128036
category
527970

“Chống dịch như chống giặc”, cớ sao xin giảm án cho giặc?

27/06/2021 11:24

Ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật ở đâu, hay không có trong “khái niệm” của những người đứng đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm?

Sáng 24/6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội) và 5 người khác là Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.

Ngoài đơn xin giảm nhẹ hình phạt của 30 CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) các tỉnh, hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan cho cho ông Nguyễn Nhật Cảm và nhóm các bị cáo là cựu cán bộ CDC, luật sư của ông Nguyễn Nhật Cảm nộp thêm đơn xin của 42 phó giáo sư, tiến sĩ và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc.[1]

Việc 30 CDC các tỉnh, hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan, 42 phó giáo sư, tiến sĩ và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm đã nhận được ý kiến trái chiều của dư luận.

Tại sao 30 CDC các tỉnh, hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan, 42 phó giáo sư, tiến sĩ và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm?

Ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật để ở đâu, hay không có trong “khái niệm” của những người đứng đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm?

Các bị cáo tại tòa.

Nguyên nhân mà họ giải thích cho việc viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt “chúng tôi cho rằng Nguyễn Nhật Cảm… chưa sát sao cụ thể, chưa thấy rõ những phức tạp, lỗ hổng của công việc đấu thầu mua trang thiết bị, vật tư vào thời gian chống đại dịch trong điều kiện chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể”. [1]

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cắt nghĩa: Xét cho cùng, sở dĩ có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu. Ðây là căn bệnh trong gan, trong tim ở nơi bàn giấy, nơi sự vụ. Nó rất khó nhận diện, nên rất khó chữa. Ðối với công việc, những người quan liêu hay “trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”.

Những người mắc bệnh quan liêu “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không thấy thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Người nhận định: “Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. [2]

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc”.

Đối với Việt Nam, “trong dịch có giặc”: Đó là các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch COVID-19 để chống phá cách mạng Việt Nam.

Đó là những kẻ “nối giáo cho giặc”, là những người giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly, không chấp hành lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc đông người… làm lây lan dịch bệnh.

Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài; lợi dụng dịch bệnh để phạm tội.

Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, làm rối lòng quân, gây hoang mang trong dân gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam…

Các loại giặc trên đều nguy hiểm như nhau và là đối tượng phải tiêu diệt (dịch COVID-19 là “giặc vô hình” (mắt thường không thể thấy được làm người ta mắc bệnh và tử vong; đó là các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị; do đó, chống giặc dịch được hiểu là chống “giặc COVID-19” để cứu người, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ “giặc” còn lại cũng nguy hiểm không kém nên đặt ra tính cấp bách và là “đối tượng” phải phòng, chống nhanh chóng và kịp thời. [3]

Chẳng nhẽ những người viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm không nhận thức được “những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài; lợi dụng dịch bệnh để phạm tội” là giặc?

Cớ sao còn viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho giặc?

Từ rất sớm, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã luận giải: “Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh.

Đảng quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân. Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để đánh thắng kẻ thù của cách mạng”.

Vì vậy, khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” trong phòng, chống dịch COVID-19 là sự vận dụng sáng tạo chỉ dẫn quý báu đó của Người và tất yếu Việt Nam sẽ sớm giành thắng lợi trước thứ giặc nguy hiểm này. [3]

Lỗ hổng của công việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, nếu có, đương nhiên cần nhanh chóng vá lại, nhưng đấy không thể, không nên là lý do xin giảm án cho Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy.

Đảng và Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, đã có rất nhiều cán bộ cấp cao đương nhiệm cũng như nghỉ hưu bị xử lý hình sự khi vi phạm pháp luật, thì không có cớ gì phải nương tay với những người nâng giá trang thiết bị vật tư y tế ngay giữa lúc cả nước đang chống dịch.

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp đó, tháng 10-2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. [4]

Lời dạy của Người về chống “giặc nội xâm” vẫn còn nguyên ý nghĩa, giá trị và tính thời sự. Trong số những người viết đơn xin giảm án cho Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm, ắt hẳn sẽ có những vị là đảng viên. Quý vị suy nghĩ thế nào về vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng?

Trong lúc cả nước đang gồng mình chống giặc, không ít y, bác sĩ đang xả thân vì sức khỏe đồng bào, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, vậy mà có những lá đơn lạc lõng biện hộ cho giặc quả là phản cảm.

Tôi tin phiên tòa xét xử Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm chắc chắn sẽ có phán quyết đúng pháp luật, đúng người, đúng tội; sẽ đủ sức răn đe, giáo dục những kẻ manh tâm nối giáo cho giặc COVID-19 nói riêng và những kẻ nào đang âm thầm tàn phá đất nước nói chung.

Lê Mai

Đọc nhiều