêm khó khăn, bế tắc, càng đẩy thêm vô số người lao động phải ra đứng đường.

Hai, nền kinh tế nước ta có độ mở thuộc nhóm hàng đầu thế giới; nền công nghiệp, động lực tăng trưởng kinh tế mấy năm qua, đang ở trong tình trạng gia công cho nước ngoài. Do đó kinh tế nước ta khó thoát khỏi các tác động xấu, thậm chí rất xấu từ suy thoái của kinh tế thế giới. Đặc biệt, hiện gần như tất cả các đối tác quan trọng với Việt Nam đang buộc phải đình chỉ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây tắc nghẽn việc cung cấp đầu vào và cả đầu ra đối với nhiều ngành công nghiệp then chốt của nước ta.

Nền kinh tế vẫn còn tiếp tục khó khăn ngay cả trong giai đoạn phục hồi. Phần lớn các nhà nghiêm cứu dự báo đại dịch covid-19 sẽ chấm dứt vào cuối quý II năm 2020. Giả sử, dự báo này là chính xác thì nền kinh tế vẫn cần thời gian để từng bước phục hồi. Trong giai đoạn phục hồi này, lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Vài kiến nghị nhỏ: chỉ khôi phục những điều tốt đẹp

Theo người viết, “khôi phục” những gì đã mất do khủng hoảng kinh tế gây ra cần thống nhất trên quan điểm là khôi phục những điều tốt đẹp, những điều kiện tiền đề để đất nước phát triển trong giai đoạn tiếp theo chứ không phải khôi phục những cái cũ, cái lạc hậu.

(i) Thời gian đầu của giai đoạn phục hồi, chắc chắn nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh vẫn còn cần sự hỗ trợ để tồn tại. Vì vậy, không ít đơn vị của phía tài trợ (Nhà nước, các Quỹ, các ngân hàng…) còn cần thực hiện nghĩa vụ này. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hình như mới phản ảnh một chiều rằng phía tài trợ có lòng tốt, chung tay cứu doanh nghiệp (phía nhận tài trợ). Điều đó chỉ đúng một nửa, mà quên rằng “cứu bạn cũng chính là cứu mình”, bởi một doanh nghiệp phá sản luôn đưa lại cho các Quỹ, cho Ngân hàng không ít khó khăn, thậm chí có nhà tài trợ còn chết theo.

(ii) Chính phủ cần gấp rút chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới về điều chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phân bổ ngân sách 2020, theo hướng:

Không nhất thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP, chủ yếu vì chưa đủ căn cứ;

Giành ưu tiên số 1 của các nguồn lực có thể huy động được cho việc đầu tư phục hồi kinh tế-xã hội;

Xem việc bảo đảm cân đối vĩ mô là điều kiện cần cho cả giai đoạn phục hồi, lẫn giai đoạn phát triển sắp tới.

(iii) Rút kinh nghiệm tốt từ trong chỉ đạo chống đại dịch Covid-19, điều chỉnh càng sớm càng tốt cung cách điều hành của bộ máy công quyền để giảm được từng nào hay từng đó các con “virus trì trệ”.

Hải Lộc/ VNN

(*) Từ 1976-1985 tăng trưởng kinh tế, tính bằng hai chỉ tiêu TỔNG SẢN PHẨM XÃ HỘI theo giá cố định 1982 và THU NHẬP QUỐC DÂN. Ở đây lấy số liệu Tổng sản phẩm xã hội để làm thí dụ. Theo các báo cáo của Tổng cục thống kê, tăng trưởng kinh tế những năm 1981-1985 như sau: 1981: 1,9%; 1982: 7,6%; 1983: 9,7%; 1984: 10,0%; 1985: 7,6%. Bình quân 5 năm 1981-1985, kinh tế nước ta tăng trưởng 7,3%%/năm.

Từ 1991 đến nay chúng ta dùng chỉ tiêu TỔNG SẢN PHẨM TRONG NƯỚC(GDP) theo giá so sánh của một năm cụ thể  để đo mức tăng trưởng kinh tế. Và Tổng cục thống kê dùng chỉ tiêu GDP để tính ngược mức tăng trưởng kinh tế trong nhưng năm 1986-1990. Kết quả như sau: 1986: 2,8%;1987: 3,6%; 1988: 6,0%; 1989: 4,9%; 1990: 5,1% . Bình quân 5 năm 1986-1990, GDP của ta tăng trưởng 4,4%/năm

Đọc nhiều