130115
topics
375650

Phòng chống dịch COVID-19: Hai tuần quyết định với Việt Nam

23/03/2020 09:51

“Hai tuần tới là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19” – nội dung này liên tục được nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tại sao?

Nhân viên y tế tại khu cách ly trong resort Phương Nam, huyện Cần Giờ, TP.HCM 

Tại TP.HCM hiện mỗi ngày có đến 1.300 – 1.700 người về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất. Và dự báo trong khoảng 10 ngày tới, con số này có thể lên đến 17.000 người phải cách ly tập trung, tức sẽ lớn hơn tổng số 11.500 người đang được cách ly tập trung, cách ly tại nhà – nơi lưu trú trên toàn địa bàn tính đến hôm qua (22-3).

14 ngày ủ bệnh

Lý giải vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết thời gian qua lượng người từ nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng tăng, và hai tuần tới sẽ đạt mức “đỉnh điểm”.

“Tình hình này rất có thể sẽ kéo theo tình huống xuất hiện thêm các ca bệnh mới. Đây là thời điểm quan trọng để hệ thống nguồn nhân lực, kiểm soát, cách ly, điều trị chuẩn bị bấy lâu nay tiếp tục “gồng” cho một cuộc chiến quyết định. Nếu kiểm soát tốt, đó là tín hiệu đáng lạc quan cho chặng đường đẩy lùi dịch bệnh phía trước”, ông Thượng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM – nói hai tuần này sẽ là hai tuần “thử lửa” cho cả hệ thống phòng ngừa dịch COVID-19 ở nước ta. Bởi lúc này, lượng người từ nước ngoài về coi như gần hết. Vấn đề đặt ra là về nhiều quá, liệu có “lọt lưới” nguồn lây ra cộng đồng hay không?

“Theo tôi, ngoài việc đảm bảo quy trình kiểm soát cách ly tập trung như hiện nay, đòi hỏi mỗi người dân phải có ý thức nâng cao cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đi lại để chung tay cùng chính quyền, ngành y tế khống chế dịch bệnh” – bác sĩ Khanh nói.

Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, “hai tuần quyết định” cũng chính là thời điểm 14 ngày ủ bệnh (nếu có). Do đó phải tìm mọi cách khống chế nguồn lây nhiễm ra cộng đồng, không để lặp lại như trường hợp bệnh nhân “siêu lây nhiễm” thứ 34 lây cho 10 người khác ở Bình Thuận.

Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II, nơi được huy động làm nơi cách ly tập trung cho 4.800 người tại khu vực Hà Nội

Tìm cho ra nguồn lây ngoài cộng đồng

Trong số những ca nhiễm COVID-19 trong hôm qua (22-3), có một số từ nước ngoài về và được cách ly ngay khi xuống sân bay, còn 2 người lây nhiễm trong quá trình di chuyển, đi lại, làm việc ở trong nước, điều này cho thấy mầm bệnh đã có ngoài cộng đồng.

Cụ thể là bệnh nhân thứ 97 và 98, đều là giáo viên tiếng Anh ở TP.HCM, họ cùng ở Malaysia trước khi về lại TP.HCM và ở cùng phòng, cùng đến chơi tại quán bar Buddha ngày 14-3, nơi bệnh nhân thứ 91 đến chơi cùng ngày.

Hiện chưa rõ nguồn lây của 3 bệnh nhân này, nhưng việc họ đã đến chơi tại quán bar và được phát hiện nhiễm bệnh vào ngày sau đó cho thấy đã có những dấu hiệu mầm bệnh tồn tại ngoài cộng đồng.

Tình trạng này tương tự ca lây nhiễm của bệnh nhân thứ 86 – 87 (2 nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), hiện cũng chưa tìm ra nguồn lây cho bệnh nhân thứ 86 trong thời gian bệnh nhân đi du lịch và di chuyển trên máy bay. Sau khi về làm việc, bệnh nhân đã làm lây sang bệnh nhân thứ 87.

Hay như bệnh nhân thứ 100 được hướng dẫn cách ly tại nhà, nhưng từ 4-3 đến 17-3 đã đi lễ 5 lần tại thánh đường Hồi giáo trên đường Dương Bá Trạc ở quận 8, TP.HCM.

Với những yếu tố này, ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – cho rằng khi bệnh đã có ngoài cộng đồng thì những người có khả năng lây nhiễm lại có nguy cơ làm lây lan ra những người khác, việc hạn chế tiếp xúc phải kéo dài thêm.

“Ngay ở Ý người ta cũng có so sánh số bệnh nhân mắc giữa những vùng có cách ly và xét nghiệm rộng rãi với những vùng không áp dụng biện pháp này thì thấy rõ có cách ly và có xét nghiệm rộng khả năng ngăn chặn hiệu quả hơn” – ông Phu nhận xét.

Việt Nam đã chính thức áp dụng cách ly tập trung với người đến từ khu vực EU từ ngày 15-3, nghĩa là trước đó những người từ châu Âu về (và thời điểm đó là khu vực có dịch lớn nhất) lại không phải cách ly tập trung.

Đã có những người bệnh ghi nhận trong nhóm này và Bộ Y tế đang tìm kiếm hành khách trên 21 chuyến bay có bệnh nhân. Cho đến nay vẫn còn nhiều người trên 21 chuyến bay này chưa tìm được và nguy cơ mầm bệnh tồn tại ngoài cộng đồng vẫn còn.

“Biện pháp của Việt Nam từ đầu vụ dịch này, như cách ly, khoanh vùng là đúng. Ở Quảng Ninh hiện nay, cơ quan y tế đã đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp có ho, sốt. Tức là sàng lọc sớm rộng rãi, khi mầm bệnh đã có dấu hiệu tồn tại ngoài cộng đồng. Giờ ở giai đoạn 2 thì phương án của Quảng Ninh là phương án tốt. Dịch này lây lan rất mạnh, mọi biện pháp phải thật mạnh mới chống được” – ông Phu nói.

Phòng chống dịch COVID-19: Hai tuần quyết định với Việt Nam - Ảnh 3.

Đề nghị không tổ chức lễ Phật đản đông người

Văn bản do hòa thượng Thích Thiện Nhơn – chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – ký, gửi hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương về việc tổ chức lễ Phật đản sắp đến trong tình cảnh thế giới và Việt Nam “đang phải đối diện với cuộc chiến khốc liệt chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19)”.

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, và Ủy ban đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đã thông báo không tổ chức sự kiện này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các địa phương không tổ chức lễ đài tập trung đông người, không rước xe hoa cùng các chương trình nghệ thuật chào mừng, các hình thức tập trung đông người.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các địa phương tổ chức lễ Phật đản bằng nghi thức tắm Phật, tụng kinh tại cơ sở tự viện và tư gia của mỗi phật tử. Trong trường hợp Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xem xét, ra thông bạch hướng dẫn cụ thể về thời gian và hình thức tổ chức lễ Phật đản.

Theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam thì lễ Phật đản được tổ chức vào ngày 8-4 âm lịch.

Vào ngày 20-3, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã đề nghị các tổ chức tôn giáo dừng các sự kiện lớn gồm: lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin Lành; lễ Phật đản trong Phật giáo; Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer; đại hội nhiệm kỳ của Hội thánh Cao Đài; hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i và Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

THIÊN ĐIỂU/TTO

Đọc nhiều